(Xem: 1839)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2292)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

04-Dāna (Bố thí)

18 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 13688)

 

04-Dāna (Bố thí)

Tất cả với tấm lòng rộng mở.

Cám ơn bạn. Bây giờ tôi có thể tặng nó cho người khác.

 MUNINDRA

 

 Đức Phật đặt hạnh bố thí lên hang đầu của con đường giải thoát khi Ngài dạy: “Nều chúng sanh biết, giống Như lai biết, quả báu của sự bố thí và san sẻ thì họ sẽ không thọ hưởng mà không bố thí cũng không để uế nhiễm của tham lam bỏn xẻn ám ảnh và bám rễ trong tâm họ. Dù là miếng cuối cùng, dù là miếng ăn tối hậu, họ cũng không thọ hưởng mà không san sẻ, nếu có người cần được san sẻ.” ( Kinh Phật Thuyết Như Vậy 26)

 Bất cứ ai xuất hiện nơi ngưỡng cửa phòng Ngài Munindra đều được tiếp nhận sự rộng lượng và ân cần của Ngài. Ngài luôn luôn chia sẻ bất cứ cái gì Ngài có – thực phẩm, thì giờ, kiến thức, câu thăm hỏi, lời từ ái, sự hỗ trợ vật chất và tinh thần, và tình bạn đạo. Hơn tất cả, Ngài thích chia sẻ Giáo pháp món quà mà Ngài hằng xem là cao quý nhất. Hiển nhiên các hành động bên ngoài y là thể hiện của tác ý thiện lành từ nội tâm; những cảm xúc đầy từ mẫn đã thúc giục Ngài hiến tặng, đem niềm vui đến cho mọi người.

 Cuối năm 1996, Robert Pryor nhờ Paul Choi mang vài món quà sang tặng Ngài Munindra. Mùa thu năm ấy, Ngài về ở với gia đình tại Calcutta vì tuổi già và đau yếu, không còn dạy và trú ngụ ở Bồ đề Đạo tràng được nữa. Chưa hiểu nhiều về Đạo, không biết rõ Ngài Munindra là ai, cũng như không thấy thích thú được ở gần Ngài, Paul chỉ háo hức đi du ngoạn thành phố. Nhưng một kinh nghiệm bất ngờ về lòng rộng lượng của Ngài đã để lại cho Paul một dấu ấn khó phai.

 Paul nhớ lại, “Chúng tôi trò chuyện giây lát rồi Ngài Munindra nói với tôi, ‘Ồ, cuối tuần này cậu hãy ở đây với tôi, chúng ta sẽ cùng hành thiền.’ Mỗi lần nhớ lại, tôi tự trách mình vì bây giờ nếu được cơ hội ấy, tôi sẽ hăm hở thực hiện ngay. Nhưng lúc ấy tôi chưa có đủ lòng tôn kính Giáo pháp nên nghĩ rằng, "Cái ông lão này là ai mà lại muốn mình bỏ cả cuối tuần để thiền tập với ông chứ!’ Tôi nói, ‘Không, cám ơn ông.’ Ngài lại nói, ‘Thôi, ít nhất cũng ở lại một đêm để chúng ta cùng hành thiền.’ Tôi trả lời, ‘Không, không, không.’ Ngài nói, ‘Thôi được, chỉ ráng một buổi trưa này, chúng ta sẽ nói chuyện đạo với nhau.’ Một lần nữa, tôi cho biết rằng tôi không có hứng thú. Ngài chỉ mỉm cười và bảo, ‘Vậy thôi, để tôi lo cho cậu dùng bữa vậy.’”

 Paul kể tiếp: “Toi nhớ thật rõ rang, toi ngồi lại bàn của Ngài và được Ngài ân cần chăm lo từng chút cho tôi ăn uống đầy đủ. Mỗi khi nhớ lại cảnh ấy tôi lại muốn khóc. Ngài cứ đứng kế bên để sớt thức ăn vào dĩa của tôi, thật tử tế, niềm nỡ và rộng rãi.” Buổi gặp gỡ giữa hai người chỉ có chừng ấy. “Thật là đáng ghi nhớ,” Paul thuật tiếp. “Càng tiếp tục tìm hiểu Phật pháp, lòng kính yêu Ngài càng nảy nở, mặc dù tôi không được gặp lại Ngài. Kỷ niệm ấy cứ trở lại với tôi, đặc biệt là vào những khóa thiền. Đôi khi nó làm tôi bật cười và lòng tràn ngập niềm vui vì tôi cảm nhận được đó chính là thể hiện của sự giác ngộ, vô ngã và độ lượng của Ngài.”

 Paul nói thêm, “Lúc đó, Ngài hoàn toàn không tỏ ra đang có ý nghĩ, ‘Người này có biết mình là ai không nhỉ?’ Ngài như chỉ đang cố gắng làm bất cứ điều gì để chăm sóc cho tôi. Nghĩa cử đó đã ghi lại một ấn tượng sâu đậm trong suốt đời tôi khiến tôi thường xuyên suy niệm về nó, như khi chuẩn bị dạy một khóa thiền hay cả lúc đi thăm bệnh nhân – vì hiện tôi đang thực tập để thành một bác sĩ tâm thần. Tôi thấy biết ơn Ngài thật nhiều.”

 Sinh hoạt chung với Ngài Munindra nhiều hơn, từ cuối năm 1976, Alan Clements cũng đồng ý với tình cảm của Paul về tấm lòng nhân hậu bao la của Thầy, “Bạn không thể ở bên cạnh Thầy mà không được chăm sóc hay phục vụ. Bạn cảm thấy mình như thuộc về giang sơn của Thầy, được ăn, được uống, được êm ấm tiện nghi và được Thầy trả lời ngay lý do tại sao bạn lại ở đó. Các thầy tự cống hiến chính mình thật đẹp đẽ, và cách Thầy ban tặng những món sở hữu của Thầy cũng thật đẹp đẽ.” 

Nhiều cách ban tặng khác nhau.

 Hành động ban tặng có rất nhiều mức độ và nguyên nhân, chẳng hạn như bố thí có nhắc bảo (hữu trợ) hay không nhắc bảo (vô trợ).

 Ta có thể miễn cưỡng biếu tặng phẩm vật, quyên cúng tiền bạc vì cảm thấy bị bắt buộc phải đáp lại lời khuyên lơn kêu gọi, hoặc phải đền ơn đáp nghĩa, hoặc muốn được danh thơm là một thí chủ. Nhưng cũng có thể là một đáp ứng tự nhiên và từ mẫn trước một nhu cầu của ai đó mà ta biết được, và ta thấy hân hoan khi làm việc đó.

 Sau cùng, có một tấm lòng rộng lượng thật sự là khi ta không nắm giữ vật gì lại cho mình, không giới hạn cho người trong gia đình hay cho người mình ưa thích, hoặc riêng với những cơ hội đặc biệt nào. Đức Phật dạy rằng cách hiến tặng cao thượng đó làm cho tâm ta trở nên thiện lành, tươi đẹp, hoan hỷ, và từ đó an lạc sanh khởi.

 Ngài Munindra không phải là người phải cần được khuyên nhắc để biết từ bỏ những gì mình sở hữu, bởi vì Ngài không cho đi một cách miễn cưỡng bao giờ. Các nghiên cứu mới nhất trong khoa thần kinh học cho biết là khi tự nguyện ban tặng ai thứ gì, những vùng “lạc thọ” hay “đạo đức” trong bộ óc được thắp sáng lên.

 Ngài chắc chắn không hề biết đến những khám phá này. Ngài hiến tặng vì Ngài cảm nhận được niềm hoan hỷ và vì hiểu rõ ý nghĩa về nghiệp quả của sự bố thí. Ngài cung ứng không giới hạn, không tính toán so đo, vì hành động bố thí luôn gắn bó chặt chẽ với tâm từ và tâm bi ở trong Ngài. Với gia đình hay với người xa lạ, Ngài cũng đối xử tử tế, thương yêu, bi mẫn và rộng rãi như nhau, không phân biệt.

 Khi Đại đức Kim Triệu Khippapañño từ Việt nam qua Ấn Độ du học năm 1967, suốt chín năm trời, Ngài Munindra không những chỉ giảng dạy về thiền vipassanā mà còn mời Đại đức cùng cư trú tại Tu viện Miến điện trong Bồ đề Đạo tràng và hàng ngày dâng cơm. Ngài hướng dẫn Đại đức vượt qua những giai đoạn bị xúc động, đau khổ mãnh liệt trong lúc hành thiền. Khi biết được hoàn cảnh khó khăn về tài chánh của Đại đức, Ngài trở thành vị thí chủ bảo trợ để Đại đức có thể tiếp tục tu tập.

 Đại đức nói, "Tấm lòng của Thầy cũng giống như tấm lòng của mẹ tôi, thật dịu dàng và thật từ mẫn. Tôi cảm thấy gần gũi Thầy còn hơn cha tôi."

 Nhiều năm sau đó, khi Ngài Munindra bị nhiều căn bệnh dồn dập, Đại đức đã gây quỹ để trang trải y phí cho Ngài. Pháp bố thí xuất phát từ nhân bi mẫn sẽ mang lại nhiều thiện quả cùng giống như thế.

Bây giờ tôi có thể cho người khác. 

 Ngài Munindra là một đại thí chủ hào phóng. Ngoại trừ sách vở và y áo, Ngài không giữ lại cho mình một thứ gì, kể cả các quà tặng.

Dhammaruwan Chandrasiri kể, “Có rất nhiều người đến nhà chúng tôi ở Tích Lan để viếng thăm Thầy. Lần nọ, có người dâng Thầy một cái bát bằng đồng có hình dáng giống Cội Bồ Đề nhỏ. Khi ấy tôi là một cậu bé, thấy cái bát bèn khen, ‘Ồ, đẹp quá!’ Ngài Munindra liền nói ngay lúc đó, ‘Ta muốn con có cái bát này.’ Tánh Thầy là như vậy, vừa nhận ở tay này liền cho bằng tay kia, không nắm giữ lại bất cứ gì. Đôi khi người ta thích giữ lại cho mình một món quà như vậy trong một thời gian, rồi mới cho đi. Còn Thầy thì nhận xong là lập tức ban phát.”

Govinda Barua, em trai Ngài, nói: “Anh tôi nhận được nhiều tặng vật và phân phát ngay cho ai đang cần đến. Bất cứ ai đến với anh, anh đều có một thứ gì để trao tặng.”

 Kamala Masters nói thêm rằng mỗi khi cô dâng Thầy món gì, Thầy đều bảo với cô là món ấy không phải chỉ dành riêng cho mình. Thầy nói, “Cám ơn. Bây giờ tôi có thể cho người khác.”

 Ngài S.N. Goenka là bạn rất thân của Ngài Munindra trên bốn mươi năm, nhận thấy Ngài Munindra “rất khiêm nhường, thanh khiết, không tham lam như vài vị thầy Á châu khác chỉ muốn tiền,tiền và tiền. Thầy tôi, ngài U Ba Khin, thường nói,  ‘Tôi ở bên phía ban tặng, không ở bên phía tiếp nhận. Hãy để mọi người đến thọ hưởng Giáo pháp.’ Munindra cũng như vậy, luôn ở phía cung ứng, không tham lam thu góp tiền bạc. Mà thu góp tiền bạc để làm gì chứ?”

 Có lần Ngài Munindra nói với Ram Sevak, “Tôi không hút thuốc lá, không uống rượu, không uống cả trà, chỉ dùng nước chanh. Tôi không cần tiêu pha gì. Sao phải tốn tiền mua những thứ này? Thay vào đó, tôi có thể phân phát số tiền này cho người khác. Việc làm hàng ngày của tôi là ban phát vì đạo pháp chứ không phải vì thuốc lá.”

 Gregg Galbraith nói, “Thầy sống rất thanh đạm và nhất định không chịu chi tiêu nhiều, nhưng lại thích chăm lo cho nhu cầu thiết yếu của người khác, bỏ nhiều thì giờ nghĩ đến người khác. Thầy tích cực tận tụy nâng đỡ những ai có khả năng thăng tiến nhưng bất lực vì lâm cảnh nghèo khổ. Nếu biết ai là người tốt, đang vất vả đương đầu với cuộc sống, Thầy đều quan tâm giúp đỡ. Nhu cầu cá nhân của Thầy rất ít, và Thầy hoan hỷ khi ở với dân làng cũng như khi ở với các môn sinh Phật tử.”

 Ngài Munindra đặc biệt nhiệt tình ban phát vì lợi ích của giáo dục hay sự tu học. Dù Bengali là ngôn ngữ đầu tiên, nhưng khi sống ở Sarnath, Ngài học tiếng Hindu và nhờ vậy có thể dạy các công nhân lao động và con cái của họ mà vì quá nghèo nên không được vào trường học. Mỗi khi có tiền, Ngài đều cho họ để mua sách học.

 Được hỏi tại sao Ngài bỏ thì giờ dạy những người này, Ngài trả lời, “Những dân làng này từ thôn quê tới, không biết Phật pháp, không biết cả về vấn đề vệ sinh, ngăn nắp, nhưng họ là người tốt. Nếu được học hỏi, tính nết sẽ khá hơn và hạnh lành được trưởng dưỡng. Vì thế tôi có bổn phận giúp họ.”

 Ở Bodh Gaya, Ngài Munindra thường bố thí thức ăn và áo quần đến những phụ nữ già yếu, cũng như hay phát tiền và thực phẩm cho các hành khất. Ngài đặc biệt giúp đỡ cho các em gái đi học. Các em này thường không được đến trường vì gia đình phải dùng số tiền lẽ ra dành cho việc học để làm của hồi môn.

 Tapas Kumar Barua biết nhiều sinh viên – trong đó có vài học giả nghiên cứu ở Gaya, Varanasi, Calcutta, Bangladesh và nhiều nơi khác – đã trực tiếp hay gián tiếp thọ nhận sự giúp đỡ của Ngài. Tapas nói chú mình, Ngài Munindra, có mối quan tâm sâu xa đến việc mở mang học vấn cho mọi người, nhưng không khi nào Ngài công bố những gì mình đã đóng góp.

Hiểu biết tâm tham. 

 Ngài Munindra giải thích vì sao tâm tham ngăn chặn việc bố thí cúng dường. Có ba loại cảm thọ – vedāna (đây là cảm thọ về tâm, không phải về thân): lạc thọ, khổ thọ và thọ trung tính (còn gọi là thọ vô ký, không khổ không lạc). Nghĩa gốc của cảm thọ – vedāna là trạng thái tâm “kinh nghiệm” đối tượng, từng giây phút một.

 Khi các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với các đối tượng (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), cảm thọ sinh khởi. Nếu là lạc thọ, thường có tham ái theo sau. Nếu là khổ thọ, sân hận dễ đi kèm. Sau cùng, cảm thọ không lạc không khổ thường đến cùng si mê, vì thọ này thường không đủ mạnh nên không dễ nhận ra như lạc thọ hay khổ thọ, và như thế tâm mù mờ không quan sát và hiểu biết đối tượng được rõ ràng, có nghĩa là thiếu sự hay biết, chánh niệm.

 Ngài nói, “Đó là ba gốc rễ của tất cả bất thiện nghiệp: tham ái đem đến chấp thủ, sân hận đem đến oán thù, si mê mang thêm vô minh. Tham ái cản trở ta ban tặng và san sẻ. Mặt tích cực trái ngược lại là vô tham – tâm bố thí khởi sinh, ta sẽ ban tặng và san sẻ. Bố thí và cúng dường, dù nhỏ dù lớn, nếu được làm với tác ý chân chánh, sẽ thanh lọc và diệt trừ tâm tham.”

Cho và nhận với trí tuệ.

 Mặc dù bản tánh rộng rãi tự nhiên, nhưng Ngài Munindra luôn nhớ lời dạy của Đức Phật trong kinh Bố Thí Đúng Thời – Kāladāna Sutta (Tăng Chi Bộ Kinh 5.36), rằng bố thí cần phải đúng thời, thích hợp với hoàn cảnh, được ý thức rõ ràng, và với tâm không hạn hẹp, keo kiệt.

 amala Masters quan sát điều này ở một trạm xe lửa bên Ấn độ. Khi một người hành khất đến nằn nì và kéo áo cô, Ngài Munindra tới bảo anh ta đi. Lúc Ngài và cô rời khỏi chỗ đó, Ngài lấy một trái chuối trong đãy xách ra và đến cho một người thanh niên (cô không rõ có phải là người ăn xin ban nãy không). Kamala nói, “Thầy ban phát đúng lúc, không vội vã, và dường như là có một nhân duyên nào đó.”

 Ngài Munindra khuyên bố thí cần phải thích hợp với hoàn cảnh và đi đôi với sự thận trọng. Khi viếng thăm Kamala ở Maui, Thầy hỏi về các sách Phật pháp của cô. Có lần cô than thở, “Thưa Thầy, con cho bạn mượn sách mà không lấy lại được.” Thầy khuyên răn, “Đừng làm vậy. Kinh sách rất quan trọng với cô, phải giữ kỹ. Tốt hơn, cô nên giới thiệu sách ấy cho họ và để họ tự đi mua. Do phải bỏ công sức làm việc đó, họ sẽ có thêm hứng thú để đọc nó.”

 Một môn sinh tỏ ra hảo tâm với một người khách mà tư cách không lấy gì bảo đảm, Ngài nhắc nhở không nên cho tặng một cách bừa bãi mà phải suy xét sự hữu ích của nó: “Mình đang cho ai đây? Cho để làm gì? Vì sao mình cho?” Đức Phật dạy chỉ nên cho khi nào vật cho mang đến quả tốt đẹp (Tăng Chi Bộ Kinh 5.36).

 Ngài Munindra cũng biết khi nào nên trân trọng thọ nhận của đàn na tín thí và khi nào thì không nên thọ nhận. Ray Liposky nhớ có lần được mời đi cùng Thầy đến dự đám tang của một gia đình Phật tử ở Calcutta, “Chúng tôi tới nơi, được ngồi một chỗ trang trọng, được những người vô cùng nghèo khổ phục vụ, hiến tặng những gì quý nhất của họ, xem việc tiếp đón và dâng thức ăn cho chúng tôi như một niềm vinh dự. Bà quả phụ cố dâng tiền cúng dường cho Thầy, nhưng Thầy từ chối và đưa lại cho bà vì biết khả năng tài chánh hạn hẹp của gia đình bà. Thầy nói: ‘Không, không, bà không nên làm thế. Chúng tôi đến đây chỉ để giúp đỡ gia đình bà thôi.’”

