Trải nghiệm xuất gia gieo duyên

Saturday, August 16, 201412:00 AM(View: 19553)

Trải nghiệm xuất gia gieo duyên


Trong khi theo học khóa Vipassana tại Thiền Viện Nguyên Thủy tôi được biết truyền thống của Đạo Phật Nguyên Thủy cho phép một người được xuất gia trong một thời gian ngắn hạn nào đó, gọi là “gieo duyên”. Thế là tôi vận động gia đình để được xuất gia “gieo duyên”.

Sau khi được sự chấp thuận của thày Pháp Chất, trù trì thiền viện Nguyên Thủy, ngày 14 tháng Giêng năm Kỉ Sửu 2009 tôi xuất gia gieo duyên và thọ giới Sa Di (Samanera) đầy đủ nghi thức như một tu sĩ chính thức.


blank

Trong khi theo học khóa Vipassana tại Thiền Viện Nguyên Thủy tôi được biết truyền thống của Đạo Phật Nguyên Thủy cho phép một người được xuất gia trong một thời gian ngắn hạn nào đó, gọi là “gieo duyên”. Thế là tôi vận động gia đình để được xuất gia “gieo duyên”.

Sau khi được sự chấp thuận của thày Pháp Chất, trù trì thiền viện Nguyên Thủy, ngày 14 tháng Giêng năm Kỉ Sửu 2009 tôi xuất gia gieo duyên và thọ giới Sa Di (Samanera) đầy đủ nghi thức như một tu sĩ chính thức.

Ngày hôm đó

Buổi sáng, thày Dhammapala có một bài giáo giới ngắn nói về cách quán tưởng lông tóc móng khi làm lễ xuống tóc. Sau khi chính tay thầy cắt tóc cho tôi, thày đã tặng cho tôi một bộ y cà sa màu nâu kiểu Pa Auk, một bình bát và một số vật dụng của người tu sĩ. Buổi chiều là lễ xuất gia chính thức. Thày Pháp Chất là thày Tế độ và thày Dhammapala là thày giáo thọ của tôi.

Theo nghi thức truyền thống của Đạo Phật thời Đức Phật Gautama, người xuất gia sau khi đảnh lễ thày, ngồi xổm để đọc các câu kinh tiếng Pali (giống như ngày xưa các vị A la hán đã qui y với Phật giữa rừng). Vì mới xuất gia nên các đệ tử chỉ phải đọc nhắc lại các câu kinh bằng tiếng Pali rất khó nhớ mà vị thày đọc giúp. Những câu kinh Pali là những chữ và tiếng mà chính thời xưa Đức Phật đã từng dùng để giáo giới các các đệ tử xuất gia.

Buổi lễ rất trang trọng, có sự tham gia của gia đình và một vài người bạn. Theo truyền thống Nam Tông chỉ có tỳ kheo mới có pháp danh. Nhưng tại Việt nam các thày thường đặt pháp danh ngay cho cả cư sĩ và sa di cho dễ gọi, dễ nhớ. Thày Pháp Chất đặt cho tôi pháp danh Minh Triết, tiếng Pali gọi là Pandita. Vâng, chỉ là Minh Triết thôi, không phải là Thích… Minh Triết!

Mười giới của Sa Di (Samanera-vinaya)

1. Không sát sanh

2. Không trộm cắp

3. Không tà dâm

4. Không nói dối

5. Không uống rượu

6. Không ăn phi thời (sau ngọ)

7. Không đàn ca múa hát

8. Không trang điểm, đeo vật trang sức, thoa vật thơm.

9. Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp

10. Không sử dụng và giữ tiền hoặc vàng bạc

Là một Phật tử thì tôi đã quen với năm giới cư sĩ, nhưng năm giới tiếp theo của Sa Di quả có khó khăn nhất định.

  • Giới thứ sáu không ăn phi thời tức không ăn sau giờ Ngọ là một giới rất căng! Thoạt đầu vì sợ hạ đường huyết đột ngột nên tôi phải ăn cố buổi trưa thật nhiều đến nỗi bụng phình căng, nhưng sau vài ngày thử sức thì thấy mình vẫn an toàn không xỉu vào buổi tối, như đã từng lo sợ. Thật ra người thọ giới vẫn được ăn bột ngũ cốc, uống sữa và uống nước me, nước sâm ngọt v.v… tại phòng ăn của thiền viện. (Con xin sám hối với Đức Phật, là những ngày đầu con vẫn ăn lén bánh Chocopie vào ban đêm, nhưng sau đó thì ngán quá nên thôi!).
  • Giới thứ bảy: phải delete tất cả các folder music trong máy tính và đem cho đứa em cây đàn ghi ta rất đẹp của mình!
  • Giới thứ tám, thứ chín: dễ thôi! mình đâu có “noble” và cũng thường sống bụi như vậy!
  • Giới thứ mười không giữ tiền bạc thì cũng căng, tuy nhiên nên tuân thủ giới và đưa hết tiền cho vợ tạm giữ (rất an toàn) !

Y cà sa

Sau cùng của buổi lễ, người thọ giới thay bỏ y phục đời thường của mình bằng Y cà sa của tu sĩ. Mọi người ai cũng có thể nhận ra một Sa Di mới thọ giới qua cách ăn mặc y áo lôi thôi xốc xếch! Bởi vì vấn Y cà sa cho đẹp cũng là một nghệ thuật rất khó thực hiện cho người không khéo tay.

Y cà sa là vật dụng thiêng liêng của tu sĩ, phải luôn được chăm sóc thu vén tránh làm lấm bẩn. Ngày đầu tiên vấn y là một điều vô cùng khổ nhọc. Cứ vén lên cao, đi được vài bước thì y lại tuột xuống quét đất. Tấm y rất rộng và daì, tu sĩ phải vấn y làm sao gọn gàng, và nhất là phải chặt chẽ để bảo đảm… không tuột bất ngờ giữa nơi công cộng (tu sĩ không có đồ lót bên dưới!).

Khi đi bát khất thực thì Y cà sa Nam tông được vấn một cách đặc biệt hơn lúc thường và gọi là “long y”. Động tác long y đối với một tu sĩ không chuyên như tôi có khi mất đến nủa tiếng đồng hồ! Rất sợ lúc kẻng báo giờ thọ thực mà chưa kịp long y!

Những ngày đầu, may nhờ có Sa Di Thạch Tinh luôn giúp mặc y lúc đi bát, nên tôi cũng đỡ phần vất vả. Thực lòng mà nói, tôi thấy Y cà sa không phù hợp với thế kỉ này. Có thể nào có một trang phục phù hợp hơn không? Y cà sa chỉ nên mặc trong những nghi lễ cần thiết.

À thì ra có một Sa Di mới vừa thọ giới vài ngày đã phát sanh ý tưởng muốn thay đổi truyền thống hàng ngàn năm của các trưởng lão. Vâng con thật lòng đấy. Nếu còn Đức Phật tại thế, con sẽ chẳng ngần ngại mà bạch với Phật rằng Thầy phải quyết định nên, hay không nên có sự thích nghi cùng hội chúng trong từng thời đại.

Thời Đức Phật còn tại thế, khi cần thiết Ngài vẫn thường lập hội đồng để công nhận hay phủ nhận một điều gì đó liên quan đến Giới Luật. Khi nhìn thầy Dhammapala và sau này thầy Tejinda vấn y, ôm bình bát, đi chân trần trên sân bay nóng bỏng, tôi cảm thấy điều gì đó vừa ngưỡng mộ vừa não lòng. Dù sao thì cái gì cũng luôn có hai mặt. Chính sự nổ lực chấp thủ quá toàn triệt về “vỏ hình thức” này, mà cái “ruột” của Theravada tức nội dung của giáo pháp đến nay vẫn còn toàn vẹn.

Đi bát

Đó là truyền thống khất thực từ đời Đức Phật. Tăng đoàn sống theo qui ước với cộng đồng: Người giúp vật thực, kẻ chuyên tu hành! Thời Đức Phật tại thế trong tăng đoàn có rất ít người không phải là A la Hán. Cúng dường tăng đoàn là một điều phước báu. Ngày nay cũng như ngày xưa, nếu người giúp vật thực hết lòng mà người thọ nhận vật thực không chuyên tu hành thì qui ước có thể đổ vỡ. Hoặc cũng bối rối không kém là trường hợp tu hoài …không chứng.

Buổi sáng, khi vừa đủ nhìn thấy lòng bàn tay, là các tăng sĩ, tu nữ, và thiền sinh đi khất thực. Ở Thiền Viện này, đi bát và ăn trong bát, chỉ có tính tượng trưng nhưng chính hình ảnh này là đẹp nhất trong các sinh hoạt. Buổi sáng cây lá còn ướt sương, chân trần chậm rãi, tôi luôn cảm nhận mùi hương còn sót lại từ đêm qua của hàng cây nguyệt quế trên sân. Cảm giác rất bình an khi chánh niệm tĩnh giác trên từng bước chân. Thức ăn trong khóa thiền luôn được cúng dường sung mãn.

Người tu sĩ phải luôn quán niệm về những vật thực mà mình đã thọ nhận từ sự cúng dường trong sạch của các Phật tử. Luôn quán niệm để thấy trách nhiệm rất rất nặng nề. Giống như hốt hụi trước, rất lo đóng hụi chết. Đôi khi bất chợt tôi cũng nghe vô thức văng vẳng điệu tụng đọc quen thuộc của các thí chủ lúc dâng cơm.

Idam vo natinam hotu, sukhita hontu natayo

Idam vata me danam, asavakkhayavaham hotu anagate

Lễ lạy

Những ngày xuất gia gieo duyên để lại cho tôi, một Sa Di vụng về, rất nhiều ấn tượng. Đi đâu cũng có cảm giác mọi người quan sát mình. Thiền viện vào khóa thiền thì lúc nào cũng rất đông tăng ni và phật tử, cho nên tâm bỗng bất an. Ngồi thiền rất khó! Thực sự thì tôi chẳng thể ngồi được, kể cả ngồi trong thiền đường hay ngồi trong phòng riêng ở tăng xá!

Ngồi thiền không được nên cả tuần sau đó tôi trốn, không lên Cốc của thày Dhammapala nữa. Thày cho người gọi tôi đến Cốc để củng cố tinh thần. Tôi đảnh lễ thày và nói rằng: - Thú thực, con không phù hợp với nghi thức sinh hoạt của người tu sĩ. Mỗi lần đi bát, thọ thực hoặc vào một tình huống nào đó mà con phải nhận sự lễ bái của người Phật tử hay Tu nữ thì đó quả là điều thật tâm con rất ngượng ngùng và vô cùng xấu hổ. Vì con biết rất rõ mình chỉ là phàm phu không phải Thánh tăng!

Thày cười và nói đó là cảm giác mà tu sĩ mới xuất gia thường gặp và chính đó là… the way that Buddha has tought. Chỉ có người còn biết xấu hổ (có lòng Tàm) mới có thể tu tập tốt được. Cô Viên Hương cũng động viên: Sư cứ giữ tự nhiên vì mọi người chỉ đảnh lễ chiếc Y mà sư đang mặc mà thôi. Cô ơi! sư cũng được các tăng tại đây dạy bảo như thế. Nhưng khổ nỗi lúc bá tánh lạy cái Y thì sư lại bị đứng kẹt trong cái Y ấy, khó lòng để bản Ngã né khỏi những lễ lạy! Nói gì thì nói, ngay cả đến thời điểm này tôi vẫn không sửa được quan niệm cố chấp cho rằng một người chỉ nên xuất gia lúc đã… nhập lưu.

Trong những ngày tháng xuất gia gieo duyên tôi rất cám ơn vì đã được cô Hạnh Bảo luôn động viên và chăm sóc tinh thần. Nếu không có truyền thống tu gieo duyên này chắc tôi không thể hình dung thế nào là cảm giác của một người trong vị thế của tu sĩ, thế nào là nghi lễ của tăng đoàn và chùa chiền, những điều mà tôi vốn hoàn toàn xa lạ trong thời gian trước đây.

Căng thẳng với thời khóa biểu

Thời khóa biểu lớp Vipassana tại thiền viện Nguyên Thủy lấy mẫu từ các trường thiền Myanmar: Sáng bốn giờ, kẻng thức dậy. Bốn giờ rưỡi tụng kinh Pali. Sáu giờ đi bát buổi sáng. Ngồi thiền năm lần mỗi ngày (cũng tùy sức mỗi người). Trưa đi bát khoảng 11 giờ. Chiều không ăn. 18 giờ giờ tụng kinh tiếng Việt, nghe thuyết pháp hoặc tiếp tục ngồi thiền. Có thể trình pháp với thày tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Tài liệu Anapanasati thì đã nhận và được giải thích từ trước, cứ theo đó mà hành thiền. Anapanasati là Định Niệm hơi thở. Hơi thở là Thân hành nội tức là thân (Kaya). Định Niệm hơi thở cũng chính là Quán thân trong Tứ Niệm xứ. Thiền Pa Auk bắt đầu bằng quán thân để vào Định (Samatha). Trong ý nghĩa này ta khó có thể tách rời phạm trù Định ra khỏi Tuệ Quán Vipassana. Tại thiền viện tôi đã hiệu chỉnh rất nhiều quan điểm chưa đúng của mình. Kể từ bây giờ không thể sai lầm nữa. Tất cả đều nằm trong Chánh tạng và Chú giải rành rành. Tuy nhiên không phải cầm chánh pháp trong tay là có thể thành tưu ngay được. Nimitta vẫn chưa đến trong lúc ngồi thiền. Cứ tiếp tục cưa hơi thở. Cứ tiếp tục tinh tấn đi, đừng mong cầu, tôi tự nhủ mình như thế.

Học được nhiều điều mới lạ

Nếu không tiếp xúc với Đạo Phật Nguyên Thủy, tôi chẳng thể nào hình dung và biết được sự quan trọng của cái thực thể TÂM gọi là “Phà wan gá”, tiếng Pali Latin hóa viết là Bhavanga. Rất nhiều năm say mê với Alaya thức cũng như vô thức tập hợp của Carl Jung, cuối cùng thì cũng chẳng ích lợi gì. Unconscience collective đúng là một giả thuyết tâm lý học rất hay, nhưng cũng chỉ là giả thuyết.

Alaya thức, cái mà Duy thức học Phật giáo phát triển đã đẩy lên đỉnh cao triết lý của nó, cũng vẫn chỉ là một triết thuyết không hơn. Không có Pháp Hành đặc biệt nào để hành giả thực sự trải nghiệm, nhìn thấy hoặc thao tác lên Alaya thức. Đối với thực thể Bhavanga mà chánh tạng đã có mô tả rành mạch, hành giả có thể trải nghiệm và cảm nhận rõ khi Nimitta phát triển và phối hợp tại vùng tim, thâm chí có thể tác ý lên nó. Wow! Thật là một điều kì diệu.

Tôi có ngồi nghe một sư bà trình pháp với Thiền sư, khi sư bà cố gắng để “check” những thiền chi (jhana factors) tại cái “Phà wan gá” tồn tại ngay vùng tim của mình. Phà wan gá được Tàu dịch là Tâm hộ kiếp hay Luồng hộ kiếp. Chữ “Hộ kiếp” vẫn khó hiểu với người không chuyên Hán-Việt. Mỹ dịch Bhavanga là Life Continuum. Chữ này sẽ được dân trí thức khoa học hiểu dễ dàng hơn. Continuum là khái niệm diễn tả tính liên tục trong Vật lý học.

Bhavanga trôi từ đời này sang đời khác đi cùng với những kiếp tái sanh. Nó cũng chỉ là Danh (Nama) là khái niệm là ảo tưởng! Life Continuum có thể hiểu như thể thống nhất và liên tục của các kiếp sống. Dịch theo kiểu Bùi Giáng thì có thể là… cái cõi “Liên tồn lai láng”.

Từ khi nhận ra chánh pháp còn lưu giữ trong Đạo Phật Nguyên Thủy, tôi đã chịu đựng một cái shock nặng nề, xem như mất gần hết số kiến thức từng tich lũy trong đời. Giống như cảm giác một người chơi cổ phiếu lúc nhìn thấy giá chứng khoán đồng loạt tuột sàn. Bù lại tôi cũng đã học và chứng kiến được rất nhiều điều mới lạ và rất mới lạ từ chánh pháp.

Lần đầu tiên biết gọi đúng tên đấng Thế tôn

Chùa chiền, Thiền viện của Đạo Phật Nguyên Thủy không có nhiều hình tượng, nhang khói, chuông mõ theo mô hình Trung Quốc. Lúc Đức Phật còn tại thế, trong lớp học chỉ có thày và trò. Khi Thày nhập diệt, trong lớp học đời sau chỉ để duy nhất một ảnh tượng của Thày. Đó là truyền thống nguyên thủy. Kinh nhật tụng được tụng ngày hai buổi sáng chiều. Sáng Pali, chiều tiếng Việt. Lời lẽ bình dị của kinh tụng Đạo Phật Nguyên Thủy giúp tôi làm quen với những nhận thức mới lạ.

  • Lễ Phật Bảo: “Con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Phá Gá wa (Bhagava) đó. Ngài là bậc Á rá hăng (Arahan) cao thượng, được chứng quả chánh biến tri do ngài tự ngộ, không thày chỉ dạy”. Trời đất, từ nhỏ tới lớn học và viết rất nhiều về Phật giáo mà tôi thực sự mới biết tới cái tên Phá Gá wa đó lần đầu. (Bhagava là tiếng Pali để gọi Đức Thế Tôn).
  • Hoặc Sám hối Pháp Bảo: “Con đem hết lòng thành kính cúi đầu làm lễ hai hạng Pháp bảo là Pháp Học và Pháp Hành. Các tội lỗi mà con đã vô ý phạm đến Pháp bảo, cúi xin Pháp bảo xá tội lỗi ấy cho con”. Thì ra trước đây mình đã sai lầm vì coi thường Pháp Học và chỉ ngưỡng mộ Pháp Hành. Đức Phật đã biết trước điều này, và lúc này đúng là lúc để mình sám hối!
  • Hoặc Sám hối Tăng bảo: “Con đem hết lòng thành kính, cúi đầu làm lễ hai bậc tăng bảo là Phàm tăng và Thánh tăng, các tội lỗi mà con đã vô ý phạm đến tăng bảo, cúi xin tăng bảo xá tội lỗi ấy cho con”. Chết rồi, từ bấy lâu nay vốn khinh thường Phàm tăng cho nên mình đã chìm sâu vào tội lỗi mà không hay biết! Từ bài tụng này, quan điểm tội lỗi của mình phải được thay đổi thôi!

Thày Tế Độ

Rồi một hôm thày tế độ Pháp Chất cũng gọi tôi lên phòng khách. Thày muốn biết tôi tu tập hành thiền thế nào. Tôi cũng phải nói thật với thày rằng tôi bị phân tâm. Không ngồi tốt như lúc ở nhà. Tôi cũng phải nói thật rằng khi tôi đến với Đạo Phật Nguyên thủy, tôi giống như một người bị phá sản. Tất cả cái hiểu biết về Phật Học của tôi từ trước nay đã trở thành vô tích sự. Thày rất thông cảm và có nụ cười rất dễ thương.

Biết tôi là người hay lý luận, nên hôm xuất gia thày đã chọn cho tôi cái pháp danh là Minh Triết. Tôi chỉ tiếc là mình không được Minh Triết ngay từ lúc còn trẻ lẻ, để khỏi phí gần hai mươi năm kinh điển nhọc nhằn. Trong những bài pháp ngắn và các buổi dạy phát âm Pali, cách dạy tinh tế và tiếng nói có âm vực mạnh mẽ của thày khiến tôi nhận ra thày là người thày giỏi. Thày có thể truyền đạt bộ Abhidhamma rất phức tạp cho thế hệ về sau.

Tôi có hứa với thày là sẽ vận động thêm nhiều trí thức trẻ để hình thành một lớp học Abhidhamma với sự hướng dẫn của thày. Khi Đạo Phật diệt, thì bộ Abhidhamma sẽ bị diêt đầu tiên. Không phải Abhidhamma biến mất khỏi tiệm sách hoặc thư viện, nhưng nó nằm đó mà không có người muốn học. Hoặc có người học mà không hiểu hoặc hiểu sai. Hoặc có người học, hiểu được qua lí trí, mà không thực chứng được qua Thiền. Quả là một vấn đề to lớn cho Đạo pháp.

Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, ai sẽ là những người dám giữ trách nhiệm bảo vệ bộ Thắng pháp Abhidhamma này? Không có người bảo vệ và lưu truyền Pháp Học cốt tủy này thì Pháp Hành rồi cũng sẽ không thể nào tồn tại được. Một điều đáng ghi nhận nữa là thày Pháp Chất là một trong những vị thày đầu tiên dùng Paltalk để thuyết pháp. Trong room Diệu Pháp thày có nick là Pháp Lõi (the core of dhamma.

Thày Giáo Thọ

Thầy giáo thọ của tôi là thày Dhammapala. Thật may mắn cho tôi để có một vị thày giỏi và dễ thương như vậy! Thày mang đến những kiến thức Vipassana mà tôi chưa từng tìm thấy ở bất cứ nơi nào. Nếu thiếu những hiệu chỉnh của thày, giờ này tôi vẫn tiếp tục hành sai Anapanasati.

Ở Việt nam, các bản dịch Nikaya đều dịch sai chữ Kaya. Thay vì trong ngữ cảnh của kinh, phải dịch Kaya là “thân hơi thở” (breathing body) thì tất cả các bản dịch lại dịch sai là “thân cơ thể” (body). Ngay cả bản dịch của Tỳ khưu người Mỹ Thanissaro cũng vậy! Chỉ sai một chữ và một chút thôi thì đã khó lòng hoặc không thể nhập vào chánh định được rồi! Vậy nếu trong toàn bộ tam tạng còn rất nhiều chữ bị dịch sai nữa thì sự việc sẽ ra sao?

Đồng thời với Pháp hành Vipassana, thày Dhammapala cũng chuyển đạt tới thiền viện những nhận thức mới của trường phái Pa Auk, ví dụ như quan điểm: Theo đúng qui trình tu tập Giới Định Huệ, khuyến khích ăn chay, bớt lại tư tưởng dựa dẫm khi lạm dụng việc “xin giới” v.v…

Một ngày đầu tháng ba, thày Dhammapala nói lời từ biệt. Cũng có nhiều lí do. Nhưng lí do chính vẫn là visa đến hạn. Tôi biết thày rất buồn. Buổi chiều tôi vừa đi từ thiền đường ra. Gặp thày đi ngược chiều về tăng xá. Thày dừng tôi lại và ân cần sửa lại cái y cà sa xốc xếch của tôi. Tôi nói muốn gặp thày để tâm sự vài điều. Dưới chân thày, tôi lôi trong túi ra một miếng giấy, mà tôi viết ngay từ đêm thày từ giã các học viên, để đọc cho đầy đủ những ý nghĩ của mình.

Mọi vật, mọi sự, đều vô thường, chẳng bao giờ vận hành đúng theo kế hoạch của ta. Vậy thì thày đừng buồn nữa. Thày đến hay đi cũng là do những sắp xếp từ trước. Dù sao thì Thày cũng đã hoàn tất sứ mạng tại vùng đất này rồi. Khi tôi nói về tình trạng suy vong của Chánh Pháp tại Việt Nam, thày nói Chánh Pháp cũng đang suy tàn trên toàn thế giới, chính ngay tại Myanmar hiện nay cũng vậy. Vậy ư ! rồi thì, Giáo pháp cũng vô thường. Tăng đoàn cũng vô thường. Mọi sự, mọi vật… đều vô thường.

Chiều hôm đó thày trò chúng tôi chia sẻ với nhau một số chuyện rất quan trọng và riêng tư về tình hình của Đạo Phật. Một điều rất tiếc là đến ngày thày ra đi, tôi không có gì cúng dường cho thày (thày từ chối số tiền nhỏ mà tôi định góp làm vé may bay cho thầy). Ngược lại, Thày đã tặng tôi rất nhiều quà và sách vở. Don’t forget we are getting older and older, đó là câu thày viết tặng tôi trên cuốn The workings of kamma, một cuốn sách rất công phu của thày viện chủ Pa Auk.

Thân mật với tất cả Tăng Ni

Khi Thiền Viện mở các khóa Vipassana, có rất nhiều tu sĩ, cả tăng và ni của nhiều tông phái, cùng qui tụ về đây để học. Nhiều nhất là tu nữ Nam Tông và Khất sĩ. Có cả các tăng ni Đại thừa. Dù ở tông phái nào, các Ni và Tu nữ cũng là những học viên chăm chỉ tinh tấn và xuất sắc. Âm đang thịnh, Dương đang suy. Thế giới tương lai chắc sẽ thuộc về phái nữ.

Tôi đã làm quen được với nhiều Tăng và Ni. Chưa bao giờ tôi có tâm trạng hòa đồng và hoan hỉ như vậy với giáo đoàn. Từ lúc trẻ, dù nghiêng về khuynh hướng tâm linh, tôi vẫn không thích lui tới chùa chiền. Tôi chưa từng biết qui cách nghi lễ trong chùa là như thế nào. Xưng hô khi giao tiếp trong lãnh địa tôn giáo quả là một điều vô cùng tế nhị. Bây giờ thì cũng tạm gọi là quen thuộc chút đỉnh. Chào thày này, lạy thày kia, cung kính một cách tự tin.

 

Tôi ở cạnh phòng với một tỳ kheo Đại Thừa, thày Hạnh Quang chùa Phước Huệ Lâm Đồng. Thày rất dễ thương, khiêm tốn và có khát vọng tu chứng. Thày cũng đã từng lặn lội tìm học Vipassana với nhóm Goenka. Lần đầu trong đời tôi được nói chuyện trong tư thế thoải mái với một vị tỳ kheo như thế. Chúng tôi dường như rất có tình cảm với nhau. Một Sa Di Nam Tông, một Tỳ Kheo Bắc Tông, có thể nào kéo gần hai khuynh hướng đã từng có vài ngàn năm xa cách.

Khi nói chuyện về vấn đề Đạo Pháp, tư thế tăng sĩ luôn là một lợi thế tuyệt đối. Trong thiền đường, tăng được ngồi sau lưng thày Cả gần bệ thờ. Tu nữ và thiền sinh ngồi dưới. Có những lúc giật mình hơi ngỡ ngàng: Ồ! mình cũng là một tăng sĩ sao!

Ấn tượng với Bát Kỉnh Pháp của tu nữ Theravada

Hôm qua sau giờ thuyết pháp, một cô tu nữ hỏi thày Pháp Chất rằng khi đi chạm mặt một Sa Di, cô đứng lại chắp tay lễ, trong khi một Tì khưu ni Đại Thừa thì không. Vậy ai đúng luật? Thày Pháp Chất nói rằng theo Bát Kỉnh Pháp, Tu nữ dù có tới năm chục tuổi hạ, khi gặp một vị tăng (bất kể Tỳ kheo hay Sa Di) cũng phải đảnh lễ trong tình huống cần thiết.

Cô Hạnh Bảo có đưa tôi một bản in luật Bát Kỉnh Pháp. Cô nhắc tôi rằng ngày tôi xuất gia, ngay khi tôi vừa thọ giới Sa Di xong, thì bên dưới các Tu nữ đều quì xuống đảnh lễ. Cô nói, đừng ngại gì cả vì đó là điều mà các Tu Nữ đã tự nguyên chấp nhận khi xuất gia cùng với Tăng đoàn.

Một buổi trưa, sau khi thọ thực, tôi ôm bình bát đi về tăng xá. Trên sân thiền viện nắng gắt và vắng vẻ một cô Tu Nữ đi ngược chiều bất ngờ dừng trước mặt tôi và xin đảnh lễ. May mà cô Hạnh bảo đã chỉ dẫn trước, rằng trong tình huống đó, mình phải đứng lại cho người ta đảnh lễ. Cô Tu Nữ trải tọa cụ trên mặt sân nóng bỏng và cúi sát đầu đảnh lễ.

Tôi đứng đó… lạnh cả đất trời!

Sư cũng chúc cô… luôn được an vui!

Tôi nhớ là chỉ nói được một câu chúc đơn sơ như thế. Nhưng sao cô ấy đảnh lễ mà mình lại chỉ có một lời chúc nghèo nàn đến thế nhỉ! Tôi cứ dằn vặt hoài về sự vụng về của mình. Sáng nay gặp cô Santa gần chánh điện. Cô tặng cho tôi một cuốn sách về các bài kinh Parita. Tôi thật lòng cảm động. Cô không cho phép tôi chắp tay nói chuyên như mọi khi, lúc tôi chưa xuất gia. Cô Santa nói: “Bây giờ sư là Sa Di rồi, sư không được chắp tay, trái lại Santa còn phải lạy khi thấy sư từ xa nữa”.Thật khổ thân tôi. Lúc nào cũng sai!

Các Tu Nữ Theravada ơi! Các vị có biết rằng tôi mang ơn các vị đến dường nào không. Nhờ các vị, một kẻ phàm phu, dốt nát, lười biếng như tôi, phải hốt hoảng và thấy mình mặc nhiên phải gánh nhận trách nhiệm tu hành tinh tấn thật nhiều hơn nữa. Nhờ các vị, cái hổ thẹn của một phàm tăng đã chuyển thành một động lực vô cùng to lớn cho con đường tu tập. Xin tri ân tất cả công đức của các vị.

Mùa Xuân vừa hết

Cây Sala trồng cạnh tăng xá đột ngột thay lá. Mới chỉ vài ngày mà lá đã úa nhanh, cái vàng cái đỏ, giống như gợi ý sự già. Từ lầu tăng xá nhìn qua bên kia đường là nghĩa trang. Mồ mả quạnh hiu như trực tiếp nhắc nhở cái chết. Thân xác này chẳng còn tồn tại với thế gian bao lâu nữa! Những ngày tháng xuất gia tạm gieo duyên cũng gợi ý với tôi về một quyết định quan trọng của đời người: Liệu rằng việc xuất gia chính thức lúc này có đúng và có nên hay không?

Xét rằng: Tôi, một con người coi nhẹ mọi hình tướng và phóng túng mọi tư duy. Với một thời gian ngắn ngủi, chỉ có mười giới mà không giữ được trọn vẹn (hình như sắp lủng giới!). Cho nên tôi tự cho rằng mình nên mau trả giới lại cho thày tổ! Có thể trong một ngày rất gần, trong một cơ duyên đặc biệt và đột biến nào đó, tôi sẽ quyết định chính thức trở thành tu sĩ, điều đó chưa thể biết được. Nhưng lúc này tôi nên quyết định trả giới để trở về với đời sống của người cư sĩ. Trở về với cá tính cô độc của mình. Tôi vốn quen cô độc trong cả đời thường lẫn đời sống tâm linh.

Thày Pa Auk nói tại thời điểm này, con số cư sĩ chứng ngộ rất cao. Tôi sẽ vẫn vững tin với bản thân tôi, cũng như với nhận định của thày Pa Auk. Trải nghiệm vừa qua của tôi như một Sa Di là một “cái phước” cho tôi hiểu biết về Đạo Phật và tăng đoàn một cách rõ ràng hơn. Cho tôi một cơ hội gần gũi và thân mật với tăng đoàn mà từ lâu tôi vốn rất e dè xa cách. Riêng tình cảm của các thày Pháp Chất, thày Dhammapala, các tăng sĩ tham gia khóa học, các cô tu nữ, các Phật tử tại Thiền viện là một nguồn động viên tâm linh rất mạnh mẽ cho tôi trên đường tu tập. Tôi cho rằng đó cũng là món nợ tinh thần, mà chỉ có sự tu chứng sau này của tôi mới có thể hoàn trả được.

Con cám ơn thày tế độ của con là Thượng tọa Pháp Chất. Con cám ơn thày giáo thọ của con là Đại Đức Dhammapala. Con cám ơn toàn thể Tăng, Ni, Tu nữ, Phật tử mà con đã gặp tại thiền viện Nguyên Thủy. Cùng cám ơn các bạn trẻ blog-friends. Tất cả đã đồng cảm, ủng hộ, tạo ra sự vô cùng hoan hỉ và phấn chấn của con trong thời gian xuất gia gieo duyên ngắn ngủi.

Con cũng cám ơn sự gia trì và sắp đặt tuyệt vời của chư Phật, chư Thiên. Tất cả đã giúp con nhận ra được Chánh Pháp. Giúp con xóa bớt đi nghiệp ác đã từng khiến con sinh lòng kiêu mạn, xa cách Tăng Ni. Tất cả đã giúp cho các parami ít ỏi trong tiền kiếp của con thức tỉnh và vận hành hành tốt đẹp.

Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammasambuddhasa!

 

Send comment
Your Name
Your email address
(View: 63858)
Hấp hối có nghĩa là gần chết. Có nhiều từ đồng nghĩa cùng biểu đạt cho trạng thái này như đang lâm chung, thời gian cận tử, lúc sắp chết… Độ ở đây mang ý nghĩa chuyển hóa, giúp người vượt qua, giáo hóa cho người.
(View: 80919)
Để giúp cho đọc giả có thể nắm được sự khác biệt giữa thiền định (chỉ quán) và thiền Vipassana (tuệ quán), sư Phước Nhân, một hành giả của thiền viện Phước Sơn, nói rõ về thiền định, thiền Vipassana, sự khác biệt giữa hai phương pháp tập cũng như khái quát phương thức tu tập và kết quả mà mỗi phương thức tu tập đem lại.
(View: 83637)
Khi tập ngồi thiền, điều khó khăn trước tiên là phải làm ngưng cái đầu ồn ào của mình. Nhiều người, dù cố gắng, cũng không thể nào làm yên được những tạp niệm trong đầu mình.
(View: 77972)
Một Tăng đoàn Phật giáo hoạt động đúng phải gồm bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nữ cư sĩ và nam cư sĩ. Tất cả đều cần thiết như nhau để duy trì và hỗ trợ truyền thống và thực hành giáo pháp của Đức Phật.
(View: 19018)
Sân hận là loại cảm xúc thường gây khó cho nhiều người. Thí dụ khi bạn đang ngồi thiền, bỗng nhiên tâm sân khởi lên, và bạn nghĩ “Ồ không, tâm sân!”, -đó là thái độ phản kháng. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn nghĩ, “Ồ tuyệt vời, tâm sân!” Bạn có thấy sự khác biệt không? Chúng ta thường có xu hướng dễ chấp nhận sự dễ chịu, nhưng ghét bỏ sự khó chịu.
(View: 19573)
Theravada (đọc như là tê-rê-va-đa), Học thuyết cuả các Trưởng lão, là một trường phái Phật giáo tiếp nhận giáo lý kinh điển từ Tipitaka, hay là kho tàng Thánh Điển Pali, mà theo như các học giả thường đồng ý với nhau rằng còn lưu lại được những ghi chép các giaó lý ban đầu cuả Đức Phật còn tồn tại với thời gian.
(View: 70550)
Trong suốt 45 năm giáo hóa, từ Thành đạo cho đến Niết Bàn, Phật quy tụ xung quanh hào quang của Ngài một số đệ tử cả xuất gia lẫn tại gia. Trong số này, những bậc xuất sắc ưu tú, chứng được thánh quả A La Hán gồm có 1250 vị. Đặc biệt có 10 vị mệnh danh là Thập Đại Đệ tử, trong 10 vị này mỗi vị đều có sở trường riêng, sở chứng riêng và đạo hạnh riêng.
(View: 18022)
Cái tinh thần chung của Phật là gì? Là tinh thần dắt dẫn, khuyến hóa chúng sanh biến đổi điều dữ ra điều lành, mê ra ngộ, khổ ra vui trong cảnh giải thoát Niết-bàn. Vậy bất cứ là kinh nào trong Tam tạng, dù mỗi kinh với mỗi sự trình bày khác nhau, nhưng nếu nhận có tinh thần giải thoát, có mục đích Niết-bàn trong đó tức chúng ta phải đem hết tinh thần khoáng đạt mà cố công tham cứu và học hỏi,
(View: 18933)
Thuyết Vô Ngã chỉ tìm thấy trong Phật Giáo. Như vậy, thuyết Vô Ngã khiến cho Phật Giáo khác hẵn các tôn giáo khác. Bởi vì hầu hết các tôn giáo khác đều có sự tin tưởng ngược hẵn với thuyết Vô Ngã (Anatta). Thuyết Vô Ngã là thuyết nòng cốt hay thuyết cốt yếu của Phật giáo
(View: 114553)
Cái hại của sự ngu si đối với chính mình, phá hoại chính công việc của mình là điều mà kinh Phật thường nói đến. Người ngu làm những việc mà họ không nhận thức được lợi hại, có khi như một kẻ mất trí, không biết mình đang làm gì. Trong Kinh Tiểu bộ, một loạt bài kinh phê phán ngu si tự phá hại việc làm của mình được đặt liền kề nhau.
(View: 118019)
Nếu ai làm cho mình bực thì mình qui trách cho người đó, kể như xong chuyện. Nhưng, Đức Phật thì Ngài nói đến những trạng thái tham sân. Trạng thái sân đến từ nhiều căn đế, mà chúng ta rất khó có thể tưởng tượng, nếu chúng ta không phải là người hiểu Phật Pháp
(View: 109662)
Phật giáo Nam Tông người Kinh phát triển chủ yếu tại hai thành phố lớn làSaigon và Thừa Thiên – Huế. Khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20, Phật giáo Nam Tông người Kinh có mặt tại Sài Gòn – Gia Định. Đó là các nhà sư người Việt sang Campuchia tu học và trở thành những đoàn truyền giáo Phật giáo Nguyên Thủy đầu tiên tại Việt Nam bao gồm: hòa thượng Thiện Luật, hòa thượng Hộ Tông, hòa thượng Huệ Nghiêm.
(View: 18938)
Lý tưởng A-la-hán thường được xem là lý tưởng dẫn đạo cho Phật giáo Nguyên Thủy và lý tưởng Bồ tát là lý tưởng dẫn đạo của Phật giáo Đại Thừa. Nhận định này không hoàn toàn đúng, vì truyền thống Nguyên Thủy đã thể nhập lý tưởng Bồ tát trong giáo lý cơ bản và như vậy đã công nhận giá trị của quả vị A-la-hán và quả vị Phật đều là hạnh nguyện tu tập của người xuất gia. Vì thế, nói một cách chính xác hơn thì lý tưởng A-la-hán và lý tưởng Bồ tát là những lý tưởng dẫn đạo cho cả Phật giáo Tiền Nguyên Thủy lẫn Phật giáo Đại thừa
(View: 22831)
Tín ngưỡng dân gian cho rằng phóng sinh là một hành động thể hiện lòng từ bi và giải trừ được nghiệp chướng. Tục thả chim phóng sinh (sanh) vì thế rộn ràng nhất vẫn là vào các ngày rằm và ngày lễ vía, đặc biệt những ngày đầu năm mới.
(View: 19135)
Đạo Phật Việt Nam giống và khác nhau với đạo Phật Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Thái Lan, Miến Điện chỗ nào? Đạo Phật còn khác nhau về các ‘thừa’: Tiểu Thừa (Theravada- Nguyên Thuỷ), Đại thừa, Kim Cương thừa, các tông phái liên hệ đến cách hành trì: Thiền & Tịnh Độ. Ngay cả trong Thiền còn chia ra thành Lâm Tế & Tào Động & Đốn Ngộ & Tiệm Tu. Những người ngoài cửa hay mới vào cửa đã thấy nhức đầu và tẩu hỏa nhập ma
(View: 19530)
Tốt và xấu có phạm vi ý nghĩa khá rộng, và sự đánh giá tốt xấu về một người, một hành vi, còn tùy thuộc vào quan niệm xã hội, những quy định, quy ước và cả cách nhìn của mỗi cá nhân. Tốt và xấu là những tiêu chí để đánh giá đạo đức. Thông thường, một người tốt được nghĩ là một người có đạo đức, và ngược lại. Cũng như vậy, những hành vi được xem là tốt khi hành vi ấy tuân theo những nguyên tắc đạo đức nào đó; và ngược lại, những hành vi được coi là xấu khi chúng chệch ra khỏi những nguyên tắc đạo đức.
(View: 90145)
Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác... thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.Cái miệng, lưỡi của người thế gian điều hại sẽ nhiều hơn điều lợi rồi. Tạo hóa sinh ra con người có hai lổ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên, được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức quá rồi, hãy nhân vốn phước báu nầy mà gieo trồng thêm phước đức ra nữa, thì mới là người khôn, bởi vậy phải lo: Tu cái miệng là điều cần thiết nhất và xem như tu hơn nửa đời người rồi.
(View: 35395)
Trước hết phải nói rằng trong giới luật thuộc truyền thống Nguyên Thủy, không có giới cấm ăn thịt cá, mặc dầu có giới cấm sát sanh. Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn cách nào cũng được, tùy duyên mà ăn cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp, ăn chay mà thân thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất tai hại, đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn trở ngại cho sự tu hành.
(View: 116419)
Việc đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành lập Tăng đoàn gồm những đệ tử xuất gia theo Ngài, những hiền nhân nay đây mai đó, những người từ bỏ tất cả để học Phật pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác, và sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc áo và một cái bình bát. Danh từ khất sĩ có từ đó. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm.
(View: 18017)
Đối với tôn giáo, để trở thành tín đồ, chúng ta phải trải qua nghi lễ theo tôn giáo mình theo quy định. Với Ấn Độ giáo, muốn trở thành tín đồ có đầy đủ tư cách học kinh Vệ đà, chúng ta phải trải qua lễ Upanayana (lễ đánh dấu thời điểm người con trai chính thức được giáo dục trong dòng tư tưởng Vệ đà). Với Cơ Đốc giáo, muốn trở thành con chiên chính thức, chúng ta phải trai qua lễ Baptism (lễ rửa tội). Cũng vậy, muốn trở thành người phật tử chính thức của Phật giáo, chúng ta phải tiếp thọ lễ Quy Y Tam Bảo.