Độ người hấp hối theo kinh tạng Nikāya
18 Tháng 7 2016 _ Chúc Phú
Hấp hối có nghĩa là gần chết. Có nhiều từ đồng nghĩa cùng biểu đạt cho trạng thái này như đang lâm chung, thời gian cận tử, lúc sắp chết… Độ ở đây mang ý nghĩa chuyển hóa, giúp người vượt qua, giáo hóa cho người.
Có một bài kinh thuộc Trung bộ mang tựa
đề Anāthapiṇḍikovāda suttaṃ được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là kinh Giáo
giới Cấp Cô Độc [1]. Tương đương với bản kinh này trong Hán tạng, thuộc bộ
Tăng-nhất A-hàm, cũng được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh dịch là kinh Độ người hấp
hối [2].
Thực ra, trong bộ Tăng-nhất A-hàm,
bản kinh tương đương kinh Trung bộ này không có tên kinh, mà được các nhà biên
tập Đại tạng kinh đánh dấu bản kinh theo số thứ tự [3]. Trong kinh Trung A-hàm,
cũng tồn tại một bản kinh tương đương kinh Trung bộ, khi dịch ra tiếng Việt,
Hòa thượng Tuệ Sỹ giữ nguyên tựa đề là kinh Giáo hóa bệnh (教化病)[4].
Ở đây, theo nguyên tác Pāli hay
Hán tạng của bản kinh này, sự gần giống nhau của cụm từ giáo hóa và giáo giới
của hai bản dịch nêu trên, có lẽ sát nghĩa với từ vāda, có căn ngữ vad, có
nghĩa là nói, giảng thuyết[5].
Cần thấy rằng, trong kinh tạng
Nikāya, có rất nhiều bài kinh liên quan đến việc giáo hóa người đang hấp hối,
từ hàng cư sĩ cho đến bậc xuất gia, và cũng từ đây đã mở ra nhiều phương cách
yểm trợ cho người hấp hối. Do vậy, việc gắn thêm tựa đề Độ người hấp hối đối
với một bản kinh trong bộ Tăng-nhất A-hàm thuộc hệ Hán tạng, tương đương với
kinh Ānathapiṇḍikovāda suttaṃ dễ tạo ra hiểu lầm về giới hạn các giải pháp độ
người hấp hối. Điều này sẽ được chúng tôi làm sáng tỏ hơn trong chuyên khảo
dưới đây.
1. Vai trò quan trọng của tâm thanh tịnh lúc cận tử
Ngoại trừ các bậc tự chủ lẽ sống
chết thì hầu hết chúng sanh đều không biết được thời điểm lâm chung của mình,
nên khó có thể tự chủ tâm tư khi hấp hối. Chính vì vậy, đã có những trường hợp
chết với lòng sùng kính hoan hỷ và cũng có những trường hợp phải từ bỏ xác thân
trong tâm thế đọa đày. Theo kinh Ví dụ tấm vải, Đức Phật dạy rằng, với tâm cấu
uế sẽ sanh về cõi ác và cõi lành sẽ mở ra với tâm thanh tịnh, an nhiên [6].
Khảo sát một vài trường hợp đặc biệt được ghi nhận trong kinh tạng Nikāya, đã
cho thấy tâm thế của người lâm tử có liên hệ đặc biệt đối với nơi sẽ thác sanh
về.
Thứ nhất, đó là trường hợp của Tôn
giả Pukkusāti. Đã từ lâu, Pukkusāti quy ngưỡng Đức Phật và tự mình xuất gia,
tuy chưa chính thức gặp Ngài, dù chỉ một lần. Nhân một chuyến du hành, cả hai
cùng lưu trú trong căn nhà của người thợ gốm Bhaggava. Tại đây, Pukkusāti lần
đầu tiên hạnh kiến Đức Phật, được nghe Đức Phật thuyết giảng và Tôn giả đã phát
tâm cầu thỉnh giới pháp. Trong thời gian đi tìm y bát để như lý tác pháp thọ
giới Tỳ-kheo, một con bò cuồng chạy, đoạt mất mạng sống của Tôn giả [7]. Đối
với trường hợp này, Đức Phật xác chứng rằng Pukkusāti đã chứng đệ tam Thánh
quả[8].
Thứ hai, có một phụ nữ nghèo đang
rang lúa, biết được Tôn giả Kassapa vừa xuất định sau bảy ngày miên mật thiền
tư, bà đã phát tâm cúng dường phần lúa ít ỏi của mình cho Tôn giả. Sau khi dâng
cúng xong và hoan hỷ trở về nhà với thiện sự vừa làm, trên đường đi, tín nữ bất
ngờ bị một con rắn độc cắn chết. Do vì chết trong tín tâm, cộng với thiện sự
vừa làm, nên tín nữ tức khắc sanh lên cõi trời Ba mươi ba với tên gọi mới là
thiên nữ Lājā [9].
Thứ ba, thân phụ của Tôn giả Soṇa
trước đây làm nghề săn bắn, về già ông bỏ nghiệp sát phát tâm xuất gia và trở
thành một vị Tỳ-kheo. Khi lâm chung, những ác nghiệp trong quá khứ diễn ra kinh
hoàng làm cho ông sợ hãi tột độ. Thấy vậy, Tôn giả Soṇa đã cho người khiêng cha
đến gần một bảo tháp, cắt những cành hoa rồi yêu cầu cha hướng tâm cúng hoa lên
tượng Phật và cây bồ-đề. Ngay khi ấy những cảnh tượng kinh hoàng kia biến mất
và sau đó ông được sanh Thiên [10].
Thứ tư, theo kinh Trung bộ,
Bà-la-môn Dhānañjāni là một người, vừa ỷ thế vua, bóc lột các Bà-la-môn gia
chủ, ỷ thế các Bà-la-môn gia chủ, bóc lột vua [11]. Vị Bà-la-môn này có thiện
cảm với Tôn giả Sāriputta trong bài thuyết giảng trước đó, mặc dù chưa phát tâm
quy y Tam bảo, nhưng lúc lâm chung, Bà-la-môn Dhānañjāni đã cho người mời Tôn
giả Sāriputta đến thăm mình. Tại tư thất Bà-la-môn Dhānañjāni, Tôn giả
Sāriputta trầm tư: Vị Bà-la-môn này rất luyến ái Phạm thiên giới. Vậy ta hãy
thuyết giảng con đường cộng trú với Phạm-thiên[12], để ngay đó, Bà-la-môn
Dhānañjāni đã mệnh chung và sanh lên Phạm thiên giới [13].
Thứ năm, trong kinh Đại bát
Niết-bàn, đã ghi nhận rằng, có bốn thánh tích, gọi là Tứ động tâm
(saṃvejanīyāni ṭhānāni cattāri), đó là chỗ Như Lai đản sanh, là nơi Như Lai
chứng Vô thượng Chánh giác, là nơi Như Lai thuyết pháp lần đầu tiên và là nơi
Như Lai nhập Niết-bàn[14]. Nếu như bất cứ ai, trong khi chiêm bái những Thánh
tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại
mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên[15]. Đây là một câu
điều kiện, với lưu ý quan trọng rằng, trong khi chiêm bái những Thánh tích
(Cetiyacārikaṁ āhiṇḍantā)[16], mà từ trần (kālaṁ) với tâm thâm tín hoan hỷ
(pasannacittā), thì mới được sanh vào cảnh giới chư Thiên (saggaṃ lokaṃ)[17].
Như vậy, tính chất và sự chuyển
vận của tâm thức lúc cận tử có ý nghĩa quan trọng trong việc thọ sanh. Ngoài
năm nguồn tư liệu nêu trên, thì tác phẩm Thắng pháp tập yếu luận cũng khẳng
định rõ việc này[18]. Ở đây, việc giữ gìn tâm thức cận tử an trú trong Chánh
pháp, bên cạnh nỗ lực chủ yếu của chính cá nhân, thì người thân và bằng hữu,
tùy theo hoàn cảnh cụ thể, vẫn có thể trợ duyên, làm cho người lâm tử có một
chốn an nhiên để sanh về. Trong kinh tạng Nikāya đã ghi nhận nhiều trường hợp,
cũng như nhiều cách thức độ người hấp hối.
2. Các phương thức độ người hấp hối
Tùy theo nghiệp lực dắt dẫn mà mỗi
người có một trạng thái hấp hối khác nhau. Chúng tôi sẽ khái quát và điểm qua
những phương thức độ người hấp hối tiêu biểu.
Hóa giải ước nguyện lúc lâm chung
Với một số người, đôi khi ôm ấp
những tâm nguyện mà mãi đến cuối đời vẫn chưa thể hoàn thành, và tâm nguyện đó
bất chợt được thổi bùng lên trong lúc lâm chung. Trong vai trò yểm trợ người
hấp hối, tùy theo từng loại tâm nguyện, tùy theo hoàn cảnh thực tế, chúng ta
tìm cách giúp người hấp hối tháo gỡ những tâm nguyện này. Tháo gỡ không mang
nghĩa đáp ứng mọi loại tâm nguyện, mà có thể giúp người hấp hối nhận ra những
tâm nguyện tốt thì nên duy trì, và những tâm nguyện sai thì cần phải buông bỏ.
Trước hết, với người cư sĩ tại
gia, do đặc thù của đời sống nên cũng có lắm ưu tư lúc cuối đời. Câu chuyện vợ
giúp chồng tháo gỡ những lo toan khi bệnh nặng tưởng chừng sắp chết của gia
đình Nakula, là một trường hợp đáng suy gẫm. Đặc thù của đoạn hội thoại này là
người vợ giả định những ưu tư của chồng, và cũng tự mình đưa ra hướng giải
quyết. Xin lược nêu câu chuyện an ủi đó như sau:
1- Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau
khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa”.
- Thưa gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa gia chủ, sau khi
gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa.
2- Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của
Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác”.
- Thưa gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, gia chủ cũng đã biết,
trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành Phạm
hạnh như thế nào.
3- Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của
Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn
muốn yết kiến chúng Tăng”.
- Thưa gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mệnh chung, tôi sẽ
muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn.
4- Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của
Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ”.
- Thưa gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, cho đến khi nào, các nữ
đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn chứng được nội tâm tịnh chỉ, tôi sẽ
là một trong những vị ấy.
5- Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của
Nakula, trong Pháp và Luật này không đạt được thể nhập, không đạt được an trú,
không đạt được thoải mái, không vượt khỏi nghi hoặc, không rời được do dự,
không đạt được vô úy, còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy Đức Bổn Sư”.
- Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ
đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn, trong Pháp và Luật này đạt được thể
nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự,
đạt được vô úy, không phải nhờ người khác sống trong lời dạy Đức Bổn Sư, tôi sẽ
là một trong những người ấy[19].
Sau những lời động viên, an ủi
chuyên chở chất liệu từ mẫn của người phối ngẫu, đặc biệt là bảy lần nhắc lại
lời Đức Phật: Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến, cha
của Nakula đã bất ngờ lành bệnh và vượt qua cái chết. Khi biết được câu chuyện
này, Đức Phật đã tán thán Nakulamātā, xem bà là một trong mười nữ đệ tử tại gia
nói chuyện thân mật một cách tối thắng[20].
Trong những trường hợp khác, người
yểm trợ cùng tùy theo ước nguyện của người lâm chung để an ủi. Chẳng hạn như:
- Nếu vị ấy nói: “Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ”, thời nên nói với
vị ấy như sau: “Thưa Tôn giả, Tôn giả thế nào cũng phải chết. Dầu Tôn giả có
lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương
nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương
nhớ đối với cha mẹ của Tôn giả”.
- Nếu vị ấy nói: “Tôi có lòng thương nhớ vợ con”, thời vị ấy cần phải
được nói như sau: “Tôn giả thế nào cũng chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ
vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ vợ con, Tôn
giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với vợ
con của Tôn giả” [21].
Từ những trường hợp cụ thể này,
liên hệ đến hoàn cảnh thực tế của người cư sĩ thời nay, chúng ta có thể linh
động về phương diện nội dung, nhằm hóa giải ưu tư của người sắp mất một cách
hiệu quả nhất.
Với người xuất gia, đành rằng
không có những lo toan như thế tục, nhưng đôi khi cũng có những tâm nguyện vi
tế, và chúng đã tồn tại ngay cả lúc lâm chung. Đoạn hội thoại trong kinh Tương
ưng (S.iii,119), giữa Đức Phật và Tỳ-kheo Vakkali đang hấp hối, tiêu biểu cho
trường hợp này:
- Này Vakkali, ông có gì phân vân, hối hận không?
- Bạch Thế Tôn, thật sự con có nhiều phân vân, có nhiều hối hận!
- Này Vakkali, ông có gì tự trách mình về giới luật không?
- Bạch Thế Tôn, con không có gì tự trách mình về giới luật.
- Này Vakkali, nếu ông không có gì tự trách mình về giới luật, vậy ông có gì
phân vân, có gì hối hận?
- Đã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn. Nhưng thân con
không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn.
- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này
Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này
Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta. Đang thấy Ta, là thấy Pháp[22].
Từ câu chuyện trên đã cho thấy,
Đức Phật luôn quan tâm và lắng nghe tâm nguyện của chúng sanh nói chung lúc
cuối đời. Trong trường hợp Tỳ-kheo Vakkali, Đức Phật đã chỉ ra tâm nguyện đó
vẫn còn vướng mùi tục lụy, và Ngài đã trang bị một nhận thức mới cho Tỳ-kheo
Vakkali.
Có thể nói, quan tâm đến tâm
nguyện lúc cuối đời của người hấp hối là một phương cách sống đượm tính nhân
văn, làm cho đời sống không có nhiều dư tàn sau khi quá vãng. Tùy theo từng
loại tâm nguyện lúc cuối đời của từng người mà định hình nên những phẩm tính
giá trị của đời sống. Ngay như triết gia Socrates (470-399 B.C), sau khi uống
ly thuốc độc của thể chế dân chủ Athena, trước thời khắc biệt ly, còn dặn dò
học trò hãy thay thầy trả dùm con gà trống mà mình còn nợ Aesculapius[23].
Trong các loại tâm nguyện của
người sắp mất, việc nhận ra đâu là tâm nguyện chính đáng và ngược lại, đòi hỏi
người yểm trợ phải có một tuệ giác nhất định. Mức độ tuệ giác của người yểm trợ
đôi khi góp phần quyết định sự đọa lạc hay thăng hoa cho người hấp hối.
Như vậy, việc tháo gỡ hợp lý những
tâm nguyện lúc cuối đời của người hấp hối, là một trong những giải pháp trợ tử
mang tính nhân văn, mà chính bản thân Đức Phật đã từng thực hiện.
Trang bị nhận thức về Tứ bất hoại tín và Tam pháp ấn
Thân vương Mahānāma là người khơi
mở nhiều nhân duyên để Đức Phật có nhiều bài pháp quan trọng dành cho hàng cư
sĩ[24]. Ông có nhiều trăn trở gắn với đời sống thực tế của người tại gia mà mỗi
khi gặp Phật, ông đều đem ra thưa hỏi. Câu hỏi dưới đây của ông là một trong
những minh chứng đó:
- Bạch Thế Tôn, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được
một cư sĩ có trí giáo giới như thế nào?
Từ câu hỏi này, Đức Phật đã chỉ dạy một phương pháp quan trọng có thể sử dụng
độ người hấp hối:
- Này Mahānāma, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được
an ủi với bốn pháp an ủi như sau (assāsaniya dhamma):
Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh
tín bất động của Tôn giả đối với Đức Phật: “Đây bậc Ứng Cúng, Chánh Biến
Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng
Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh
tín bất động của Tôn giả đối với Pháp: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết
thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng,
được người trí tự mình giác hiểu”.
Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh
tín bất động của của Tôn giả đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử
của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử
của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám
chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn
trọng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.
Tôn giả hãy yên tâm, với các giới
của Tôn giả được các bậc Thánh ái kính không bị phá hoại, không bị đâm cắt,
không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán
thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.
Một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn,
bị trọng bệnh, này Mahānāma, phải được một cư sĩ có trí giáo giới với bốn pháp
an ủi này. Cần phải nói như vậy[25].
Bốn pháp này còn được gọi là Tứ
bất hoại tín (bốn niềm tin bất hoại), Tứ chủng chứng tịnh (bốn niềm tin trong
sạch tuyệt đối: cattaro aveccappasādā), tức là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và
tin Giới. Thành tựu được bốn pháp này, người hấp hối sẽ không bị đọa lạc, chứng
quả Dự lưu và sẽ thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn[26].
Thông thường, Tứ bất hoại tín do
tha nhân thuyết giảng cho người lâm chung, tuy nhiên, đối với cư sĩ Citta là
một trường hợp đặc biệt.
Theo kinh Tương ưng (S.iv, 302),
trong thời khắc mệnh chung, cư sĩ Citta được chư Thiên vây quanh trợ niệm, đó
là các vị chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên ở
rừng các dược thảo, các cây trong rừng[27]. Cuộc trao đổi giữa các vị chư Thiên
và cư sĩ Citta rất mực kỳ thú:
- Này gia chủ, hãy nguyện: ‘Trong tương lai, ta sẽ thành vua Chuyển luân
Thánh vương’”. Cho nên tôi (Citta - người viết chú) mới trả lời với họ: ‘Cái ấy
là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua’” [28].
Sau đó, mặc dù nằm trên giường
bệnh, nhưng trước yêu cầu của đông đảo chư Thiên và bà con thân quyến, cư sĩ
Citta đã giảng về niềm tin vững chắc vào ba ngôi Tam bảo và sau đó còn căn dặn:
Tất cả những gì có thể đem cho trong gia tộc, tất cả phải đem cúng dường, phân
phát cho những vị trì giới và có thiện tánh [29]. Khi gia chủ Citta khiến cho
các bạn bè thân hữu, các bà con huyết thống có tịnh tín đối với Đức Phật, đối
với Pháp, đối với chúng Tăng và khuyên họ bố thí, vị ấy liền mệnh chung[30].
Từ đây có thể thấy, mặc dù đang
hấp hối, nhưng trước cầu thỉnh của chư Thiên và thân quyến, cư sĩ Citta vẫn nỗ
lực thuyết bài pháp cuối cùng. Chính vì vậy, cư sĩ Citta được Đức Phật tán thán
là một trong mười vị nam cư sĩ tối thắng, với mỹ hiệu: thuyết pháp tối
thắng[31].
Trong đời sống ngày nay, để đạt
được niềm tin bất động đối với Tam bảo và Thánh giới là điều rất khó. Tuy
nhiên, từ lời dạy của Đức Phật, từ gương sáng của các vị cư sĩ tối thắng nêu
trên, chúng ta có thể vận dụng bằng nhiều cách để người hấp hối hoàn thiện,
củng cố phẩm chất đạo đức cơ bản của mình (ngũ giới, Bồ-tát giới, Tỳ-kheo
giới…), và giữ vững niềm tin Tam bảo đến mức cao nhất có thể. Trong thực tế
hiện nay, nội dung tương tự vẫn được các truyền thống Phật giáo vận dụng trợ
niệm cho người hấp hối, nhưng mang nhiều biến tấu khác biệt so với kinh văn.
Bên cạnh việc củng cố và trang bị
cho người hấp hối Tứ bất hoại tín; trong nhiều trường hợp, Đức Phật còn triển
khai nội dung Tam pháp ấn khi ai đó đang lâm chung.
Kinh Tương ưng (S.iv, 46) ghi, có
một vị Tỳ-kheo bị trọng bệnh, ít người biết đến, được Đức Phật quang lâm vấn
bệnh. Ngài hỏi:
Ông nghĩ thế nào, này Tỳ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
- Là vô thường, bạch Thế Tôn...
- Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là thường hay vô thường?
- Là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là:
“Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Thấy vậy, này Tỳ-kheo, bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt...
“... không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Thế Tôn thuyết như vậy, Tỳ-kheo ấy
hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được nói lên,
Tỳ-kheo ấy khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: “Phàm cái gì sanh khởi, tất cả
đều chịu sự đoạn diệt” [32].
Có thể thấy, nội dung giáo giới
cho vị Tỳ-kheo đang lâm bệnh nặng trong đoạn kinh trên chính là Tam pháp ấn.
Nhận thức đầy đủ về Tam pháp ấn giúp cho người hấp hối không còn tham lam hay
chấp thủ về thân. Vì càng ít luyến ái thì càng vơi chấp thủ. Mức độ giải thoát
của mỗi chúng sanh chủ yếu căn cứ vào hai tiêu chí này. Theo khảo sát, Tam pháp
ấn được trình bày sinh động và đầy đủ nhất trong bài kinh Vô ngã tướng
(Anattalakkhaṇa Suttaṃ). Đây là bài pháp thứ hai mà Đức Phật thuyết giảng cho
năm anh em Kiều Trần Như sau khi thành đạo[33].
Từ cơ sở này cho thấy, trong việc
yểm trợ cho người hấp hối thì có thể khai triển giáo nghĩa Tứ bất hoại tín hay
Tam pháp ấn, hoặc trì tụng bài kinh Vô ngã tướng nhiều lần. Sau khi đối khảo
nhiều bản dịch khác nhau, chúng tôi cho rằng bản dịch kinh Vô ngã tướng theo
dạng thi kệ (gātha) trong Nghi thức tụng niệm của hệ phái Phật giáo khất sĩ
Việt Nam, rất phù hợp trong việc trợ duyên cho người hấp hối[34].
Vài phương cách trợ tử không thông dụng
Không chấp thủ (na upādiyissāmi)[35]
Đại thương gia Anāthapiṇḍika là
người trưởng thành và tắm gội trong Phật pháp; có đến 18 bản kinh được ghi nhận
liên quan đến ông[36]. Khi lâm chung, ông được ngài Sāriputta thuyết giảng bằng
một bài pháp có nội dung sâu sắc.
Bài thuyết giảng của Tôn giả
Sāriputta mang tên Anāthapiṇḍikovāda suttaṃ, được Hòa thượng Thích Minh Châu
dịch là kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, là kinh số 143, thuộc Trung bộ.
Do vì thương gia Anāthapiṇḍika đã
thành tựu quả vị Dự lưu trong cuộc hội kiến với Đức Phật ở thành Rajaghaha[37],
chính vì vậy bài thuyết giảng của Tôn giả Sāriputta dành cho Anāthapiṇḍika khi
ông lâm chung, chỉ tập trung vào một vấn đề quan trọng duy nhất, đó chính là
quan điểm không chấp thủ (na upādiyissāmi). Suốt cả bài kinh, cụm từ không chấp
thủ được nhắc đến 48 lần.
Theo kinh, sau khi thăm hỏi tình
trạng bệnh tình, Tôn giả Sāriputta lần lượt khuyên bảo Anāthapiṇḍika không nên
chấp thủ sáu căn, sáu trần, sáu thức… cho đến không nên chấp thủ ngũ đại, tứ
thiền, cả thế giới này hay thế giới khác. Bài thuyết giảng của Tôn giả
Sāriputta xoay quanh chủ điểm chính là không chấp thủ (na upādiyissāmi), với
những dẫn dắt và liên hệ sinh động.
Sau khi nghe xong bài thuyết pháp,
thương gia Anāthapiṇḍika đã ngạc nhiên thưa với Tôn giả Sāriputta:
- Dầu cho Bậc Đạo sư được con hầu hạ đã lâu và dầu con đã từng gần gũi các vị
Tỳ-kheo tu tập ý lực, con chưa từng được nghe một thời thuyết pháp như vậy.
- Này cư sĩ, thuyết pháp như vậy không nói cho các hàng cư sĩ mặc áo trắng. Này
cư sĩ, thuyết pháp như vậy nói cho các hàng xuất gia.
- Vậy thưa Tôn giả Sāriputta, hãy thuyết pháp như vậy cho hàng cư sĩ mặc áo
trắng. Thưa Tôn giả Sāriputta, có những thiện gia nam tử sanh ra với cấu uế
không nhiều, nếu không được nghe pháp, sẽ bị đọa lạc; nhưng nếu được nghe, họ
có thể biết được (Chánh) pháp[38].
Quả đúng như Tôn giả Sāriputta đã
nói, quan điểm không chấp thủ được Đức Phật dạy cho Tỳ-kheo vô danh khi vị ấy
lâm bệnh. Kinh Tương ưng (S.iv, 47) ghi:
Này Tỳ-kheo, nếu ông không hiểu pháp
Ta dạy về mục đích thanh tịnh trì giới, thời này Tỳ-kheo, ông hiểu pháp Ta dạy
như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, con hiểu pháp Thế Tôn dạy là với mục đích tịch tịnh hoàn toàn,
không chấp thủ.
- Lành thay, lành thay, này Tỳ-kheo! Lành thay, này Tỳ-kheo! Ông hiểu pháp Ta
dạy là với mục đích tịch tịnh hoàn toàn, không có chấp thủ[39].
Quan điểm không chấp thủ còn được
Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh trong trường hợp lâm chung hết sức đặc dị của Tôn
giả Channa, do vì bệnh tật quá đau đớn nên Tôn giả đã dùng dao tự sát. Ngài
Sāriputta nghi vấn về sanh thú và đời sau của Tôn giả Channa, nên được Đức Phật
giải thích:
Này Sāriputta, với sự việc như
vậy, Ta không nói Channa là có lỗi. Này Sāriputta, ai bỏ thân này và chấp thủ
thân khác; người ấy, Ta nói là có lỗi. Nhưng Tỳ-kheo Channa thời không vậy[40].
Sở dĩ Đức Phật khẳng định như vậy vì trước đó, Tôn giả Channa đã thành tựu tuệ
tri: Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải
tự ngã của tôi[41].
Việc nỗ lực tu tập để thành tựu
tâm không chấp thủ (na upādiyissāmi) mang một ý nghĩa quan trọng lúc còn sống
và ngay cả khi hấp hối. Vì khi chấp thủ bị bẻ gãy, thì chuỗi 12 nhân duyên sẽ
rời ra, và người hấp hối sẽ chạm ngõ giải thoát.
Sáu minh phần pháp (cha vijjā bhāgiye dhamme)
Cư sĩ Dīghāvu là một người thân
cận Tam bảo, đã đắc quả Dự lưu. Khi bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, ông đã
nhờ cha tên là Jotika đến tinh xá Trúc Lâm cầu thỉnh Đức Phật quang lâm tư gia
vì lòng từ mẫn.
Sau khi thăm hỏi bệnh tình, Đức
Phật trùng tuyên Tứ bất hoại tín mặc dù cư sĩ Dighāvu đã thành tựu trước đó.
Sau đây, Đức Phật dạy thêm:
- Do vậy, này Dīghāvu, sau khi ông đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, ông hãy
tu tập thêm sáu minh phần pháp (cha vijjā bhāgiye dhamme).
- Ở đây, này Dīghāvu, ông hãy trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ
tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán
tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt[42].
Sáu minh phần pháp này có thể tìm
thấy rải rác trong kinh Tăng chi, từ chương 6 pháp đến chương 9 pháp. Trong
kinh Phúng tụng số 33, thuộc Trường bộ, sáu minh phần pháp này còn được gọi là
Sáu quyết trạch phần tưởng: Vô thường tưởng, khổ tưởng trên vô thường, vô ngã
tưởng trên khổ, đoạn tưởng, vô tham tưởng, diệt tưởng[43].
Sáu minh phần pháp này là pháp tu
bậc cao, phần lớn chỉ dành cho giới xuất gia hoặc bậc thượng căn thượng trí.
Chỉ xét riêng minh thứ nhất, tức quán vô thường trong tất cả hành, đã cho thấy
điều này:
Thật vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo
nào thấy bất cứ hành nào là vô thường, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận,
sự kiện này có xảy ra. Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh
quyết định, sự kiện này có xảy ra. Nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ
quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này có xảy
ra[44].
Ở đây, riêng trong trường hợp Đức
Phật dạy cho cư sĩ Dīghāvu sáu minh phần pháp (cha vijjà bhàgiye dhamme), vì
ông ta là một trong những đệ tử tại gia có căn tánh thông tuệ, được Đức Phật
xác tín:
Hiền minh, này các Tỳ-kheo, là cư
sĩ Dīghāvu! Cư sĩ Dīghāvu thực hiện các pháp và tùy pháp, không làm phiền nhiễu
Ta với những kiện tụng về pháp. Cư sĩ Dīghāvu, sau khi đoạn diệt năm hạ phần
kiết sử, được hóa sanh nhập diệt ở tại đấy, không còn trở lui thế giới này
nữa[45].
Từ trường hợp lâm chung của thương
gia Anāthapiṇḍika và cư sĩ Dīghāvu, đã xác tín rằng, thời Phật tại thế, có
nhiều cư sĩ tại gia với căn cơ ưu thắng. Không những vậy, căn cứ vào nội dung
thuyết giảng dành cho hai vị cư sĩ đặc biệt này đã cho thấy, đây là những pháp
tu tập bậc cao, không thể dễ dàng vận dụng trợ niệm cho số đông quần chúng.
3. Kết luận
Theo quan điểm Phật giáo, nghiệp
có thể thay đổi. Dù chỉ thay đổi nghiệp lực một chút nhỏ nhoi, nhưng theo chiều
hướng tích cực, thì người đệ tử Phật vẫn nỗ lực thực hành. Trong kinh Pháp cú,
Đức Phật đã khích lệ việc này[46]. Việc độ người hấp hối tuy chỉ mang tính trợ
duyên nhưng cũng nằm trong ý nghĩa đó.
Theo tư liệu đã dẫn, việc độ người
hấp hối đúng với nghĩa đen của cụm từ này. Tức là những hoạt động trợ niệm diễn
ra khi người ấy còn sống, khi các chỉ số sinh tồn (vital signs) còn được ghi
nhận, khi người lâm tử còn có ý thức phản hồi. Kinh văn Nikāya không ghi nhận
hoạt động trợ niệm sau khi chết.
Từ những khảo sát ở trên cho thấy,
có năm nội dung cơ bản trong việc trợ duyên cho người hấp hối.
Thứ nhất, lắng nghe, an ủi và tháo gỡ tâm tư của người sắp chết.
Thứ hai, trùng tuyên những giới luật mà người sắp chết đã thọ, củng cố những sút kém về giới luật, nếu có, bằng các hình thức sám hối[47].
Thứ ba, định hướng người sắp mất vững niềm tin Tam bảo.
Thứ tư, triển khai giáo nghĩa Tam pháp ấn, hoặc trì tụng bài kinh Vô ngã tướng nhiều lần.
Thứ năm, bằng những dẫn dụ cụ thể,
khuyên người hấp hối từ bỏ luyến ái và chấp thủ. Đây là những phương cách độ
người hấp hối được ghi nhận từ kinh tạng Nikāya.
Độ người hấp hối tuy chỉ là phương
cách mang tính trợ duyên, nhưng do chuyên chở chất liệu thương yêu, nên đã tạo
ra những giá trị đặc thù của Phật giáo.
Chú thích
(1) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012,
tr.601-606.
(2) http://langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-van/kinh-do-nguoi-hap-hoi.
(3)大正藏第
02 冊
No. 0125 增壹阿含經, 卷第四十九, 非常品, 八.
(4) Kinh Trung A-hàm, tập 1, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB.Phương Đông, 2009,
tr.263-279.
(5) M.Monier-Williams. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj
Books, 2014. p.939.
(6) Nguyên văn: Cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế…Cõi thiện chờ đợi một tâm không
cấu uế. Xem, Kinh Trung bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012,
tr.61.
(7) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.588.
(8) Ibid.
(9) Tích truyện Pháp cú, tập 2, Viên Chiếu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.135-137
(10) Pa-Auk Tawya Sayadaw. The Workings of Kamma. Helicon Publishing and
Penguin Books Ltd: 1996, p.196.
(11) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.225.
(12) Con đường cộng trú với Phạm thiên là phải hoàn thiện bốn phẩm chất cao
quý: Từ, Bi, Hỷ và Xả. Ibid, tr.234.
(13) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.235.
(14) Kinh Trường bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.328.
(15) Ibid.
(16) Tỳ-kheo Thanissaro dịch cụm từ này là: on such a pilgrimage. Tác giả
Maurice Walshe dịch là: while making the pilgrimage. Cf: The Long Discourses of
the Buddha -Maha-parinibbana sutta. trans. Maurice Walshe. Boston: Wisdom
Publications, 1995. p.264.
(17) Có ba yếu tố hiện diện đầy đủ mới được sanh thiên giới. Thứ nhất là trong
khi chiêm bái thánh tích, thứ hai là với tâm thâm tín cao độ và thứ ba chết
trong khi đang chiêm bái. Vì lẽ, nếu như chiêm bái thánh tích, nhưng trong tâm
không khởi lòng thâm tín, dù có chết tại chỗ ấy thì cũng không thể sanh thiên.
Trong một trường hợp khác, đã từng chiêm bái thánh tích và đã khởi tín tâm ngay
khi đó, nhưng khi lâm chung mà tâm tư tán loạn, thì cũng không thể sanh thiên.
(18) Theo Thắng pháp tập yếu luận, HT.Thích Minh Châu dịch và giải, chương năm,
nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng, thì: Gatinimitta (Thú tướng) là một hình
tướng gì của cảnh giới mà người ấy sắp được tái sanh, một sự kiện luôn luôn xảy
ra với người sắp chết. Nếu là một hình tướng không tốt đẹp, thời có thể thay
đổi chúng bằng cách ảnh hưởng đến tư tưởng của người sắp chết, và như vậy thiện
niệm của người ấy biến thành cận tử và thay thế cho sanh nghiệp của người ấy.
(19) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015,
tr.43-45.
(20) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015,
tr.63.
(21) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo,
2013, tr.771-772.
(22) Ibid, tr.743-744.
(23) The Phaedo of Plato. Harold Williamson, B.A Ed. New Yord: The Macmillan Company,
1904. p. 245. Cf: Pay a cock to Aesculapius.
(24) Nhờ ông, Đức Phật đã định nghĩa thế nào là cư sĩ: Bạch Thế Tôn, cho đến
như thế nào là người cư sĩ? - Này Mahānāma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy
y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahānāma, là người cư sĩ. Xem, kinh Tăng chi
bộ, tập 3, chương 8 pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahānāma, VNCPHVN, 1996,
tr.584.
(25) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo,
2013, tr.771.
(26) Ibid, tr.744.
(27) Ibid, tr.353.
(28) Ibid, tr.354
(29) Quan điểm chia sẻ vật dụng của người hấp hối, hoặc vì người hấp hối bố thí
tài sản thường xuất hiện trong kinh điển Bắc truyền. Đây là trường hợp hiếm hoi
xuất hiện trong kinh tạng Nikāya.
(30) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013,
tr.354 .
(31) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015,
tr.62.
(32) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013,
tr.143.
(33) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013,
tr.694-696.
(34)
http://daophatkhatsi.vn/giao-phap-khat-si/kinh-tung/2841-kinh-vo-nga-tuong.html.
(35) http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sltp/MN_III_utf8.html#pts.258.
(36) Nyanaponika Thera & Hellmuth Hecker. Great Disciple of the Buddha.
Bhikkhu Bodhi, Edited. Boston: Wisdom Publications, 2003. p. 360.
Nguồn: Nguyệt san Giác ngộ Online.
(37) Cullavagga, chương Sàng tọa thứ 6, tụng phẩm thứ nhì, câu 250. Tỳ-kheo
Indacanda Nguyệt Thiên dịch.
(38) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012,
tr.604-605.
(39) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013,
tr.143-144.
(40) Ibid, tr. 153.
(41) Ibid, tr. 152.
(42) Ibid, tr.724.
(43) Kinh Trường bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 674.
(44) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015,
tr.164.
(45) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013,
tr.724.
(46) Nguyên văn: Chớ chê khinh điều thiện/ Cho rằng “Chưa đến mình”/ Như nước
nhỏ từng giọt/ Rồi bình cũng đầy tràn/ Người trí chứa đầy thiện/ Do chất chứa
dần dần. Xem, kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015,
tr.59.
(47) Trong tang lễ hiện nay của người xuất gia, có mục Bố-tát, tức tụng giới.
Thực ra, việc tụng giới sẽ có ý nghĩa hơn nếu như người hấp hối còn nghe được
giới pháp. Vì khi ấy, tâm của người hấp hối có khả năng chuyển biến tích cực và
đó là mục tiêu chính của hoạt động trợ niệm. Trong tang lễ của người tại gia
không có mục tụng giới. Theo chúng tôi, nếu như cư sĩ đó đã từng thọ Tam quy và
giữ năm giới, thì cần nên nhắc lại khi người ấy hấp hối. Trong trường hợp người
hấp hối tự nhận giới bị sút kém, thì nên hướng họ thành tâm sám hối. Ngay như
Devadatta, tuy phạm trọng tội, nhưng nhờ tâm niệm sám hối lúc cuối đời, nên đã
mở ra con đường bước lên Thánh quả.
Nguồn: Nguyệt san Giác ngộ Online