(Xem: 1441)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1807)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

1-Vấn Đề phục hồi việc thọ Đại Giới Tỳ-Kheo-Ni Trong Truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy. 2-Tỳ-Kheo-Ni Nam Tông và Tứ Chúng của Đức Phật

20 Tháng Năm 201612:00 SA(Xem: 74124)


Vấn Đề phục hồi việc thọ Đại Giới Tỳ-Kheo-Ni

Trong Truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy  

  
(The Revival of Bhikkhuni Ordination in the Theravada Tradition)
Tác giả: Bhikkhu Bodhi - Việt dịch: Trần Như Mai


blank


Giới thiệu : Đây là bài tham luận của Tỳ Kheo Bodhi đọc tại Hôi Nghị Hamburg ở Đức năm 2007, do Đức Đạt Lai Lạt Ma đề xuất, đề bàn về vấn dề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy.

Bài tham luận của tôi chú trọng đến những vấn đề thuộc về giới luật và đạo đức liên quan đến việc phục hoạt Ni đoàn trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy. Bài tham luận này chia làm ba phần : Phần I, tôi duyệt lại những lập luận do những người theo phái Nguyên Thủy bảo thủ trình bày, những người thấy rằng vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni là không thể thực hiện được về phương diện giới luật. Trong Phần II, tôi trình bày những nghiên cứu về mặt kinh điển và đạo đức ủng hộ chủ trương cho rằng cần phải phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni. Và trong phần III, tôi sẽ cân nhắc ngắn gọn về cơ chế giới luật trong vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, đó là, làm thế nào để việc thọ đại giới được thực hiện hài hòa với qui định của Luật Tạng ( Vinaya).

 Việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni gồm có ba giai đoạn : 1) thọ giới sa-di-ni ( pabbajja), 2) huấn luyện Thức-xoa-ma-ni (sikkhamana), 3) thọ Cụ-túc-giới/ đại giới Tỳ-kheo-ni (upasampada). Các Luật gia Nguyên Thủy đặt ra nhiều cản trở ở cả ba giai đoạn này. Trong bài tham luận của tôi, tôi thảo luân tất cả ba giai đoạn từ hai quan điểm : theo quan điểm chống đối do các Luật gia bảo thù đặt ra, những người tuyên bố rằng không thể nào phục hồi việc thọ đại giới, và quan điểm của những người ủng hộ vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni. Vì thời gian dành cho việc trình bày bài tham luận này có giới hạn, nên tôi sẽ hướng trọng tâm vào vấn đề thọ đại giới mà thôi. Lời kết luận của tôi sẽ là : tôi cho rằng không một lập trường nào có thể rút ra một cách rõ ràng từ Luật Tạng, nhưng việc diễn giải Luật Tạng tùy thuộc vào bối cảnh việc diễn giải được thực hiện, và một số những giả định và mục đích mà người diễn giải muốn đưa vào nhiêm vụ diễn giải.

blank

 

I. Trường hợp chống đối vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni


 Đối với các Luật gia, giai đoạn thọ đại giới Tỳ-kheo-ni đặt ra một trở ngại lớn nhất cho việc phục hồi Ni đoàn. Sự chống đối chính yếu dựa trên điều luật mà các Luật gia đưa ra là việc truyền giới này phải do nhị bộ tăng thực hiện. Nghĩa là việc này phải do cả Ni đoàn lẫn Tăng đoàn cùng thực hiện, và để cho việc truyền giới là thuần túy Nguyên Thủy, việc truyền giới phải xuất phát từ một Ni đoàn Nguyên Thủy hiện hành. Điếu này dưa đến một tình trạng khó khăn bế tắc, vì nếu thiếu vắng một Ni đoàn Nguyên Thủy hiện hành, thì việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni không thể được công nhận là đúng theo luật. Vì vậy không thể có khả năng phục hồi Ni đoàn Nguyên Thủy. Việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni vẫn vượt khỏi tầm tay trong suốt thời kỳ truyền thừa Phật giáo hiện tại. Những phụ nữ muốn sống theo hạnh xuất gia sẽ phải chấp nhận một hình thức thay thế của hạnh xuất gia, như là tu nữ tám giới hay mười giới.


II. Trường hợp ủng hộ việc phục hoạt Ni đoàn Phật Giáo Nguyên Thủy


 Sau khi sơ lược những lập luận về luật mà các giới chức bảo thủ về Luật Tạng đề xuất để chống đối vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, tôi xem xét một số yếu tố, về mặt kinh điển và đạo đức, chủ trương ủng hộ việc phục hoạt. Tôi chia những yếu tố này thành hai nhóm: một nhóm tôi gọi là “sự ủy quyền ngày xưa”, và nhóm kia tôi gọi là “ những hoàn cảnh thúc bách đương đại”.


 ‘Sự ủy quyền ngày xưa’ trước tiên là quyết định của chính Đức Phật thành lập một Ni đoàn như một bộ phận tương ứng với Tăng đoàn. Khi Đức Bà Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề (Kiều Đàm Di ) cùng với năm trăm phụ nữ thuộc bộ tộc Thích Ca đến gặp Đức Phật, họ không đòi hỏi Đức Phật thiết lập một Ni đoàn. Họ chỉ xin Đức Phật cho phép họ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mặc dù lúc đầu Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu này, cuối cùng Ngài đã chấp thuận. Tuy nhiên, trong khi chấp thuận, Ngài không chỉ cho phép phụ nữ xuất gia, mà còn cho phép phụ nữ xuất gia được thành lập một Ni đoàn riêng biệt, một cộng đồng được điều hành bởi những điều lệ và qui định riêng của họ. Mặc dù Ngài đặt Ni đoàn này lệ thuộc vào Tăng đoàn trong một vài phương diện, Ngài vẫn cho phép Ni đoàn này phần lớn được tự trị. Điều này chứng tỏ rằng Ngài công nhận Ni đoàn là một phần chính yếu của Giáo đoàn, không có Ni đoàn thì Giáo đoàn của Ngài sẽ không hoàn hảo và không trọn vẹn.