 Nhưng trong một dịp khác, Kamala Masters và hai người bạn đi theo Thầy đến một căn nhà nhỏ đơn sơ của một người bán nước trà ở Sarnath, bài học lần này lại không giống vậy: “Ở đó tôi được học từ Thầy rằng nếu ai có phát tâm làm phước, ta đừng từ chối vì như vậy là cản trở họ vun bồi ba la mật na. Vì vậy khi gia đình người bán nước trà phát tâm cúng dường, chúng tôi đồng ý thọ nhận. Tuy nhiên, đoán biết gia đình họ khó có khả năng đãi ăn cho tất cả, chúng tôi lập tức đồng ý với nhau sẽ biếu tặng lại họ một số tiền.”

 Kamala hồi tưởng, “Vì không có gì cho chúng tôi ngồi, họ khiêng chiếc giường ngủ của họ ra ngoài thay cho ghế. Chúng tôi ngồi dưới vòm trời đầy sao, thật là đẹp. Sau khi chúng tôi dùng cơm xong, cả gia đình đến để nghe Thầy ban một bài pháp bằng ngôn ngữ Hindu của họ. Họ có khoảng mười người nghiêm trang ngồi chung quanh, thành kính lắng nghe, thật hoan hỷ. Đó là cách Thầy đi khắp nơi để dạy đạo, hơn là treo tờ quảng cáo hay tấm bảng hiệu để người ta đến gặp Thầy. Mẫu người của Thầy là vậy – không gióng trống, khua chuông, phô trương ầm ỹ.”

 Tridib Barua kể thêm rằng chú Munindra của anh có thói quen đi thăm các khu chợ trong những xóm nhà nghèo ở khắp nơi để gặp bất cứ ai không thể đến thân cận với mình do giai cấp thấp kém của họ. Một vị sư ở Bồ đề Đạo tràng đã chống đối việc Ngài Munindra hay lang thang du hành từ làng này đến làng khác “nói chuyện với những người vô dụng.” Nhưng Ngài lại vui thích được làm quen với họ, không khi nào xem họ là hèn kém hay thấy mình phí thì giờ vì họ.

 Kamala Masters chính mắt thấy điều này khi cùng có mặt với Thầy ở Sarnath: “Chúng tôi đi bộ trên con đường chính, đi thật lâu vì Thầy cứ ngừng lại nói chuyện với bất cứ ai đến gần mình, cả những người ăn xin biết Thầy từ bao năm trước. Thầy chân thành hoan hỷ khi gặp lại họ.”

Mua sắm.

  Ngài Munindra thiết tha mong muốn được biếu tặng phẩm vật đến những ai không đủ khả năng tự mua sắm chúng cho mình, đến nỗi khi ở Mỹ, đôi lúc Ngài làm các học trò mình phải mệt nhoài vì sở thích mua sắm của Ngài.

 Trong vài bài pháp thoại, Kamala Masters có kể lại với chút hài hước về thú mua hàng của Thầy ở chợ dược phẩm Long's tại Maui. Khi cô bận chạy việc lặt vặt thì Thầy nhắm mắt, nghỉ yên trong xe. Nhưng khi vừa biết rằng họ đang ở trong bãi đậu xe của chợ Long's, Thầy liền mở mắt, nhanh nhẹn chuẩn bị đi mua sắm.

 Kamela kể, “Có lần Thầy nói cần dù và chọn ra vài chiếc. Tôi hỏi Thầy cần một cây dù thôi phải không? Thầy trả lời muốn lấy hết và giải thích: ‘Cô ạ, nơi tôi ở có nhiều, rất nhiều trẻ em cần đủ các thứ, nên tôi muốn đem về cho chúng những gì tôi có thể đem. Trong khi đó, bản thân Thầy thì chẳng cần gì nhiều. Khi đi du hành qua Ấn, tôi thấy Thầy còn giữ một chiếc ly nhựa Thầy có từ lúc sang Mỹ. Thầy gói nó bằng một mảnh vải sạch nhưng cũ mèm trông như miếng giẻ. (Thầy có lệ là bất cứ đi đâu, cứ đến bốn giờ chiều thì phải uống nước). Thấy một người sống đơn giản như thế, bạn sẽ hiểu được rằng tất cả những gì Thầy mua sắm không phải để cho Thầy thọ dụng.”

Ngài Munindra luôn muốn mọi người được hưởng chất lượng tốt của phẩm vật, kể cả chính mình. Nếu có trái cây trên bàn, Ngài mời: “Sao không dùng gì?” Và nếu người được mời lấy một trái nhỏ, Ngài nói: “Sao không lấy trái lớn hơn?”

 Đại Đức Vimalaraṃsi ghi nhận Ngài là một tấm gương sống động về hạnh bố thí đi đôi với tâm từ: “Chúng tôi đang dùng bữa chung với nhau và Thầy lựa được phần trái cây tươi ngon nhất. Nhưng Thầy luôn luôn để phần ấy lên dĩa một người khác và nói vài lời về phước báu của việc chia sẻ, nhất là khi đang ăn chung với người khác.”

Ngài Munindra tin vào phước báu của hạnh bố thí nhưng cũng không vì thế mà để mình phải thiếu hụt. Ngài nghĩ thiếu thốn là một sự bất hạnh vì sẽ không có khả năng ban phát hay san sẻ với người khác. Ngài giải thích rằng, mặc dù Đức Phật không xem của cải vật chất là mục đích cao cả nhưng “Đức Phật không bao giờ khuyến khích phải chịu nghèo khổ, bởi vì thiện nghiệp dẫn đến sung túc”, nhờ sung túc mới có thể làm phước, và như vậy lại tạo thêm nhiều thiện nghiệp. Những lời dạy này nằm trong kinh Phước Báu Từ Của Cải Thâu Góp – Ādiya Sutta (Tăng Chi Bộ Kinh 5.41). Trong kinh này, Đức Phật giảng về năm phước báu tạo được từ của cải thâu góp được bằng nỗ lực tinh tấn, chân chánh và lương thiện – gồm cả việc tự cung ứng sự an lạc và hoan hỷ cho mình, cho cha mẹ, vợ con, bạn bè, người làm công và người cộng sự, cũng như việc cúng dường cho các vị đang đi theo cuộc sống phạm hạnh, thánh thiện.

Quá nhiều đồ.

  Ngài Munindra đặc biệt ưa thích đi chợ trời để mua quà tặng. Ginny Morgan kể một chuyện mà cô, Gregg Galbraith và John Van Keppel chứng kiến tại một chợ trời nhỏ ở Massachusetts.

 “Chúng tôi đến một sạp hàng nhỏ nơi Thầy thấy một cây đàn piano bé xíu cho trẻ con chơi. Người bán đứng sau quầy có vẻ như vừa qua một đêm mất ngủ, mặt phờ phạc và cứ dụi mắt liên tục. Thầy đưa món đồ chơi lên và hỏi, ‘Cái này giá bao nhiêu?’ Người ấy nhìn Thầy nói, ‘Mười đô la’. ‘Năm đô la nhé!’. ‘Ông có khùng không? Bỏ lại đi, không được đâu!’ Munindra bỏ món đồ chơi xuống, ‘Làm ơn đi, tôi muốn mua cho mấy trẻ em nghèo bên Ấn.’ Anh chàng nói, ‘À, ra thế,’ và vỗ tay vào trán, rồi đi tới đi lui sau quầy, cuối cùng quỳ xuống đất, dùng hai tay lục lạo hồi lâu trong một cái thùng.”

 Cô thuật tiếp, “Thầy kiên nhẫn đợi. Anh chàng lôi ra được hai cục pin, để phịch trên chiếc đàn rồi đưa qua cho Munindra, và nói: ‘Tôi thật chẳng hiểu tại sao tôi lại làm như vậy nữa. Rồi, năm đô la, và tôi cho thêm hai cục pin.’ Quay sang tôi, anh nói, ‘Này cô, tôi cá rằng cô đem ông này đi theo để mua sắm đồ giùm cô phải không?’ Thầy chắp tay lại theo tư thế cung kính tụng kinh, nhìn thẳng vào người bán hàng và thốt lời chúc phúc, ‘Mong bạn được an lành. Mong bạn sống thanh thản và khỏe mạnh. Và mong bạn đạt được hiểu biết về sự hoàn toàn thoát khỏi khổ đau.’ Tôi thấy cổ và mặt người bán hàng bỗng ửng đỏ. Anh ta có vẻ rất chấn động, quay sang tôi, ‘Cô ạ, chúng ta cần những điều này lắm.’ Tôi nói, ‘Phải, ai cũng cần cả’. Và rồi có một phụ nữ ở gian hàng kế cận chạy ra, kêu lên, ‘Trời ơi, Thánh Gandhi đó!’” Việc Ngài hay tích lũy hàng hóa thường gặp rắc rối. Vivian Darst kể rằng Thầy cứ nhồi nhét đầy các rương hành lý toàn áo quần cũ lục lọi được ở các chợ bán đồ linh tinh tại Seattle. “Suốt cuộc hành trình qua Âu châu, bạn tôi và tôi phải kéo lê hành lý đầy những món Thầy sẽ mang về Ấn. Tôi thường cằn nhằn Thầy vì tôi phải khiêng hết những kiện hàng ấy lên xuống xe, vào máy bay. Tôi hay nói: ‘Thầy có thể mua mấy thứ này ở Ấn mà!’ Thầy bảo, ‘Ồ không, không tốt giống như ở đây đâu.’ Tôi hỏi, ‘Thầy mua để làm gì?’ Thầy muốn tặng cho gia đình, bạn bè và nhất là cho rất nhiều trẻ em nghèo tại Bồ đề Đạo tràng."

 Đôi khi Ngài khó mà lên được phi cơ suông sẻ với tất cả những món hàng đã mua sắm. David Berman tả lại một chuyện xảy ra ở phi trường Boston. Khi Thầy vào quầy ghi danh thì hành lý quá tải vì các thứ thu nhặt ở các chợ trời và còn thêm nhiều sách vở. Số cân thặng dư phải trả thêm hàng trăm đô la. David kể, “Thầy lại bắt đầu giải thích rằng ‘những thứ này để cho trẻ em nghèo’. Lời ấy có thể thuyết phục được các người bán hàng ở chợ trời nhưng lại không hữu hiệu ở phi trường, nơi không thể mặc cả. Tôi không mang theo tiền mặt hay thẻ tín dụng nên chúng tôi đành kẹt cứng ở đó. Thầy không thể bỏ lại đồ đạc, mà lo cho trẻ em đói khổ ở Ấn lại không phải là công việc của các nhân viên phi trường. Ngay lúc đó Christine Yedica xuất hiện để tiễn Thầy, và cô lập tức rút ra tấm thẻ tín dụng. Chắc cô ấy rất vui vì đã cứu được thầy của mình và giải quyết ổn thỏa mọi việc.”

 Mặc dù tác ý bố thí của Thầy thật mạnh mẽ nhưng không phải lúc nào Thầy cũng hoàn thành được ý nguyện. Khi Thầy trở về Ấn độ, các nhân viên hải quan hàng không ở đó mở tung các kiện hành lý của Thầy và lấy tất cả những gì họ muốn lấy.

Sức thu hút của tấm long hào hiệp.

 Bất chấp những thử thách đó, các môn sinh đều yêu mến xem Thầy là hiện thân của hạnh bố thí. Một tấm lòng hào hiệp luôn luôn thu hút được sự mến mộ và thân thương của người khác.

 Sunny Wootton nói, “Thầy là một người tuyệt vời ai cũng muốn ở gần – đáng kính mến, rộng lượng, và nhân hậu. Thầy luôn nhìn thấy điều đẹp đẽ nhất nơi mọi người và sẵn lòng tặng cho tôi bất cứ thứ gì tốt lành nhất: ‘Có muốn cái này không? Muốn cái kia không? Cứ lấy hết cả đi!’”

 Dhriti Barua kể, “Ngài thích dùng một món khô cá đặc biệt nọ. Một hôm, Ngài hỏi tôi, ‘Cháu thích thứ khô này không?’ Tôi trả lời vâng. Từ đó trở đi, lúc nào đến đây Ngài cũng dặn người nấu bếp để dành riêng một phần cho tôi. Khi tôi ăn, Ngài thường đến bên cạnh và hỏi, ‘Cháu ăn khô cá chưa? Có thích không?’”

 Cho biếu thức ăn là việc mà Ngài Munindra tự động làm ở bất cứ nơi nào Ngài có mặt. Đầu thập niên bảy mươi, Akasi Levi thỉnh thoảng đến thăm Ngài ở Gandhi Ashram vào buổi sáng. Ông thường thấy “Ngài Munindra ngồi xổm bên ngoài phòng để làm nước chanh từ một tô đầy trái chanh, cắt và vặn nước chanh một cách chánh niệm, trông gần giống như nghi thức trà thiền kiểu Nhật. Kế bên có một tô đầy đậu Ấn tươi ngâm mềm trong nước, nở xòe ra. Ngài sớt cho tôi một ít đậu để trong dĩa nhỏ cùng một ly nước chanh.”

 Mọi người cũng thường hay đến viếng Thầy ở trường Phật Học Quốc Tế Antioch tại Bodh Gaya. Denise Till kể, “Thầy tiếp đón chúng tôi ân cần và nồng hậu. Thầy chất đầy lên bàn tất cả những thức ăn chúng tôi mang đến biếu Thầy, trái cây và bánh quy, và mời tặng bất cứ ai bước vào phòng.”

 Thầy cũng làm như vậy lúc ở Dhamma Giri. Barry Lapping nói, “Khi nào đến thăm, Thầy cũng có một cái gì cho mình ăn. Thầy rất chú trọng đến sức khỏe và thức ăn lành mạnh. Thầy thường lấy một trái đu đủ, rửa sạch, cắt miếng rồi bưng ra một tô đu đủ ngon lành để chia cho mọi người.”

 Món quà cao quý nhất – Giáo Pháp.

  Đức Phật dạy có hai loại cung ứng, san sẻ và trợ giúp: vật thí và pháp thí. Trong hai thứ, bố thí pháp vượt trội và cao cả nhất. Từ lúc được giác ngộ lần đầu cho đến ngày từ trần, Ngài Munindra đã trọn đời chia sẻ món quà Phật pháp tối thượng và hộ độ cho bao nhiêu người biết hướng về giác ngộ. Sự cống hiến cho việc dạy đạo của Ngài thật phi thường vì lúc nào mọi người cũng dễ được tiếp cận và học hỏi với Ngài.

 Lạt ma Surya Das ghi nhận, “Ngài phục vụ tự nhiên và rộng rãi bằng mọi cách, không đòi hỏi một đền đáp nào cho thời gian và kiến thức của mình. Ngài không cần hô hào, kết nạp, đăng ký, gây quỹ, tự đề bạt hay bành trướng uy quyền. Ngài vô cùng cởi mở, không gom giữ lại một điều gì cho riêng mình vì điều gì cũng được Ngài san sẻ.”

 Danny Taylor nhớ lại lần đầu viếng thăm Calcutta năm 1987, Ngài Munindra đang ngồi nơi ngưỡng cửa: “Tôi ngạc nhiên biết bao thấy Thầy sẵn sàng và tự nguyện trò chuyện với tất cả mọi người, thật tự nhiên, thật niềm nở, thật gần gũi do tấm lòng rộng lượng của Thầy. Thầy chưa gặp tôi lần nào, vậy mà tôi thấy lạ lùng sao quá dễ dàng được tiếp cận một người danh tiếng như Thầy.”

 Ngài Munindra biết tùy thuận theo từng cá nhân hay hoàn cảnh, không hề có thái độ thờ ơ do tôn ti đẳng cấp hay trình độ chứng đắc, và dễ dàng thân thiện với những thiền sinh thầm lặng hay nhút nhát. Suil, từng hành thiền với Ngài cuối năm 1973, nhớ lại, “Nếu tôi không hỏi câu nào thì Thầy sẽ hỏi tôi. Thầy tiến trước một bước như vậy đó, bắt đầu han hỏi thăm dò như muốn tôi chia sẻ những gì tôi biết với Thầy. Với sự trầm lặng của tôi, Thầy biết khởi đầu bằng một cuộc đối thoại mà kết thúc là một suy niệm thật hữu ích.”

 Daw Than Myint mô tả cách hướng dẫn của Ngài ở Rangoon, “Thầy cho phép trình pháp bất cứ lúc nào nên hàng ngày chúng tôi có thể gặp Thầy vài lần, mỗi khi có kinh nghiệm nào mới hoặc gặp khó khăn chướng ngại gì. Thầy dạy cách ghi nhận nó hay cách vượt qua nó để khỏi bị ở lâu trong một giai đoạn nào đó.”

 Mắt rưng rưng, Daw Than Myint tiếp, “Cửa phòng Thầy luôn rộng mở. Bất cứ lúc nào Thầy cũng sẵn sàng giúp đỡ hay giảng dạy, với một nụ cười tươi tắn. Thầy bao giờ cũng chờ đợi cơ duyên để trút cho chúng tôi những kiến thức của mình, nên chúng tôi đã học được rất nhiều điều hữu ích từ Thầy. Và đó cũng là cách Thầy chỉ dạy cho tất cả môn sinh khác.”

 Peter Meechan nói dù Ngài Munindra có bận rộn hay đang đi bên kia đường, Ngài cũng dừng chân và dành thì giờ cho Peter. Khi đã ngoài tám mươi tuổi, sức khỏe suy kém, Ngài vẫn cố gắng về Bodh Gaya mỗi năm để dạy cho các sinh viên ngoại quốc ở trường Antioch.

 Oren Sofer, từng được thọ ân pháp thí này của Ngài, đôi lúc đã phải “bất mãn vì thấy Thầy không chăm lo đủ cho chính Thầy, và vì Thầy cống hiến quá nhiều!” Oren thường phải nhắc Thầy ngưng để nghỉ ngơi giây lát: “Có khi Thầy hăng say giảng pháp liên tục, nhưng tôi biết Thầy đã thấm mệt, vì vậy tôi lên tiếng: ‘Thầy ơi, đến giờ đi ngủ rồi. Này các bạn, hãy đi về thôi.’ Nếu tôi không nói vậy, Thầy sẽ còn thức mãi để giảng dạy.”

 Ngoài cung ứng pháp thoại trực tiếp, Ngài Munindra còn chia sẻ với sinh viên nhiều thứ khác như đưa họ đến viếng những vùng phụ cận Bodh Gaya có liên quan đến cuộc đời Đức Phật.

 Fred von Allmen kể, “Cuối các khóa thiền mùa đông, khi thời tiết bắt đầu nóng gắt, Thầy thường dắt chúng tôi đi quanh Bodh Gaya, như chỗ nàng Sujata dâng bát cháo sữa lên cho Đức Bồ Tát ở cạnh bờ sông, và kể chuyện cuộc đời Đức Phật. Tiếp đó chúng tôi theo gót Thầy đến chiếc hang trong Khổ Hạnh Lâm, nơi Đức Bồ Tát hành pháp ép xác. Rồi Thầy dẫn chúng tôi tới đến Đại Tháp Bồ đề và giải thích về những nơi Đức Phật đã trú ngụ qua sau khi đạt giác ngộ.”

 Ngài Munindra còn san sẻ đạo pháp bằng cách khác nữa – qua sự giữ gìn ngũ giới trong sạch. Do không làm tổn hại ai, Ngài trao tặng mọi người món quà của sự thiện lành, an nhiên tự tại, không sợ hãi.

 Kamala Masters nhớ lời Thầy dạy rằng tăng cường sức mạnh của ba trụ cột Giáo pháp – trì giới, bố thí, và hành thiền – là điều thiết yếu, nếu không thì nền móng của công phu tu tập sẽ không vững chắc, như cái ghế không đứng vững được vì thiếu mất một chân. Cô nhận ra rằng trong thời gian tu học với Thầy, hạnh bố thí không được đề cao ở các nước Âu Mỹ, ngay cả việc trì giới cũng vậy. Lúc ấy, người Tây phương chỉ chú trọng vào việc hành thiền, vun bồi tâm linh mà thôi.

 Ngài Munindra cũng ủng hộ mạnh mẽ các vị thầy khác. Thay vì giữ chặt các môn sinh lại với mình, Ngài khuyến khích họ qua tu học với những thiền sư khác như S.N. Goenka, Dipa Ma, quý hòa thượng bên Miến Điện, và cả với các môn sinh Âu Mỹ của Ngài.

 Alan Clements thuật lại Thầy đã cho ông một danh sách các thiền sư để chắc chắn rằng Alan sẽ đến tìm học với họ, trong đó có Ngài Mahāsi, Ngài U Sujata, Ngài Jawana và Ngài U Pandita. “Thầy mang trách nhiệm giới thiệu tên Hòa thượng U Pandita đến các thiền sinh bên Mỹ. Thầy đã giữ một vị trí vô cùng thiết yếu và quyền uy trong cuộc truyền thừa này.”

 Itamar Sofer nói thêm, “Thầy thật khiêm nhường khi giới thiệu tất cả môn sinh của mình qua tham dự các lớp thiền bên Ngài S.N. Goenka. Đa số các vị thầy khác không làm như vậy mà chỉ muốn thu thập thêm đệ tử, nhưng Thầy thì hết lời ca ngợi Ngài Goenka. Thật đáng kính phục!”

 Ngài Munindra tạo cơ hội để khuyến khích người khác giảng dạy và có lòng tự tin. Ngài giới thiệu họ rồi bước sang một bên, đi nơi khác, hoặc im lặng ngồi cạnh để người ấy dạy.

 Ruth Denison được Thầy hỗ trợ tích cực khi bà bắt đầu thuyết giảng từ năm 1970. Khi kết hợp pháp thiền hành vào giáo trình, bà đã không theo sát phương pháp của vị thầy cố vấn của Bà là Ngài U Ba Khin và đệ tử Ngài là S.N. Goenka. Do đó bà phải đương đầu với vài áp lực tinh thần. Thầy giải đáp cho bà nhiều câu hỏi và cũng hiểu vì sao bà đã thêm pháp hành có chánh niệm ấy vào sự thực tập. Thầy nhắc nhở bà, “Đức Phật dạy rằng giảng dạy theo một nền nếp mới mẻ cần phải được thực hiện một cách tế nhị và phải liên hợp với nền nếp đương thời.”

Bố thí tự nguyện – Giảng dạy tức thời. 

 Là một khách quý trong nhà Kamala Masters ở Maui, Ngài Munindra san sẻ Giáo pháp với cô hàng ngày “vì Thầy cảm thấy đó là món quà giá trị nhất của mình dành cho gia chủ.”

 Kamala kể, “Mỗi sáng tôi vào phòng Thầy để nhận vài lời hướng dẫn. Nhiệt tâm truyền bá Giáo pháp của Thầy thật là phi thường. Thỉnh thoảng, lúc đầu ngày, tôi hỏi Thầy một câu đơn giản, thế rồi Thầy dùng nhiều tình huống xảy ra trong ngày minh họa cho các lời dạy của Đức Phật để trả lời câu hỏi ấy.” Ngay cả khi đang hồi phục sau cuộc giải phẫu, còn nằm trên giường bệnh, Thầy vẫn tiếp tục giảng dạy cho cô.

 Một trong những ký ức mạnh mẽ nhất của Derek Ridler với Ngài Munindra là lần đi chợ ở Bodh Gaya. “Chúng tôi đang sắm vật dụng cho khóa thiền. Tôi thì mua thức ăn, có cả một quày chuối Ấn nhỏ. Một cô bé chừng mười ba, mười bốn tuổi đến xin tôi tiền. Tôi bèn cho ngay cô bé quày chuối ấy. Thầy đến bên tôi và công nhận đó là một hành động bố thí trong sạch, không tính toán, không cần khuyên nhắc. Tôi không nhớ chính xác lời Thầy, nhưng chắc là một cái gì về sức mạnh của lòng chân thành và rộng lượng. Những lời dạy ấy ở mãi trong tôi vì Thầy đã dạy một cách trực tiếp, riêng tư, không phải từ lý thuyết trừu tượng mà là một đáp ứng tức thời trong trường hợp thật ngẫu nhiên.”

 Trong những năm đầu tiên học với Ngài Munindra, Joseph Goldstein cũng được kinh nghiệm lời giảng dạy tương tự về sự bố thí vô trợ, tự nguyện. Ray Lipovsky kể lại: “Thầy đang chăm sóc và lo cho mọi người ăn uống, và Joseph chợt nhiên nhận ra, ‘Này, hãy nhìn lại xem. Người đàn ông Ấn nhỏ bé này cung ứng đầy đủ thực phẩm cho mình, trong lúc mình là một bọn trẻ Tây phương có tiền bạc trong tay. Thầy làm sao lo liệu được?’ Và Joseph hỏi, ‘Thầy cần giúp gì không? Chúng tôi có nên phụ chi phí cho Thầy không?’ Thầy trả lời, ‘Nếu các bạn muốn thì tùy các bạn.’ Joseph nói, ‘Vậy tại sao Thầy không yêu cầu?’ Thầy đáp, ‘Bởi vì việc đó sẽ thuận duyên mà xảy ra đúng lúc của nó.’”

 Ray nói tiếp, “Lời ấy, theo tôi hiểu được, có nghĩa rằng hành động bố thí vô trợ tự nó là một lời khuyến dạy. Khi ta nhận ra được rằng sự cung ứng lúc đó là thích hợp, cần thiết và hiển nhiên, thì nó sẽ xảy ra. Chúng ta ai cũng đều đã nghe những bài pháp về bố thí cúng dường ở mỗi cuối khóa thiền, nhưng Thầy thì không nêu nó lên mà Thầy sống theo hạnh nguyện đó. Thái độ của Thầy là: Nếu việc cung ứng là đúng, nó sẽ xảy ra; và nếu nó không xảy ra, cũng không sao. Thầy chẳng phải nghĩ suy gì đến nó cả.”

 Nhiều năm sau đó, Ngài Munindra kể lại chuyện này cho Robert Pryor nghe và nói rằng Joseph đã sắp xếp để san sẻ thu nhập của Joseph cho Thầy. Thầy giải thích rằng Thầy không bao giờ yêu cầu điều gì với học trò vì nghĩ mình không có quyền làm điều đó trong cương vị một cư sĩ. Thầy nói, “Nếu nó đến, thì tôi nhận.”

 Tôi cống hiến cuộc đời tôi cho Đạo pháp. Những giảng dạy nào tôi chia sẻ được cho mọi người, tôi sẽ không giữ lại gì cho riêng tôi. Tôi đem hết lòng ban tặng mọi nơi. Chỗ nào tôi đến, người nào tôi dạy, tôi cho tất cả với tấm lòng rộng mở. Không hề có bàn tay nắm lại.

 Ngài Munindra có được lòng tận tụy và tâm rộng lượng vô bờ là từ một nhận thức tinh tế về lịch sử Phật giáo:

Thái Tử Siddhattha Gotama trở thành Đức Phật Toàn Giác tại Ấn độ, nhưng truyền thống đạo Phật đã bị mai một trên đất nước Ấn độ. Tôi nghĩ Pháp bảo là điều quý giá nhất để chia sẻ nơi đây: "Sabbadānam dhammadānam jināti Pháp thí là bố thí vượt thắng, cao thượng nhất." (Pháp Cú Kinh – Kệ 354) Món quà Pháp bảo giúp cho một người công dân, một con người, một cá nhân tốt đẹp, thiện lành hơn.

 Nhớ lại lần viếng thăm Ngài Munindra ở Dhamma Giri, Bryan Tucker đã thật ngạc nhiên trước tấm lòng nhân hậu và rộng rãi lạ thường của Thầy. “Bản năng của Thầy là chia sẻ Giáo pháp, và Thầy muốn ban tặng cho bạn tất cả mọi thứ. Thầy cho tôi thức ăn bất cứ lúc nào có thể, và mời tôi vào phòng Thầy. Trong những ngày tôi ở với Thầy, mọi hành động của Thầy cho thấy dù rất mảnh dẻ yếu đuối, Thầy vẫn không thể ngừng truyền đạt kiến thức của mình cho những người như tôi hay những người chung quanh, không thể ngừng giảng dạy, không thể ngừng ban tặng. Thầy làm tôi cảm nhận được rằng tử tế và rộng lượng không phải là một trạng thái tâm đặc biệt nào cả mà gần như là bình thường và tự nhiên.”

  Khi sắp từ trần, tâm Ngài không hề bị xao động bởi những sợ hãi về tương lai. Với bản chất nhân hậu rộng lượng trong suốt cuộc đời mình, trong giờ phút lâm chung, Ngài có thể suy niệm về bao nhiêu pháp thiện lành đã cung ứng cho người khác – giảng dạy Giáo pháp, ban phát phúc lợi vật chất, giữ giới trong sạch, và hồi hướng công đức của mình. Luôn thanh lọc tâm để diệt trừ tham ái, Ngài chắc chắn kinh nghiệm được bình an khi biết mình đã tinh cần noi theo lời dạy của Đức Thế Tôn.

Trước bố thí, ý vui, Khi bố thí, tâm tín. Sau bố thí, hoan hỷ,

Đây lễ thí đầy đủ.

Phật Ngôn

Tăng Chi Bộ Kinh 6.37




 

 dāna: từ (cho, phát ra, phân phối). Dāna là hành động cụ thể của sự ban cho hay bố thí, nói chung, và đặc biệt là sự cúng dường cho chư tăng ni. Dāna bản chất vô tham, có nghĩa là từ bỏ tâm dính mắc vào các thứ, từ của cải thế gian cho đến gia đình, đến nhân dạng hay ngay cả thân mạng vì lợi ích của chúng sinh khác. Dāna được ví như “một giọt nước chảy xuôi xuống lá sen, không dính mắc gì trên mặt lá.”

 Dāna đứng đầu trong mười ba la mật (pāramī) vì là hạnh nguyện thông thường và dễ hành trì nhất cho tất cả mọi người. Trong các xứ Phật giáo, trẻ em rất sớm được tập hành hạnh cúng dường bằng cách hằng ngày sớt một muỗng cơm vào bình bát của mỗi vị tăng đang đi khất thực. Hành động này được lập đi lập lại, huân tập thành nền nếp bố thí cúng dường, và trở thành một phẩm hạnh thi ân thâm căn – huệ thí hay thí xả (cāga), một biểu hiện của tâm rộng rãi, độ lượng. Đây là một đức tính rất cần thiết thuộc nội tâm, vì bố thí không chỉ đơn giản là hành động ban phát cho ai một vật gì đó.

Dāna là thuốc giải độc của tâm tham (lobha), một trong ba gốc rễ bất thiện. Nó cũng là một trong ba căn bản chính của ba thiện nghiệp - bố thí, trì giới, tham thiền (dāna, sīla, bhāvanā). Với cāga là phẩm chất bên trong của tâm rộng lượng, dāna là một trong bốn thắng xứ hay bốn nền tảng quyết định trong tâm thức của một vị A la hán (adhiṭṭhāna), một trong năm phúc chúc (sampadā), trong mười điều quán tưởng (anussati) và trong bảy tài sản cao quý (dhana).


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn