(Xem: 1825)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2281)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Thuyết Pháp (DESANĀ)

07 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 12512)

I.5 Thuyết Pháp (DESANĀ)

Đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh thường dùng 2 phương pháp:

1- Sammutidesanā: Thuyết pháp theo sự thật ngôn ngữ chế định.

Ví dụ:

Đức Phật sử dụng danh từ gọi "chúng sinh, con người, đàn ông, đàn bà, chư thiên, phạm thiên, con voi, con ngựa, ngôi nhà, chiếc xe"... mà người đời đặt ra, có quy ước chế định được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay, mọi người đã chấp nhận xem như là sự thật.

2- Paramatthadesanā: Thuyết pháp theo sự thật Chân nghĩa pháp.

Ví dụ:

Đức Phật thuyết pháp về "tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, danh pháp, sắc pháp, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, Khổ Thánh Đế, Tập Thánh Đế, Diệt Thánh Đế, Đạo Thánh Đế",...

Bởi vì, Đức Phật có 2 loại trí tuệ đặc biệt, mà bậc Thánh Thanh Văn không có, đó là:

- Indriyaparopariyañāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ căn duyên cao thấp của mỗi chúng sinh.

- Āsayānusayanāṇa: Trí tuệ thấy rõ, biết rõ nghiệp quả và phiền não ngấm ngầm của mỗi chúng sinh.

Khi tế độ chúng sinh, Đức Phật quán xét căn duyên của mỗi chúng sinh nên thuyết pháp cách nào.

Nếu chúng sinh nào, tiền kiếp không từng nghe, học hỏi về Chân nghĩa pháp, thì trước tiên Đức Phật thuyết pháp về sự thật do ngôn ngữ chế định làm nền tảng, rồi tiếp theo thuyết pháp về sự thật theo Chân nghĩa pháp, để hướng dẫn tâm trí của chúng sinh ấy, đạt đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả.

Nếu chúng sinh nào, tiền kiếp đã từng nghe, học hỏi về Chân nghĩa pháp, thì Đức Phật thuyết pháp trực tiếp về sự thật theo Chân nghĩa pháp, để hướng dẫn tâm trí của chúng sinh ấy, đạt đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả.

Cho nên, sự thuyết pháp của Đức Phật chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho chúng sinh trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Lợi ích về sự thật theo Ngôn ngữ chế định

Trong Chú giải kinh Ananganasutta [28] dạy:

Đức Phật thuyết giảng sự thật theo Ngôn ngữ chế định về con người đem lại sự lợi ích có 8 trường hợp như sau:

1- Để cho con người biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi (hirottappadīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ nghi ngờ thắc mắc rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi?".

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: "Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ... phải nên biết hổ thẹn tội lỗi, nên biết ghê sợ tội lỗi...". Thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu rõ, không nghi ngờ thắc mắc nữa.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng (puggalādhiṭṭhāna).

2- Để chứng tỏ mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình (kammassakatādīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp đều có nghiệp là của riêng mình", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không hiểu, nghi ngờ thắc mắc rằng: ṅgũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào có nghiệp là của riêng mình?".

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: Ṁỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ dễ hiểu, không nghi ngờ thắc mắc nữa.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

3- Để làm cho nổi bật công việc của mỗi người (Paccattapurisakāradīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngôi chùa Jetavana do ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp ấy xây cất", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không biết nguời nào xây cất, thắc mắc nghi ngờ rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào xây cất?".

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngôi chùa Jetavana do ông phú hộ Anāthapiṇṇika cho người xây cất. Ngôi chùa Pubbārama do bà Vīsakhā cho người xây cất...", thì các hàng đệ tử lắng nghe sẽ dễ hiểu không nghi ngờ thắc mắc.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

4- Để biết rõ người phạm tội vô gián trọng ác nghiệp (Anantariyadīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này phạm phải trọng ác nghiệp giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm cho Đức Phật bầm máu, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không biết ai, nghi ngờ thắc mắc rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào đã phạm trọng ác nghiệp như vậy?".