 Suy tư về những điều kiện đương đại cũng ủng hộ trường hợp phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni. Thời đại chúng ta được hình thành từ những tư tưởng của triết thuyết Ánh Sáng Âu Châu, một phong trào xác nhận phẩm giá nội tại của con người và đưa đến đòi hỏi bình đẳng chính trị và công bằng cho mọi người trước pháp luật. Từ giữa thế kỷ thứ 19 trở đi, con người khắp điạ cầu đã nhận thức rằng sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính là vô lý và bất công, một hệ thống đã áp đặt lên xã hội chỉ vì vai trò thống trị của nam giới trong những thời kỳ mà sự ổn định xã hội tùy thuộc vào sức mạnh và quân lực. Như vậy sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính đã bị thách thức hầu như khắp nơi trong mọi lãnh vực đời sống thế tục, và vai trò của nó trong phạm vi tôn giáo cũng được đưa ra xem xét nghiêm túc. Tôn giáo vẫn là thành trì kiên cố nhất của sự phân biệt đối xử này, và Phật giáo cũng không ngoại lệ. Đúng là Luật Tạng đã qui định Tỳ-kheo-ni phải phục tùng Tỳ-kheo-tăng, và Ni đoàn phải phục tùng Tăng đoàn, nhưng chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật đã sống và giảng dạy ở Ấn độ vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên. Những công phu tu tập thuộc về nghi thức phải được đánh giá trong ánh sáng của những điều kiện văn hóa và xã hội đã thay đổi. Khi chúng ta hỏi đường lối hành động nào sẽ thích hợp với ngày nay, chúng ta không nên hỏi Đức Phật đã làm gì 25 thế kỷ trước, mà nên hỏi là Ngài sẽ muốn chúng ta làm gì trong thời đại này. Nếu người ta nhìn Phật giáo Nguyên Thủy như một tôn giáo chỉ gồm có nam giới xuất gia, mà loại bỏ nữ giới xuất gia, hay chỉ chấp nhận nữ giới qua một vài việc thọ giới không chính thức, người ta sẽ nghi ngờ là có một điều gì thiên lệch trong cơ bản, và những lập luận bảo vệ quan điểm ấy dựa trên những yêu cầu về các nguyên tắc giới luật khó hiểu sẽ không mang tính thuyết phục để có thể xóa tan mọi nghi ngờ. Đây sẽ là một ví dụ về một loại thái độ mà chúng ta thường thấy trong Luật Tạng, nơi mà “nhưng người thiếu tự tin không đạt được lòng tự tin, trong lúc giữa những người có lòng tự tin, thì một số lại thay đổi ý kiến liên tục”. Mặc khác, bằng cách thu hết can đảm để phục hồi cho phụ nữ quyền được sống cuộc đời xuất gia trọn vẹn, nghĩa là, bằng cách phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, các vị trưởng lão Phật giáo Nguyên Thủy sẽ chứng tỏ là họ biết cách áp dụng Luật Tạng theo một đường lối thích hợp với thời đại và hoàn cảnh, và cũng là cách biểu lộ lòng từ bi và bao dung, hơn là khăng khăng bác bỏ.

blank


III . Đối phó với thách thức về mặt giới luật


 Tuy nhiên, trong lúc có thể có những lập luận mạnh mẽ trong kinh điển và đạo đức ủng hộ cho việc phục hồi Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, bước tiến này không thể thực hiện nếu những chống đối về mặt giới luật đối với phong trào này không đưọc giải quyết. Những Luật gia bác bỏ vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni, không hẳn là vì thiên kiến đối với phụ nữ ( mặc dù một số có thể có thiên kiến đó), nhưng vì họ thấy thủ tục này không thể thực hiện được về mặt giới luật. Để phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, ba điểm thách thức mà những Luật gia Nguyên Thủy đặt ra cần phải được giải quyết. Đó là những thách thức dựa trên :1) vấn đề thọ giới sa-di-ni; 2) vấn đề thọ giới và huấn luyện Thức-xoa-ma-ni; và 3) vấn đề thọ cụ túc giới/ đại giới Tỳ-kheo-ni.


 Ở đây, tôi sẽ chỉ bàn về vấn đề thọ đại giới Tỳ-kheo-ni. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, trước tiên tôi muốn ghi nhận rằng lý thuyết về giới luật của Phật giáo Nguyên Thủy thường pha trộn những qui định về giới luật xuất phát từ các văn bản Luật Tạng và các bản Luận Tạng với những lời diễn giải và nhận định đã được chấp nhận theo truyền thống qua nhiều thế kỷ. Tôi không muốn xem nhẹ truyền thống, vì truyền thống tiêu biểu cho sự tích lũy kinh nghiêm giới luật của nhiều thế hệ chuyên gia Luật Tạng, và dĩ nhiên là những kinh nghiệm này cần phải được tôn trọng và cứu xét trong khi quyết định Luật Tạng cần phải được áp dụng như thế nào trong những hoàn cảnh mới. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng truyền thống không nên được đặt ngang hàng với Luật Tạng hoặc thậm chí với tài liệu có giá trị thứ yếu như là các bài luận giải (Atthakathas) và tiểu luận ( Tikas). Những nguồn tài liệu ấy cần phải được ấn định nhiều mức độ giá trị thẩm quyền khác nhau tùy theo nguồn gốc khác nhau của chúng. Tuy nhiên, khi sự hiểu biết của chúng ta về Luật Tạng đặt nặng căn bản theo truyền thống, chúng ta có thể vô tình bị vướng vào mạng lưới nhận định của các Luật gia bảo thủ và điều này ngăn cản khả năng phân biệt của chúng ta về những gì được rút ra từ Luật Tạng và những gì do truyền thống qui định. Đôi lúc chỉ cần thay đổi những nhận định ấy cũng có thể diễn giải lại các nguyên tắc Luật Tạng với sự hiểu biết hoàn toàn mới.


 Tôi sẽ minh họa điểm này bằng phương pháp loại suy hình học. Một đường thẳng được kẻ ngang qua một điểm. Khi đường thẳng này kéo dài ra thì khoảng cách giữa hai đầu mút càng rộng hơn. Rõ ràng là hai đầu mút ấy sẽ không bao giờ gặp nhau, và nếu có người nào tỏ ra nghi ngờ về điểm này, chắc là tôi sẽ chất vấn tính hợp luận lý của người này. Nhưng sự kiện xảy ra như vậy chỉ vì tôi đang suy nghĩ trong phạm vi của hình học truyền thống, hình học Euclide, vốn đã giữ vững ảnh hưởng trong toán học cho đến thế kỷ thứ 20. Tuy nhiên, khi chúng ta chấp nhận lập trường của hình học vòng tròn ( spherical geometry), chúng ta có thể thấy rằng một đường thẳng kẻ ngang qua một điểm nào đó, nếu được kéo dài đủ xa, cuối cùng hai đầu mút của nó sẽ gặp nhau. Một lần nữa, trong hình học truyền thống, chúng ta được dạy rằng một tam giác chỉ có thể có nhiều nhất là một góc vuông và tổng số các góc của một tam giác phải bằng 180o, và điều này có thể chứng minh tuyệt đối chặt chẽ. Nhưng sự kiện chỉ xảy ra như thế trong không gian Euclide. Hãy cho tôi một vòng tròn, và chúng ta có thể định nghĩa một tam giác có ba góc vuông và tổng số các góc bằng 270o. Như vậy, nếu tôi từ bỏ những nhận định quen thuộc của mình, một loạt những khả năng mới bỗng mở rộng tầm hiểu biết của tôi.

 Cũng vậy đối với hiểu biết của chúng ta về Luật Tạng. Đối với lý thuyết bảo thủ, những nhận định căn bản là: i) việc truyền đại giới do nhị bộ tăng thực hiện được qui định để áp dụng cho mọi trường hợp và không chấp nhận một ngoại lệ hay điều chỉnh nào để thích hợp với hoàn cảnh; ii) và Phật giáo Nguyên Thủy là tông phái duy nhất gìn giữ truyền thống Luật Tạng đích thực. Một khi những nhận định ấy được chấp nhận, sẽ không còn một lối thoát nào đối với kết luận rằng Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đã đứt đoạn vĩnh viễn. Tuy nhiên, những người ủng hộ việc phục hoạt Ni đoàn lại hoạt động với những nhận định khác. Đối với họ, điểm khởi đầu căn bản là quyết định của Đức Phật thành lập Ni đoàn. Thủ tục truyền giới chỉ là cơ chế giới luật để thực hiện quyết định đó. Từ lập trường này, ngăn chận việc áp dụng quyết định ấy chỉ vì một điểm về cơ chế giới luật tức là cản trở việc hoàn thành ý định của chính Đức Phật. Điều này không có nghĩa là phương cách thực hiện đúng đắn quyết định ấy sẽ vi phạm những qui định của Luật Tạng. Nhưng bên trong những qui định bao quát ấy, hai nhận định của phe giới luật bảo thủ có thể vượt qua bằng một hoặc cả hai điểm sau đây : i) trong những trường hợp ngoại lệ Tăng đoàn có thể áp dụng việc truyền giới Tỳ-kheo-ni do nhất- bộ-tăng thực hiện, dựa trên lời dạy của Đức Phật: “ Này các Tỷ kheo, ta cho phép các thầy truyền giới Tỳ-kheo-ni”; ii) để duy trì hình thức truyền giới do nhị-bộ-tăng thực hiện, Tăng đoàn Nguyên Thủy có thể kết hợp với một Ni đoàn từ một nước Đông Á theo “ Tứ Phần” Luật Pháp Tạng Bộ.


 Phương cách truyền giới này có thể không thoả mãn được yêu cầu khắc khe nhất của lý thuyết Luật Tạng Nguyên Thủy bảo thủ, nghĩa là, việc truyền giới phải được thực hiện bởi nhị bộ Tỳ-kheo-tăng và Tỳ-kheo-ni, và những vị này phải được thọ giới từ những Tỳ-kheo-tăng và Tỳ-kheo-ni Nguyên Thủy của một dòng truyền thừa không đứt đoạn. Nhưng làm cho đòi hỏi không thể thực hiện này trở thành một yêu cầu không khoan nhượng trong vấn đề phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni thì có vẻ khắt khe một cách vô lý. Theo quan điểm của nhiều vị tăng Nguyên Thủy uyên thâm, chính yếu xuất phát từ Tích lan, thì chấp nhận một trong hai phương cách đã nêu trên sẽ đưa đến đỉnh cao là một cuộc truyền giới Tỳ-kheo-ni đúng luật và cùng lúc đó điều này sẽ ban cho phụ nữ cơ hội được sống cuộc đời phạm hạnh theo đúng phương cách Đức Phật đã có ý định muốn cho ni chúng được theo đuổi - đó là cuộc sống của những Tỳ-kheo-ni đã thọ đại giới.


 Đại giới đàn Tỳ-kheo-ni được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng dưới sự bảo trợ của Tu Viện Phật Quang Sơn, đã kết hợp cả hai phương cách trên. Phương pháp này đem lại kết quả mỹ mãn hơn là chỉ theo một trong hai phương cách mà thôi. Lễ đại giới đàn đã qui tụ Tỳ kheo thuộc nhiều truyền thống khác nhau - Đại thừa Trung quốc, Nguyên Thủy, và Tây Tạng – cùng với các Tỳ-kheo-ni Đài loan và Tây phương để cử hành lễ thọ đại giới gồm đầy đủ nhị bộ tăng theo truyền thống Trung quốc. Những vị ni được thọ giới gồm có các ni Nguyên thủy từ Tích lan và Nepal, cũng như các ni Tây phương theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Người ta có thể nghĩ rằng đây là nghi lễ của Đại thừa và các ni được thọ giới sẽ trở thành Tỳ-kheo-ni Đại thừa, nhưng đây là một sự hiểu lầm. Trong khi các tăng ni Trung quốc là những vị theo Phật giáo Đại thừa, truyền thống Giới Luật mà họ tuân thủ không phải là Giới Luật Đại thừa nhưng là Giới Luật Pháp Tạng Bộ ( Dharmaguptaka), đó là bộ luật thuộc về truyền thống Phân Tích Bộ (Vibhajyavada) của tông phái Nguyên Thủy cổ sơ ở phương nam. Đây chính là bộ phái tương đương với tông phái Nguyên Thủy ở tây bắc Ấn Độ, với bộ sưu tập kinh điển, Luận A-tỳ-đàm và một Luật Tạng phần lớn tương ứng với Luật Tạng Pali. Như vậy đại giới đàn do Tăng đoàn Trung quốc thực hiện ở Bồ Đề Đạo Tràng truyền đại giới thuộc dòng Pháp Tạng Bộ, và theo ngôn ngữ giới luật, các vị ni này bây giờ là những Tỳ- kheo-ni thọ đẩy đủ đại giới theo dòng truyền thừa của Giới Luật Pháp Tạng Bộ.


 Tuy nhiên, các Tỳ-kheo-ni ở Tích lan muốn trở thành những người kế thừa dòng Luật Tạng Nguyên Thủy để có thể được tăng đoàn Tích lan chấp nhận. Những Tỳ kheo Tích lan đã bảo trợ cho việc thọ đại giới cũng lo ngại rằng nếu các vị Tỳ-kheo-ni này trở về Tích lan với việc thọ đại giới từ Trung quốc mà thôi, thì những người đồng đạo của họ sẽ xem việc thọ giới ấy chính yếu là thuộc tông phái Đại thừa. Để tránh việc này, chỉ một thời gian ngắn sau đó, các vị tân Tỳ-kheo-ni đi đến thành phố Sarnath, nơi đó chư ni lại trải qua một cuộc thọ đại giới khác được tiến hành bằng tiếng Pali do các vị Tỳ-kheo Nguyên thủy ở Tích lan thực hiện. Việc truyền giới này không phủ nhận việc truyền đại giới trước đây do nhị bộ tăng thuộc Tăng đoàn Trung quốc thực hiện, nhưng chỉ bổ túc và ban cho việc thọ đại giới ấy một hướng đi mới. Việc truyền đại giới do nhị bộ tăng thực hiện ở Bồ Đề Đạo Tràng công nhận chư ni ấy là Tỳ-kheo-ni, nhưng là những vị được truyền thừa từ dòng Luật Pháp Tạng Bộ, và cuộc truyền giới tiếp theo do Tăng đoàn Nguyên Thủy thực hiện ở Sarnath đã chính thức đưa các vị Tỳ-kheo-ni này vào Giáo đoàn Nguyên Thủy. Bây giờ các vị Tỳ-kheo-ni được quyền tuân theo Luật Tạng của kinh điển Pali và thực hiện những nhiệm vụ cần thiết của các giới tràng cùng với huynh đệ của họ trong Giáo đoàn Nguyên Thủy của Tích lan.


 Trong lúc việc truyền đại giới với đầy đủ nhị bộ tăng chắc chắn là phương cách tốt hơn khi nào có điều kiện thực hiện, một trường hợp khác cũng được nêu lên để chứng minh việc truyền đại giới có thể chỉ do tăng đoàn Nguyên Thủy thực hiện mà thôi. Người ta có thể lập luận rằng trong những trường hợp ngoại lệ, khi một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đã đứt đoạn, thì tăng đoàn Nguyên Thủy được quyền đưa ra trường hợp thời cổ sơ như là một tiền lệ khi chưa có Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, và phục hồi điều lệ của Đức Phật đã cho phép chỉ một mình Tăng đoàn truyền đại giới cho Tỳ-kheo-ni. Điều lệ này có thể được bảo vệ dựa trên nguyên tắc loại suy: khi một phương cách ngoại lệ được sử dụng trong một số những trường hợp để đạt được mục đích mong muốn, thì trong một số trường hợp tương tự như thế về mọi phương diện, nếu không còn phương cách nào để đạt được mục đích mong muốn, chúng ta có thể áp dụng lại phương cách ngoại lệ ấy. Trong trường hợp này, chúng ta tìm thấy hoàn cảnh xuất phát điều lệ ấy vào thuở Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đầu tiên được hình thành, khi Tăng đoàn bị đặt vào một hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan. Điều lệ thứ sáu của Bát Kỉnh Pháp đòi hỏi việc truyền giới Tỳ-kheo-ni phải do nhị bộ tăng thực hiện, nhưng thời đó chưa có Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Vậy làm thế nào Tăng đoàn vượt qua khó khăn bế tắc này ? Theo kinh điển, thì Đức Phật đã dạy:” Ta cho phép các thầy truyền giới Tỳ-kheo-ni”. Và vì thế, các Tỳ-kheo tiếp tục truyền giới cho các Tỳ-kheo-ni cho đến khi nhị bộ tăng trở thành qui định hiện thực. Hoàn cảnh này gần như giống y hệt hoàn cảnh chúng ta gặp phải gần đây, khi có những phụ nữ muốn được thọ đại giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Nguyên Thủy nhưng không có Tỳ-kheo-ni Nguyên thủy nào để truyền giới cho họ. Vì thế, một giải pháp đã được đề nghị là cho phép Tỳ kheo tăng Nguyên Thủy sử dụng sự ủy quyền, vốn chưa bao giờ bị hủy bỏ, để truyền giới Tỳ-kheo-ni cho đến khi một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có chức năng hoạt động thực sự được hình thành. Đây là phương cách mà tăng đoàn Tích lan đã áp dụng ở Sarnath để ban cho các Tỳ-kheo-ni Tích lan lần truyền giới thứ hai và chính thức đưa các vị này vào Tăng đoàn Nguyên Thủy.


 Tuy nhiên, bây giờ thì Ni đoàn Nguyên Thủy đã được phục hoạt tại Tích lan, không còn lý giải nào để biện minh cho việc truyền đại giới do nhất bộ tăng thực hiện mà thôi. Nếu một phụ nữ muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Nguyên Thủy, người ấy phải được huấn luyện giới hạnh Thức-xoa-ma-ni và cuối cùng sẽ thọ đại giới Tỳ-kheo-ni ở Tích lan. Chắc chắn đây đúng lúc là cơ hội để việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni được truyền bá rộng rãi ở Tây phương.


Kết luận


 Sự kiện Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni bị đứt đoạn đã đặt ra cho chúng ta một hoàn cảnh không được đề cập rõ ràng trong Luật Tạng, và như vậy đó là một hoàn cảnh không có được một phương cách giải quyết rõ ràng. Theo như tôi hiểu, chúng ta không thể đọc Luật Tạng bằng một thái độ định kiến như là cho phép vô điều kiện hoặc hoàn toàn ngăn cấm việc phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Những thái độ đó là kết quả của việc diễn giải, và việc diễn giải thường phản ảnh thái độ của người diễn giải trong khuôn khổ những nhận định của người ấy, cũng như phản ảnh ngôn từ của văn bản Luật mà người ấy sử dụng.


 Theo ý kiến của tôi, để giải quyết vấn nạn này, câu hỏi trước tiên chúng ta phải nêu lên là :” Đức Phật muốn các vị đệ tử trưởng lão của ngài làm gì trong tình huống như vậy, bây giờ, trong thế kỷ thứ 21 này ?”. Có phải Ngài muốn chúng ta áp dụng những qui luật điều hành việc thọ đại giới theo phương cách loại bỏ phụ nữ ra khỏi đời sống xuất gia đầy đủ phạm hạnh, để cho chúng ta trình bày với thế giới một tôn giáo trong đó chỉ có nam giới được quyền sống đời xuất gia trọn vẹn ? Hay là thay vào đó, Ngài muốn chúng ta áp dụng những điều lệ của Luật Tạng theo một phương cách từ bi, rộng lượng và bao dung, và từ đó hiến tặng cho thế giới này một tôn giáo thật sự là biểu tượng của công lý và không phân biệt đối xử ?


 Chúng ta không thể có câu trả lời ngay tức khắc cho những câu hỏi này trong bất cứ một văn bản kinh điển hay truyền thống nào, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn bị rơi vào ý kiến chủ quan. Từ các văn bản kinh điển, chúng ta có thể thấy khi thực hiện những quyết định quan trọng, Đức Phật đã biểu lộ cả lòng từ bi lẫn tính nghiêm minh của giới luật, chúng ta có thể thấy là trong khi qui định những tiêu chuẩn hành xử của Tăng đoàn, Ngài đã xem xét những kỳ vọng về mặt văn hóa và xã hội của những người đương thời với Ngài. Vì vậy, để tìm ra một giải pháp cho vấn nạn của chính chúng ta, chúng ta có hai kim chỉ nam hướng dẫn để hành động. Một là cần phải đúng với tinh thần của Giáo Pháp – đúng cả chữ nghĩa lẫn tinh thần, nhưng trên hết là đúng với tinh thần. Hai là phải đáp ứng được những tầm nhận thức về mặt văn hoá, tri thức và xã hội của nhân loại trong thời đại lịch sử đặc biệt mà chúng ta đang sống, thời đại mà chúng ta đang nỗ lực hình thành số phận tương lai của chính chúng ta và số phận tương lai của Phật giáo. Được nhìn trong ánh sáng này, vấn đề phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có thể xem như một điều thực chất tốt đẹp phù hợp với tinh thần cốt lõi của Giáp Pháp, giúp cho việc hoàn thành sứ mạng của chính Đức Phật là “ mở cánh cửa Bất tử ” cho tất cả chúng sanh, cho nữ giới cũng như nam giới. Cùng lúc đó, sự hiện hữu của một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có thể hoạt động như một công cụ tốt đẹp. Điều này sẽ cho phép ni giới thực hiện nhiều đóng góp có ý nghĩa cho Phật giáo bằng nhiều cách giống như tăng giới - họ có thể là những giảng sư, học giả, thiền sư, nhà giáo dục, cố vấn xã hội, và những vị hướng dẫn nghi lễ - và có lẽ trong một vài trường hợp độc đáo chỉ dành cho các vị ni sư, thí dụ như là làm cố vấn tâm lý và người hướng dẫn cho nữ cư sĩ. Một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni cũng sẽ giúp cho Phật giáo nhận được sự kính trọng của những bậc thức giả trên thế giới, những người xem vấn đề không phân biệt nam nữ là dấu hiệu của một tôn giáo thật sự xứng đáng hài hoà với những khuynh hướng cao thượng của nền văn minh hiện đại.


Source : Buddhist Fellowship of Singapore Website

(General News/Comment with regards to
Bhikkhuni Ordination/5/11/09 )


Tỳ-Kheo-Ni Nam Tông và Tứ Chúng của Đức Phật


TS Dion Peoples, Buddhist Channel, 08 tháng Tám 2015
TS. Trần Tiễn Khanh dịch Việt

 blank

Tiến sĩ Dion Peoples

Tiến sĩ Dion Peoples là Giám đốc Hiệp hội quốc tế của các trường Đại học Phật giáo (IABU), Chủ biên và Giám đốc điều hành của các Hội nghị học thuật cho Ngày Vesak của Liên Hợp Quốc từ năm 2007. Ông cố vấn cho tạp chí Present (Hiện tại) của Liên minh các Tỳ-kheo-ni. Ông cũng là một học giả cố vấn, thiết kế chương trình giảng dạy cho Viện nghiên cứu Phật giáo Tây Ban Nha (IEBH), và các chương trình nghiên cứu Phật giáo của ASEAN. Ông đã viết sách về Kinh Phúng Tụng (Sangiti Sutta), và Kỹ năng tư duy phê phán của Phật giáo. Ông đã cộng tác với Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU) từ năm 2007. Các tác phẩm của ông, Phật giáo và những người khác, có thể được tìm thấy trực tuyến, trên trang web www.academia.edu . Ông cũng xuất bản Tạp chí của Hiệp hội quốc tế của các trường Đại học Phật giáo (JIABU), và Tạp chí Nghiên cứu Hòa bình Santisuksa, thông qua Chương trình nghiên cứu Hòa bình của MCU. Ông có thể liên hệ qua trang Facebook, hoặc các trang Facebook của Ban Thư ký IABU.

Một Tăng đoàn Phật giáo hoạt động đúng phải gồm bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nữ cư sĩ và nam cư sĩ. Tất cả đều cần thiết như nhau để duy trì và hỗ trợ truyền thống và thực hành giáo pháp của Đức Phật.

blank

Bangkok, Thái lan - Khi tôi ở trong Không quân Mỹ, đóng ở Đức, tôi đã nhận được một bộ sách, các tác phẩm của Nichirin, từ một người nữ đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Tôi cũng đã tiếp xúc với một nữ Phật tử người Đài Loan sở hữu và điều hành một nhà hàng Trung Quốc, gần căn cứ nơi tôi đã đóng quân. Khi tôi nói chuyện với những người phụ nữ đáng kính và có ý chí mạnh mẽ này, tất cả đều biết rằng đã có những nữ tu trong Phật giáo. Người phụ nữ Đài Loan đã chuẩn bị cho tôi, thông qua các cuộc tranh luận triết học, để trở thành một Tỳ-kheo - giấc mơ của tôi tại thời điểm đó.

 Tôi đã được đọc Đại tạng kinh Nam tông và các kinh điển này đã đề cập đến sự hiện diện của Tỳ-kheo-ni. Tôi luôn luôn ở gần các nữ Phật tử mạnh mẽ nhưng thường không bao giờ nhận thức điều này. Tôi thậm chí còn chịu ảnh hưởng của một nữ Phật tử Thái rất thông thái và là người thường xuyên viết về các vấn đề trong xã hội và Tăng đoàn Thái cho một tờ báo phát hành khắp nước Thái lan. Khi tôi đến Thái lan để tìm hiểu về sự thích nghi văn hóa của Phật giáo trong bối cảnh xã hội và triết học của quốc gia này, tôi nhận ra rằng một thành phần quan trọng của Phật giáo đã mất tích.

 Phật giáo có cái được gọi là "tứ chúng". Nó không có ba. Không có bốn giới, nhưng có năm. Nếu một cái gì đó bị hỏng, nó có thể được chỉnh lại. Trong Phật giáo, các tăng sĩ nào phạm giới xin được tha thứ trước khi nghe tụng Giới Luật. Nếu một người nào đó, ở một nơi nào đó, không làm tròn bổn phận của mình, sau đó người ấy phải xin lỗi Tăng đoàn và đảm bảo rằng các sai lầm sẽ không bao giờ bị tái phạm nữa. Là Phật tử, chúng ta không thể tùy tiện chọn những bài pháp nào để làm theo. Khi toàn bộ Đại Tạng được coi là hợp lệ, chúng ta biết rằng có bốn chúng Phật tử.

 Gần đây tôi đã gặp phải một tình huống tại Đại học Mahachulalongkorn (MCU): trường cao học đã có một cuộc hội thảo về tình trạng của Tỳ-kheo-ni ở Thái lan. Tôi tìm thấy các tài liệu đã được phổ biến trong hội thảo và đọc chúng. Trong đó, một tác giả đã nêu một "giám đốc chương trình" đã trích dẫn tuyên bố của một cựu Tăng Thống. Ông đã nói, "bất cứ ai hỗ trợ sự sống lại của truyền thống Tỳ-kheo-ni là kẻ thù của Phật giáo".

 Tôi đã đăng tài liệu này trên trang Facebook của tôi, và một vị sư đồng nghiệp đã bảo tôi nên loại bỏ tài liệu này vì nó có thể gây thiệt hại đến danh tiếng của trường đại học. Tôi lý luận rằng, trong thực tế, đó là một lợi ích cho trường đại học vì chủ đề này đã được thảo luận, vì trường đại học được quản trị bởi các nhân viên liên quan đến Hội đồng Tăng già tối cao của Thái lan. Phải nói rằng Hội đồng Tăng già tối cao trước đó đã cấm các bài viết của các Tỳ-kheo nổi tiếng ủng hộ việc truyền giới cho phụ nữ. Đây là kiến ​​thức phổ biến. Tuy nhiên, cũng sai lầm khi nói rằng Tăng đoàn Thái không tôn trọng các Tỳ-kheo-ni. Nếu người phụ nữ là một Tỳ-kheo-ni Bắc tông, người ấy sẽ được thừa nhận và tôn trọng.

 Thật không may khi còn tồn tại một quan điểm cho rằng không có các Tỳ-kheo-ni hợp pháp trong Nam tông - bỏ qua những người gần đây đã có những nỗ lực thay đổi và tiến bộ . Vấn đề này đã bị làm phức tạp một cách không cần thiết bởi Tăng đoàn Thái. Nhưng tôi tin rằng vấn đề có thể được giải quyết một cách đơn giản và với phẩm giá. Dưới đây là một gợi ý về cách để tiến bộ.

 Thông qua trí tuệ Phật giáo chung, chúng ta nhận ra rằng những sai lầm đã xảy ra trong lịch sử và khẳng định rằng Phật giáo là một tôn giáo trí tuệ. Trong một truyền thống như vậy, chúng ta nhận ra rằng phụ nữ đóng một vai trò có giá trị trong các xã hội Phật giáo và vai trò này đang ngày càng quan trọng. Vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào để lấp những khoảng trống này sẽ đòi hỏi việc cung cấp các thủ tục phù hợp để phụ nữ có thể được đào tạo tốt và truyền giới.

 Mọi người có thể nghiên cứu nhân khẩu học trong nước: dân số của đàn ông so với phụ nữ ở Thái lan là gì? Tỷ lệ Tăng sĩ so với tín đồ là gì? Các con số tương đối này không đáng kể. Có bao nhiêu người phụ nữ thực sự muốn xuất gia? Một lần nữa, trong một quốc gia, những con số này không đáng kể.

 Tỳ-kheo-ni không phải là một mối đe dọa cho nam tính hay văn hóa Thái lan. Vấn đề truyền giới cho phụ nữ có mặt trong Tăng đoàn gần giống với vấn đề đồng tính luyến ái trong một Tăng đoàn thống trị bởi nam giới. Vì những người muốn xuất gia có nhiều khả năng muốn được đào tạo nghiêm túc nên họ không có ý định phát triển các mối quan hệ tình dục. Do đó, có rất ít khả năng tà dâm sẽ xảy ra.

 Các giới luật của Tỳ-kheo đào tạo để họ không biểu lộ tình dục - đồng tính hay thông thường. Hiển thị xu hướng này sẽ bị cau mày vì nguyên nhân chính của xuất gia là sự giác ngộ cá nhân, bảo vệ và truyền bá Phật pháp. Có những tu sĩ hành xử như những người đàn ông đầy dục vọng có thể có khuynh hướng vi phạm lời thề của họ và có quan hệ tình dục với phụ nữ. Nhưng điều này cũng đúng đối với người đồng tính. Các đoạn video được nhiều người xem khi miêu tả các tu sĩ hành xử theo phán đoán kém. Nếu hành động xấu này được phát hiện, sau đó chỉ cần cởi áo và cấm họ xuất gia lại. Nếu dính đến vụ án dân sự, người vi phạm tình dục có thể bị bắt và bỏ tù - không phải là một Tỳ-kheo, nhưng là một công dân thường – như một người đã phạm tội ác.

 Không một người đàn ông nào phải lo sợ sự truyền giới của phụ nữ. Phụ nữ đông hơn nam giới ở Thái lan. Được tăng cường tập thể, tiếng nói của họ sẽ gây được tiếng vang cho sự thay đổi xã hội trong Tăng đoàn và Tứ chúng. Thật sự không hợp lý khi người phụ nữ đang bị đàn áp tinh thần bởi một tôn giáo chú trọng giải thoát. Không có lý do gì không cho phép phụ nữ đạt được giải thoát hoàn toàn. Có nhiều nghiên cứu về vấn đề này và tất cả đều đáng được đọc và xem xét.

blank

 Các Tỳ-kheo nào từ chối hỗ trợ vấn đề truyền giới cho Tỳ-kheo-ni hoặc những người giử im lặng, có thể không xứng đáng nhận cúng dường của các tín đồ. Các tín đồ có thể đóng một vai trò tích cực bằng cách thuyết phục các thành viên trong Tăng đoàn có chánh tư duy để chấp nhận thực tế rằng Tỳ-kheo-ni Nam tông là một phần của Tăng đoàn. Họ có thể làm điều này bằng cách hỗ trợ kinh tế và xã hội cho các nhà sư này.

 Hãy xem này : nhiều giới luật được thành lập bởi vì các tín đồ chỉ trích các nhà sư hay ni cô về một vấn đề nào đó. Để giữ đúng đức tin của các tín đồ, giới luật đã được lập ra để tín đồ có thể (một lần nữa) giữ lại niềm tin vào vai trò của Tăng già.

 Vì vậy, hãy nói đi nói lại: một Tăng thân hoạt động đúng có bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nữ cư sĩ và nam cư sĩ. Tất cả đều cần thiết như nhau để duy trì và hỗ trợ truyền thống và thực hành giáo pháp của Đức Phật.
Trần Tiễn Khanh dịch
Tháng 9, 2015
Người gửi bài: Nguyên Định


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 61695)
Hấp hối có nghĩa là gần chết. Có nhiều từ đồng nghĩa cùng biểu đạt cho trạng thái này như đang lâm chung, thời gian cận tử, lúc sắp chết… Độ ở đây mang ý nghĩa chuyển hóa, giúp người vượt qua, giáo hóa cho người.
(Xem: 78164)
Để giúp cho đọc giả có thể nắm được sự khác biệt giữa thiền định (chỉ quán) và thiền Vipassana (tuệ quán), sư Phước Nhân, một hành giả của thiền viện Phước Sơn, nói rõ về thiền định, thiền Vipassana, sự khác biệt giữa hai phương pháp tập cũng như khái quát phương thức tu tập và kết quả mà mỗi phương thức tu tập đem lại.
(Xem: 80694)
Khi tập ngồi thiền, điều khó khăn trước tiên là phải làm ngưng cái đầu ồn ào của mình. Nhiều người, dù cố gắng, cũng không thể nào làm yên được những tạp niệm trong đầu mình.
(Xem: 18425)
Sân hận là loại cảm xúc thường gây khó cho nhiều người. Thí dụ khi bạn đang ngồi thiền, bỗng nhiên tâm sân khởi lên, và bạn nghĩ “Ồ không, tâm sân!”, -đó là thái độ phản kháng. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn nghĩ, “Ồ tuyệt vời, tâm sân!” Bạn có thấy sự khác biệt không? Chúng ta thường có xu hướng dễ chấp nhận sự dễ chịu, nhưng ghét bỏ sự khó chịu.
(Xem: 18908)
Theravada (đọc như là tê-rê-va-đa), Học thuyết cuả các Trưởng lão, là một trường phái Phật giáo tiếp nhận giáo lý kinh điển từ Tipitaka, hay là kho tàng Thánh Điển Pali, mà theo như các học giả thường đồng ý với nhau rằng còn lưu lại được những ghi chép các giaó lý ban đầu cuả Đức Phật còn tồn tại với thời gian.
(Xem: 54039)
Trong suốt 45 năm giáo hóa, từ Thành đạo cho đến Niết Bàn, Phật quy tụ xung quanh hào quang của Ngài một số đệ tử cả xuất gia lẫn tại gia. Trong số này, những bậc xuất sắc ưu tú, chứng được thánh quả A La Hán gồm có 1250 vị. Đặc biệt có 10 vị mệnh danh là Thập Đại Đệ tử, trong 10 vị này mỗi vị đều có sở trường riêng, sở chứng riêng và đạo hạnh riêng.
(Xem: 17414)
Cái tinh thần chung của Phật là gì? Là tinh thần dắt dẫn, khuyến hóa chúng sanh biến đổi điều dữ ra điều lành, mê ra ngộ, khổ ra vui trong cảnh giải thoát Niết-bàn. Vậy bất cứ là kinh nào trong Tam tạng, dù mỗi kinh với mỗi sự trình bày khác nhau, nhưng nếu nhận có tinh thần giải thoát, có mục đích Niết-bàn trong đó tức chúng ta phải đem hết tinh thần khoáng đạt mà cố công tham cứu và học hỏi,
(Xem: 18977)
Được biết, xuất gia gieo duyên là một truyền thống lâu đời của các nước Phật giáo Nam tông như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Sri Lanka - nơi Phật tử tại gia có thể thực hiện ước nguyện xuất gia, sống đời tu sĩ trong thời gian ngắn hạn 3 ngày, 7 ngày, 1 tháng, 3 tháng, 1 năm hoặc 3 năm. Theo đó, các Phật tử xuất gia gieo duyên tại thiền viện sẽ có thời khóa tu học như các chư Tăng tại thiền viện gồm học giáo lý, học kinh luật, ngồi thiền, tụng kinh, kinh hành, trồng cây, làm công quả...
(Xem: 18293)
Thuyết Vô Ngã chỉ tìm thấy trong Phật Giáo. Như vậy, thuyết Vô Ngã khiến cho Phật Giáo khác hẵn các tôn giáo khác. Bởi vì hầu hết các tôn giáo khác đều có sự tin tưởng ngược hẵn với thuyết Vô Ngã (Anatta). Thuyết Vô Ngã là thuyết nòng cốt hay thuyết cốt yếu của Phật giáo
(Xem: 113252)
Cái hại của sự ngu si đối với chính mình, phá hoại chính công việc của mình là điều mà kinh Phật thường nói đến. Người ngu làm những việc mà họ không nhận thức được lợi hại, có khi như một kẻ mất trí, không biết mình đang làm gì. Trong Kinh Tiểu bộ, một loạt bài kinh phê phán ngu si tự phá hại việc làm của mình được đặt liền kề nhau.
(Xem: 116981)
Nếu ai làm cho mình bực thì mình qui trách cho người đó, kể như xong chuyện. Nhưng, Đức Phật thì Ngài nói đến những trạng thái tham sân. Trạng thái sân đến từ nhiều căn đế, mà chúng ta rất khó có thể tưởng tượng, nếu chúng ta không phải là người hiểu Phật Pháp
(Xem: 108670)
Phật giáo Nam Tông người Kinh phát triển chủ yếu tại hai thành phố lớn làSaigon và Thừa Thiên – Huế. Khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20, Phật giáo Nam Tông người Kinh có mặt tại Sài Gòn – Gia Định. Đó là các nhà sư người Việt sang Campuchia tu học và trở thành những đoàn truyền giáo Phật giáo Nguyên Thủy đầu tiên tại Việt Nam bao gồm: hòa thượng Thiện Luật, hòa thượng Hộ Tông, hòa thượng Huệ Nghiêm.
(Xem: 18325)
Lý tưởng A-la-hán thường được xem là lý tưởng dẫn đạo cho Phật giáo Nguyên Thủy và lý tưởng Bồ tát là lý tưởng dẫn đạo của Phật giáo Đại Thừa. Nhận định này không hoàn toàn đúng, vì truyền thống Nguyên Thủy đã thể nhập lý tưởng Bồ tát trong giáo lý cơ bản và như vậy đã công nhận giá trị của quả vị A-la-hán và quả vị Phật đều là hạnh nguyện tu tập của người xuất gia. Vì thế, nói một cách chính xác hơn thì lý tưởng A-la-hán và lý tưởng Bồ tát là những lý tưởng dẫn đạo cho cả Phật giáo Tiền Nguyên Thủy lẫn Phật giáo Đại thừa
(Xem: 22163)
Tín ngưỡng dân gian cho rằng phóng sinh là một hành động thể hiện lòng từ bi và giải trừ được nghiệp chướng. Tục thả chim phóng sinh (sanh) vì thế rộn ràng nhất vẫn là vào các ngày rằm và ngày lễ vía, đặc biệt những ngày đầu năm mới.
(Xem: 18586)
Đạo Phật Việt Nam giống và khác nhau với đạo Phật Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Thái Lan, Miến Điện chỗ nào? Đạo Phật còn khác nhau về các ‘thừa’: Tiểu Thừa (Theravada- Nguyên Thuỷ), Đại thừa, Kim Cương thừa, các tông phái liên hệ đến cách hành trì: Thiền & Tịnh Độ. Ngay cả trong Thiền còn chia ra thành Lâm Tế & Tào Động & Đốn Ngộ & Tiệm Tu. Những người ngoài cửa hay mới vào cửa đã thấy nhức đầu và tẩu hỏa nhập ma
(Xem: 18969)
Tốt và xấu có phạm vi ý nghĩa khá rộng, và sự đánh giá tốt xấu về một người, một hành vi, còn tùy thuộc vào quan niệm xã hội, những quy định, quy ước và cả cách nhìn của mỗi cá nhân. Tốt và xấu là những tiêu chí để đánh giá đạo đức. Thông thường, một người tốt được nghĩ là một người có đạo đức, và ngược lại. Cũng như vậy, những hành vi được xem là tốt khi hành vi ấy tuân theo những nguyên tắc đạo đức nào đó; và ngược lại, những hành vi được coi là xấu khi chúng chệch ra khỏi những nguyên tắc đạo đức.
(Xem: 87984)
Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác... thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.Cái miệng, lưỡi của người thế gian điều hại sẽ nhiều hơn điều lợi rồi. Tạo hóa sinh ra con người có hai lổ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên, được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức quá rồi, hãy nhân vốn phước báu nầy mà gieo trồng thêm phước đức ra nữa, thì mới là người khôn, bởi vậy phải lo: Tu cái miệng là điều cần thiết nhất và xem như tu hơn nửa đời người rồi.
(Xem: 33981)
Trước hết phải nói rằng trong giới luật thuộc truyền thống Nguyên Thủy, không có giới cấm ăn thịt cá, mặc dầu có giới cấm sát sanh. Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn cách nào cũng được, tùy duyên mà ăn cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp, ăn chay mà thân thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất tai hại, đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn trở ngại cho sự tu hành.
(Xem: 115275)
Việc đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành lập Tăng đoàn gồm những đệ tử xuất gia theo Ngài, những hiền nhân nay đây mai đó, những người từ bỏ tất cả để học Phật pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác, và sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc áo và một cái bình bát. Danh từ khất sĩ có từ đó. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm.
(Xem: 17467)
Đối với tôn giáo, để trở thành tín đồ, chúng ta phải trải qua nghi lễ theo tôn giáo mình theo quy định. Với Ấn Độ giáo, muốn trở thành tín đồ có đầy đủ tư cách học kinh Vệ đà, chúng ta phải trải qua lễ Upanayana (lễ đánh dấu thời điểm người con trai chính thức được giáo dục trong dòng tư tưởng Vệ đà). Với Cơ Đốc giáo, muốn trở thành con chiên chính thức, chúng ta phải trai qua lễ Baptism (lễ rửa tội). Cũng vậy, muốn trở thành người phật tử chính thức của Phật giáo, chúng ta phải tiếp thọ lễ Quy Y Tam Bảo.