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: "Vua Ajātasattu giết phụ vương tên là Bimbisāra. Tỳ khưu Devadatta làm cho Đức Phật bầm máu, chia rẽ Tỳ khưu Tăng...", thì các hàng đệ tử lắng nghe, biết được người phạm tội vô gián trọng ác nghiệp, không nghi ngờ thắc mắc.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người làm nền tảng.

5- Để làm đề mục niệm rải tứ vô lượng tâm (Brahmavihāradīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Hành giả nên niệm rải tâm từ đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp. Nên niệm rải tâm bi... Niệm rải tâm hỉ... Niệm rải tâm xả đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp", là những đối tượng không rõ ràng. Hành giả không thể làm đề mục để tiến hành thiền định niệm rải tâm từ... niệm rải tâm bi... niệm rải tâm hỉ... niệm rải tâm xả... được. Như vậy, tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả không thể phát sanh, các bậc thiền cũng không thể phát triển được.

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng:

- "Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm từ đến đối tượng hạng chúng sinh đáng yêu, đáng mến".

- "Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm bi đến đối tượng hạng chúng sinh đang ở trong cảnh khổ, mong cho họ được thoát khổ".

- "Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm hỉ đến đối tượng hạng chúng sinh đang hưởng sự an lạc hạnh phúc, mong cho sự an lạc hạnh phúc được lâu dài.

- "Hành giả nên tiến hành niệm rải tâm xả đến đối tượng hạng chúng sinh có nghiệp là của riêng họ, họ thọ hưởng quả an lạc do thiện nghiệp, họ thọ quả khổ do ác nghiệp của họ đã tạo".

Như vậy, hành giả sẽ hiểu rõ từng mỗi đối tượng niệm rải tâm từ, niệm rải tâm bi, niệm rải tâm hỉ, niệm rải tâm xả một cách rõ ràng, nên sự tiến hành thiền định có thể chứng đắc các bậc thiền được.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người, chúng sinh làm nền tảng.

6- Để ứng dụng vào trí tuệ "Túc Mạng Minh" (Pubbenivāsadīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng rằng: "Tiền kiếp của Như Lai sanh làm ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp như thế ấy, như thế ấy... đã tạo ba la mật như thế ấy...", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ không hiểu biết được, nghi ngờ thắc mắc rằng: "Ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào tiền kiếp của Đức Phật đã tạo ba la mật như vậy...?".

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: "Trong tiền kiếp của Như Lai sanh làm hoàng thái tử Vessantara, mẫu hậu là Phussatā, phụ vương là đức vua Sañjeyya trị vì ở kinh thành Jetuttara, khi Đức Bồ Tát Vessantara trưởng thành, phụ vương đã truyền ngôi báu, lên làm vua, và kết hôn cùng hoàng hậu Maddī, hạ sanh được hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhā. Đức vua Bồ Tát hoan hỉ trong pháp hành bố thí ba la mật, nên đã bố thí voi quý của triều đình, bố thí của cải, thậm chí bố thí cả hoàng tử Jāli, công chúa Kaṇhā, và hoàng hậu Maddī... Hay tiền kiếp của Như Lai đã từng sanh làm Đức Vua..., Voi chúa, Khỉ chúa... đã tạo ba la mật như thế ấy", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu biết được, không còn nghi ngờ, thắc mắc.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng chúng sinh, con người làm nền tảng.

7- Để phân biệt được Bậc có giới đức trong sạch xứng đáng thọ lãnh vật dụng cúng dường (Dakkhiṇāvisuddhidīpanattha)

Nếu Đức Phật thuyết giảng dạy rằng: "Nên bố thí cúng dường đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp có giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, có nhiều quả báu cao quý", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ nghi ngờ thắc mắc rằng: "Nên bố thí đến ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp nào có giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, sẽ được nhiều quả báu cao quý?".

Nhưng khi Đức Phật thuyết giảng rằng: "Nên làm phước bố thí cúng dường đến Chư Thánh Tăng, là Bậc giới đức trong sạch, sẽ được nhiều phước thiện, sẽ có nhiều quả báu cao quý suốt vô lượng kiếp", thì các hàng đệ tử lắng nghe, sẽ hiểu biết được, không nghi ngờ thắc mắc nữa.

Do đó, Đức Phật thuyết pháp dùng con người chúng sinh làm nền tảng.

8- Để gìn giữ sự thật ngôn ngữ ở trong đời không bị mai một (Lokasammutti appahānattha)

Đức Phật thuyết pháp giảng dạy với mục đích tế độ chúng sinh, để giải thoát cảnh khổ. Điều quan trọng đầu tiên, chúng sinh nghe hiểu rõ giáo pháp của Ngài. Cho nên Đức Phật vẫn phải dùng đến những danh từ Ngôn ngữ chế định - mà người đời thường dùng để thông tin truyền đạt ý nghĩ, tư tưởng với nhau - để thuyết giảng chánh pháp.

Như vậy, chúng sinh sẽ hiểu rõ được chánh pháp rồi tiến hành thiền tuệ, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, Đức Phật dùng Ngôn ngữ chế định, cốt để gìn giữ sự thật ngôn ngữ ở đời không bị mai một.

Đó là 8 điều lợi ích của sự thật theo Ngôn ngữ chế định.

Lợi ích về sự thật theo Chân nghĩa pháp

Hành giả tiến hành thiền tuệ, điều quan trọng đầu tiên cần phải học hỏi hiểu biết rành rẽ thông thạo về Chân nghĩa pháp, có 4 pháp: tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, được phân chia thành những pháp như: ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới,... tóm tắt còn 2 pháp là:

- Sắc pháp (rūpadhamma) thuộc pháp hữu vi.

- Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp hữu vi, đó là Tâm tâm sở.

- Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp vô vi, đó là Niết Bàn.

Niết Bàn thuộc danh pháp đặc biệt, chỉ làm đối tượng của siêu tam giới tâm, đó là 4 Thánh Đạo Tâm và 4 Thánh Quả Tâm mà thôi.

Sự thật Chân nghĩa pháp (Paramatthasacca) không thể thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do học hỏi (sutāmayapaññā), hoặc trí tuệ do tư duy (cintāmayapaññā), mà chỉ thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do tiến hành thiền tuệ (bhāvanāmayapaññā) mà thôi.

Kết quả của sự thật theo ngôn ngữ chế định

Trong đời này, có số người chỉ biết sự thật theo Ngôn ngữ chế định, mà không hiểu biết sự thật theo Chân nghĩa pháp, nên không hiểu rõ danh pháp, sắc pháp pháp vô ngã. Số người ấy, thường phát sanh tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi), cho là ta, của ta, người, của người, chúng sinh, vật này, vật kia,... dễ phát sanh mọi phiền não, tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

Kết quả của sự thật theo Chân nghĩa pháp

Trong đời này, bậc Thánh nhân đã thấy rõ, biết rõ sự thật theo Chân nghĩa pháp pháp vô ngã, có thiền tuệ chánh kiến, Thánh Đạo chánh kiến, Thánh Quả chánh kiến, đã diệt đoạn tuyệt được ngũ uẩn tà kiến (sakkāyadiṭṭhi) rồi, nên không còn chấp ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia,...

Trong cuộc sống hằng ngày, bậc Thánh nhân vẫn biết rõ sự thật theo ngôn ngữ chế định dùng để giao tiếp với mọi người: như thuyết pháp, nói đạo, thông tin, truyền đạt ý nghĩ của mình. Nhưng đặc biệt bậc Thánh nhân hoàn toàn không chấp ngã. Cho nên, phiền não không phát sanh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

Đó là điều lợi ích về sự thật Chân nghĩa pháp.


Chú thích:

[28] Bộ Majjhimanikāya, Mūlapannāsa, Ananganasuttavanna.

-ooOoo-

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn