-Phần 03-4_Bài pháp thoại buổi tối

Sunday, February 23, 201412:00 AM(View: 11478)

Phần 03_4

Bài pháp thoại buổi tối

Bảy yếu tố giác ngộ

Phương pháp truyền dạy của đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đây đã mang tánh cách mô phạm. Ngài truyền dạy bằng cách thuyết giảng. Đức Phật đã đi khắp nơi trên đất nước Ấn Độ trong hơn bốn mươi năm, và nơi nào ngài ghé qua người ta đều tìm đến để nghe thuyết giảng. Có nhiều người đạt được giác ngộ chỉ nhờ nghe đức Phật giảng dạy.

Những bài giảng tương tự như phương pháp giảng của đức Phật, trình bày về một quan điểm đạo lý hay một phương cách thực hành thiền tập, thường được gọi là “pháp thoại”. Những bài pháp thoại này đã trở thành một truyền thống mới trong các khóa tu thiền quán ngày nay. Các thiền sinh rất thích những buổi pháp thoại. Cũng giống như những bữa ăn, pháp thoại là những giờ rất thú vị so với những chương trình khá đều đặn khác.

Khi tôi mới bắt đầu đi hướng dẫn các khóa tu, tôi rất ngạc nhiên khi thấy mình rất do dự khi phải nói pháp thoại. Tôi mất đi sự tự tin thường ngày của mình. Giảng dạy về giáo lý đạo Phật rất khác với việc giảng về môn tâm lý học phát triển mà tôi vẫn thường đi dạy trước đó. Khi đi giảng về những môn tâm lý học của cuộc đời, tôi cảm thấy mình có một mối liên kết chiều ngang với những giảng sư cùng thời với tôi. Khi đi giảng dạy về thiền quán, đột nhiên tôi cảm thấy như có một sự liên kết chiều dọc với biết bao nhiêu đức Phật trong quá khứ. Tôi cảm thấy kinh sợ. Nhưng dầu sao đi nữa, người ta cũng đã được giác ngộ chỉ nhờ nghe đức Phật giảng. Và tôi cũng cảm thấy rất vinh dự.

Tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn về vấn đề giảng dạy khi thiền tập đối với tôi không còn là một điều gì bí mật nữa. Nó là một môn khoa học. Và hơn nữa, khi giảng về đạo Phật đòi hỏi ta phải biết kể chuyện, mà tôi lại là một người rất thích kể chuyện. Qua nhiều năm, khi nghe các vị thầy của tôi dạy, tôi đã nghe họ giảng đi giảng lại cùng một bài giảng ấy, và kể đi kể lại những câu chuyện ấy, biết bao nhiêu lần. Vì mọi bài giảng và mọi câu chuyện đều chứa đựng cùng một thông điệp - ta có thể có hạnh phúc ngay trong kiếp sống này, ngay trong thân này. Và tôi không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi nghe hoài một thông điệp ấy.

Bài pháp thoại mà tôi thích nhất nói về Bảy yếu tố giác ngộ, trình bày những khả năng tâm thức đặc biệt của một bậc giác ngộ. Lần đầu tiên khi nghe kể rằng những bậc có tuệ giác tỏa chiếu bảy đức tính này ra rất tự nhiên, và chúng hoàn toàn quân bình với nhau, tôi tự nghĩ: “Khó quá! Mình không bao giờ có thể được như vậy.” Nhưng khi nghe nói là mình cũng có thể nuôi dưỡng được những đức tính này, ta cứ việc thực tập, và rồi một ngày tự chúng sẽ hiển lộ, tôi cảm thấy đỡ lo hơn.

Dưới đây là một bài pháp thoại về phương cách nuôi dưỡng bảy yếu tố giác ngộ. Mời bạn đọc tiếp mỗi phần và dừng lại khi đến những bài thực tập, để bạn có dịp tự mình kinh nghiệm bảy yếu tố này.

Trong bảy yếu tố giác ngộ này - niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, an, định và xả - không có một yếu tố nào nằm ngoài phạm vi khả năng bình thường của chúng ta. Chúng vô cùng phổ biến. Ba yếu tố định, an và xả là những biểu hiện khác nhau của sự tĩnh lặng. Ba yếu tố hỷ, tinh tấn và trạch pháp là những biểu hiện khác nhau của sự tỉnh thức. Và yếu tố niệm, kinh nghiệm được rõ rệt giây phút hiện tại nhưng không phản ứng, vừa là một thành phần trong bảy yếu tố ấy, mà cũng vừa là sự tổng hợp cả sáu yếu tố kia.

Định

Tất cả chúng ta, ai cũng từng có những kinh nghiệm về định. Nó xảy ra rất tự nhiên mỗi khi sự chú ý của ta hoàn toàn bị thu hút vào một việc gì. Sự chú ý của ta trở thành nhất điểm và tập trung, ý niệm về thời gian của ta cũng bị biến đổi. Trạng thái này thường xảy ra với các nhạc sĩ, nhất là khi họ cùng chơi trong một dàn nhạc. Nó cũng xảy ra với những người trượt tuyết khi họ lao người xuống những con dốc cao. Nó xảy ra với những độc giả say mê theo dõi một câu truyện trinh thám, kinh dị... Họ có thể ngồi trên một chuyến bay khởi hành từ New York, rồi đột nhiên thấy mình đáp xuống San Francisco lúc nào không hay. Hãy nhớ lại, những lúc bạn có kinh nghiệm định xảy ra rất tự nhiên. Nhớ lại xem cảm giác của định là như thế nào.

Bây giờ hãy tập trung chỉ vào hơi thở của mình mà thôi. Sau khi đọc xong bài hướng dẫn này, mời bạn đặt sách xuống và nhắm mắt lại. Hãy để cho hơi thở tự động xuất hiện với bạn, bất cứ nơi nào mà nó nổi bật nhất. Giữ cho sự chú ý của ta được tập trung. Cố gắng đừng để cho tư tưởng bị xao lãng đi nơi khác. Việc này đòi hỏi một sự cố gắng, đây không phải là một bài thực tập về thư giãn. Nhưng nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Nó gây dựng cho ta một ít định lực. Hãy dùng một đồng hồ báo hiệu, nếu bạn có. Ngồi yên trong vòng 10 phút.

Hỷ

Hỷ, trong thiền tập, là một trạng thái ý thức cao độ về những cảm giác trong thân ta. Trạng thái này sẽ tự phát sinh khi tâm ta tập trung. Tôi đã từng cảm nhận thấy cơ thể mình như bừng sống và sinh động lên khi tôi xem một cuộc bơi đua, khi nhìn một đứa bé mới sanh, hay khi gần một người đang hấp hối. Khi sự chú ý của ta tập trung và tỉnh táo, ý thức về năng lượng ở thân ta cũng sâu sắc thêm lên.

Trạng thái hỷ cũng phát sinh trong thiền tập. Trong những khóa tu, đôi khi những trạng thái hỷ lạc mạnh đến nỗi nó biểu lộ rất rõ với người chung quanh. Có thể bạn đã nhìn thấy và tự hỏi “Chà, sao người ấy lại lắc lư ngả người tới lui vậy. Hy vọng rằng mình sẽ không bị giống như thế!” hay “Người ấy làm gì mà cứ mỉm cười?” hoặc là “Tại sao người ấy lại khóc vậy?” “Mà sao lại chẳng có việc gì xảy đến cho tôi hết!”

Hỷ lạc có nhiều hình thức khác nhau và không phải ai cũng có kinh nghiệm giống nhau. Thường thì cảm giác hỷ lạc trong thiền tập rất nhẹ nhàng. Khi thân và tâm ta an tĩnh xuống, cơ thể ta sẽ được thư giãn. Các thiền sinh kể lại rằng họ cảm nhận một cảm giác ấm áp dễ chịu, hoặc tươi mát nhẹ nhàng, hoặc một sự rung động thanh nhẹ, hoặc có khi là một cảm giác bay bổng và rộng lớn. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một cảm giác nhè nhẹ như nổi da gà.

Hãy cảm nhận cảm giác hỷ lạc trong thân bạn ngay giây phút này. Ngồi cho thong thả nhưng thật yên. Cảm nhận toàn thân của bạn. Ghi nhận được năng lượng của nó. Lăn tăn? Rung động? Nóng? Lạnh? Nặng? Nhẹ? Hãy đem tất cả sự chú ý của bạn tập trung vào một phần nào riêng biệt trên cơ thể, ví dụ như cùi chỏ bên trái, hoặc mắt cá chân bên phải... Ghi nhận rằng khi bạn làm như vậy, phần cơ thể ấy sẽ phản ứng bằng cách gia tăng những cảm xúc. Nó như tỉnh thức dậy trong tâm ta.

Bây giờ bạn hãy làm theo thứ tự, bắt đầu từ bàn chân của mình và đi từ từ qua toàn thân cho đến đỉnh đầu. Hãy đánh thức toàn thân của mình dậy bằng ý thức. Hãy bắt đầu thực tập. Ngồi trong vòng 10 phút.

Khinh an

 Khinh an là một trạng thái phẳng lặng trong tâm. Tĩnh lặng cũng đồng nghĩa với an. Không xao động, không sóng gió cũng mang cùng một nghĩa đó.

Cách đây 15 năm, bà Dipa Ma, một nữ thiền sư nổi tiếng của Ấn Độ có sang thăm Hoa Kỳ. Những vị thầy của tôi đều là học trò bà, và họ rất muốn giới thiệu bà với chúng tôi, cũng như với các thiền sinh khác trong cộng đồng thiền tập Tây phương. Chúng tôi tổ chức những lớp thiền ở phòng khách của tôi, vì nó cũng khá lớn, có thể chứa được nhiều người.

Bà Dipa Ma rất nhỏ người, và thời gian đó, trong nhà tôi có nuôi một con chó Nhật giống akita rất to. Akita là một loại chó lông xù trông rất dữ dằn, mỗi khi khách đến nhà chơi đều ngại ngùng khi bước vào, và lúc nào họ cũng cần được sự bảo đảm của chúng tôi. Bà Dipa Ma thì cứ ngang nhiên đi thẳng vào nhà. Con Yuki chồm dậy để chào bà. Cả hai dường như tương đương nhau. Bà cao hơn, nhưng con chó to hơn. Bà để tay lên xoa đầu con chó thật tự nhiên. Trong bà có một sự an tĩnh và nó tỏa chiếu ra với bất cứ ai đến gần bà.

Một câu chuyện về sự an tĩnh mà tôi thích nhất là về cô bạn Anna. Cô ta cũng là một giáo thọ cùng dạy thiền với tôi tại Trung tâm thiền tập Spirit Rock. Rất nhiều năm trước, cô ta có tham dự một khoá tu thiền tích cực nhiều ngày. Trong thời gian này, cô đột nhiên khám phá ra “một trạng thái tâm thức hoàn toàn mới lạ”. Cô ta diễn tả rằng đây là một trạng thái rất mới lạ và cô chưa từng tiếp xúc bao giờ, rồi cô kể tiếp: “Mất một thời gian, tôi vẫn tự hỏi không biết nó là gì. Rồi đột nhiên tôi chợt hiểu rằng đây chính là sự an tĩnh.”

Thường thường mỗi lần cô Anna kể lại câu chuyện ấy, mọi người đều cười. Tôi nghĩ người ta cười có lẽ một phần nhờ tài kể chuyện khéo léo của cô. Phần còn lại, tôi nghĩ, là vì cái tình huống đáng thương của mỗi chúng ta. Chúng ta ý thức rằng, rất ít khi nào mình cảm thấy an tĩnh.

Thực tập cảm nhận sự an tĩnh

Ngồi cho yên, nhưng nhớ giữ cho toàn thân buông thư. Từ từ nhắm mắt lại. Bạn hãy chú ý đến hơi thở, dùng sự nhịp nhàng và thong thả của hơi thở để mang lại sự tĩnh lặng. Trong kinh Tứ niệm xứ (Bốn lãnh vực quán niệm), đức Phật có hướng dẫn như sau: “Tôi đang thở vào và làm cho toàn thân tôi trở nên an tĩnh. Tôi đang thở ra và làm cho toàn thân tôi được trở nên an tĩnh.” Bạn cũng có thể thực tập như vậy. Hãy ngồi trong vòng 10 phút.

Trạch pháp

Trạch pháp là một đặc tính của tâm thức muốn tìm hiểu, khám phá, học hỏi sâu sắc, trực tiếp với mọi kinh nghiệm, và tin rằng từ đó những bí mật sẽ được hiển lộ. Điều này đòi hỏi nơi ta một niềm tin.

Gần đây có một người tặng cho tôi quyển sách về những tấm hình lập thể (stereogram). Đó là những tấm hình vẽ mà mới nhìn qua tưởng như tác giả chỉ tùy tiện sắp đặt trên một mặt phẳng. Nhưng khi ta nhìn chúng ở đúng một khoảng cách và góc độ nào đó thì tấm ảnh như nhảy ra và hiển lộ thành một bức hình ba chiều. Tôi nhìn đi nhìn lại và cố tìm kiếm. Tôi để bức hình sát ngay trước mũi rồi từ từ kéo xa ra, theo như hướng dẫn, và thường thì không thấy gì xảy ra cả. Nhưng tôi cứ tiếp tục. Tôi có niềm tin vì nghe người bạn bảo tôi rằng: “Kìa, xem kìa! Ngay chỗ đó đó! Nhìn xuyên qua, phải thư giãn một chút!” Tôi biết “sự thật” là bức hình ấy xuất hiện, vì anh ta thấy được nó, và vì tôi cũng có thấy được trong vài tấm hình khác. Thế nên, tôi vẫn tiếp tục nhìn vào những tấm ảnh ấy như là lần này tôi sẽ thấy được. Tôi tiếp tục thực tập trạch pháp.

Đôi khi tôi bước vào một thời ngồi thiền cũng cùng với một thái độ ấy, như là tôi sắp sửa có được một tuệ giác sâu sắc nào đó. Tôi tự nhủ: “Nguyện cho tôi hiểu thấu được lý vô thường trong thời ngồi thiền này,” hoặc là: “Mong cho tôi hiểu rõ được lý tương tức.” Đôi khi tôi khám phá được những điều rất mới. Đôi khi không có gì xảy ra cả. Không phải mỗi lần quán chiếu ta đều khám phá được những điều mới, nhưng nếu không quán chiếu thì ta sẽ không bao giờ khám phá được điều gì cả.

Bạn hãy đọc những hướng dẫn sau đây về phương cách phát triển yếu tố trạch pháp, và thực tập theo.

Quan sát sự bắt đầu và sự chấm dứt. Ghi nhận rằng bất cứ hiện tượng nào, dù dài hay ngắn, cũng bắt đầu rồi chấm dứt. Bạn hãy bắt đầu với hơi thở của mình: “Hơi thở bắt đầu, hơi thở chấm dứt...” Bạn cũng có thể ghi nhận sự bắt đầu và chấm dứt của những cảm giác: “Ngứa ngáy có mặt, ngứa ngáy biến mất...” “Cái tê bắt đầu, cái tê chấm dứt...” Hãy ghi nhận xem tư tưởng bắt đầu rồi chấm dứt như thế nào, chúng cũng như những bảng đèn nhấp nháy và chớp tắt ở các đô thị lớn.

Sau một thời gian, nếu bạn có ý muốn nhìn sâu hơn nữa, bạn có thể chú ý xem hơi thở, cảm giác, hay tư tưởng của mình, chúng xuất phát từ đâu? Đi về đâu? Hoặc ai là chủ của chúng? Và cái gì ghi nhận chúng? Sự phân tích này không phải một mệnh lệnh cho ta phải cố tìm ra câu trả lời, mà là một sự sẵn sàng và cởi mở khi tuệ giác ấy khởi lên. Bây giờ, bạn hãy ngồi trong 10 phút.

Buông xả

Buông xả không có nghĩa là lúc nào ta cũng giữ cho mọi việc được quân bình. Nhưng nó là khả năng trở về một trạng thái an ổn ngay giữa một cuộc đời đầy xôn xao và phản ứng. Tôi không muốn lúc nào mình cũng phải tĩnh lặng cả. Truyền thống gia đình và văn hóa mà tôi lớn lên, cũng như giữa cuộc sống đầy những liên hệ này, tôi cần phải có những đáp ứng nhiệt tình và dám tiếp xúc. Tôi cười, tôi khóc, và tôi vui vì mình đã làm những việc đó. Điều quan trọng đối với tôi là khoảng thời gian nằm giữa những giai đoạn ấy.

Một trong những bài viết nghiên cứu về thiền tập đầu tiên mà tôi có dịp đọc, có lẽ vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, trình bày một cuộc thử nghiệm về sự xao lãng. Và nó cũng thử nghiệm về những phản ứng giật mình. Người ta chọn những hành giả thực tập những phương pháp thiền như là chánh niệm, và gắn những sợi dây từ máy đo điện não (EEG) vào người ấy. Trong thời gian ngồi thiền, não bộ của họ phát ra làn sóng alpha như dự đoán, rồi thỉnh thoảng người ta lại đột nhiên đánh lên một tiếng chuông, hay tạo một tiếng động lớn. Máy đo điện não ghi nhận được phản ứng giật mình của hành giả, nhưng họ rất nhanh chóng trở lại trạng thái tĩnh lặng với những làn sóng thư giãn và tập trung như trước.

Bạn hãy tưởng tượng mình là một trong những hành giả trong cuộc thử nghiệm đó. Để sách xuống. Nhắm mắt lại. Giữ cảnh giác. Quan sát tâm ta phản ứng đối với những kích thích - như là âm thanh bên ngoài, cảm giác và tư tưởng bên trong. Ghi nhận rằng mỗi khi ta có ý thức về chúng, tâm ta sẽ tự nhiên trở lại quân bình. Điều đó có thật. Bạn hãy thử đi rồi sẽ thấy. Hãy ngồi trong 10 phút.

Tinh tấn

Tôi xếp yếu tố tinh tấn về gần chót vì yếu tố này sẽ trở nên rất rõ rệt khi ta phát triển những yếu tố kia. Tinh tấn đôi khi còn được hiểu như là một sự ưa thích. Tôi nghĩ về nó như một sự hăng hái thực tập. Chữ nhiệt tâm có lẽ là đúng nghĩa nhất.

Tinh tấn là phản ứng của tâm trước một ý thức rằng sự thực tập sẽ mang lại cho ta một kết quả. “Coi nè! Tôi có thể tập trung được tâm ý của mình! Tôi rất là an lạc! Bây giờ tôi mới thật sự biết tĩnh lặng là gì! Tôi cảm thấy có một niềm hỷ lạc trong thân! Tôi chắc chắn là mình có thể làm được điều này.”

Nhiệt tâm tu tập gia tăng khi tôi phát nguyện không tự kể những câu chuyện trong đầu nữa và bắt đầu chú ý đến những kinh nghiệm đang xảy ra. Lúc đầu cũng phải phấn đấu lắm, vì tôi thấy những câu chuyện của mình rất hấp dẫn. Nhưng dần dần tôi khám phá rằng sự hỷ lạc do định phát sinh còn hấp dẫn hơn những câu chuyện của tôi nhiều. Những danh hài ngày xưa thường bắt đầu bằng câu “Nếu quý vị có nghe câu chuyện này rồi thì cho tôi biết, tôi sẽ ngưng kể...” Những câu truyện của tôi sẽ tự nó huỷ diệt lấy, vì tôi đã nghe hết cả rồi!

Tôi bắt đầu yêu thích sự thực tập. Niềm vui khi có mặt trong giờ phút hiện tại và sự hoan hỷ khi khám phá đường lối hoạt động của thân tâm mang lại cho tôi những kinh ngạc bất ngờ. Và tôi cũng bắt đầu hiểu được lời thầy tôi dạy khi ông thường hay nhắc nhở: Làm nhưng không làm gì cả.

Bây giờ hãy ngồi yên lại một lát. Có thể nhiệt tâm của tôi làm bạn thêm phấn khởi, và bạn cảm thấy tinh tấn muốn thực tập. Hãy xem nếu bạn có thể, nỗ lực thực tập gom hết tất cả những yếu tố ấy của tâm. Tập trung vào hơi thở, và tiếp đó dùng năng lượng của trạch pháp để nhìn thấy một cái gì mới lạ. Hãy có kỳ vọng là mình sẽ học được một cái gì. Trong khi bạn tập trung, và nhìn sâu sắc, cảm nhận toàn thân của mình. Thích thú với sự rung động của nó. Mỉm cười. Nụ cười của ta có năng lực chuyển hóa lớn lắm.

Niệm

Niệm là yếu tố thứ bảy trong bảy yếu tố giác ngộ. Tôi tưởng tượng một nhà hóa học có thể viết ra phương trình này cho chánh niệm:

định + khinh an + xả + hỷ + tinh tấn + trạch pháp = niệm

Nói cách khác, niệm là một sự ghi nhận quân bình và tỉnh táo về một kinh nghiệm hiện tại.

Trong cuộc sống hằng ngày, tất cả những yếu tố ấy thường ít khi có mặt đồng đều. Chúng ta có thể có nhiều an tĩnh hay ít an tĩnh, có nhiều tinh tấn hay ít tinh tấn. Việc ấy rất bình thường. Những năng lượng lúc nào cũng biến đổi trong thân tâm, và hoàn cảnh cũng thay đổi.

Hãy thực tập chánh niệm trong mỗi giây phút hiện tại, tiếp xúc với mỗi kinh nghiệm bằng một ý thức sáng tỏ và tĩnh lặng, điều đó sẽ giúp quân bình sáu yếu tố kia. Và khi ta làm tăng trưởng một trong sáu yếu tố ấy, nó cũng sẽ làm phát huy niệm lực. Bạn thấy có kỳ diệu không? Tôi thấy hay vô cùng! Ta không thể nào thực hành sai được.

Bây giờ bạn ngồi bao lâu cũng được, tùy ý. Hãy tự thưởng thức đi! Tiếp xúc mỗi kinh nghiệm với một ý thức sáng tỏ và tĩnh lặng.

Hướng dẫn kinh hành buổi tối

Bạn đã thực tập chánh niệm trong tất cả bốn lãnh vực mà đức Phật chỉ dạy trong kinh Tứ niệm xứ (Bốn lãnh vực quán niệm). Bạn chú ý đến cảm giác ở thân, chú ý đến cảm thọ, đến các trạng thái tâm thức và đến những tuệ giác. Đức Phật giảng về mỗi lãnh vực riêng rẽ, nhưng ngài không hề dạy rằng chúng riêng biệt và độc lập lẫn nhau. Thật ra chúng không hề và không thể tách rời nhau. Không có bất cứ một sự vật gì mà lại có thể riêng biệt và độc lập với những sự vật khác. Và bạn có thể cần thực tập cùng lúc bốn lãnh vực ấy.

Mỗi giây phút chánh niệm có thể được diễn tả bằng cảm giác đang có mặt trong thân. Trong khi ta kinh hành, thường thì cảm giác ở thân nổi bật hơn hết. Khi ta ngồi thiền, cảm giác ở thân có thể trở nên rất tinh tế và ta có thể cảm thấy dường như thân mình biến mất. Nhưng dầu sao đi nữa, ta vẫn có thể nhận diện và gọi tên được kinh nghiệm ấy.

Mỗi giây phút chánh niệm cũng có thể được nhận diện bằng trạng thái tâm thức của nó. Đôi khi, những thiền sinh mới cho rằng “trạng thái tâm thức” ở đây có nghĩa là những cảm xúc mạnh. Họ nói: “Hôm nay tôi không có một tâm thức đặc biệt nào khởi lên cả!” Những cảm xúc mạnh dễ nhận diện, trong khi chánh niệm về những tâm thức vi tế đòi hỏi một sự chú ý rất bén nhạy.

Mỗi giây phút chánh niệm cũng được đi kèm bằng một cảm thọ. Chúng ta thường có khuynh hướng ghi nhận những cảm thọ dễ chịu và khó chịu nhiều hơn là những cảm thọ có tính cách trung hòa, bởi vì chúng hấp dẫn ta hoặc cảnh báo ta, còn những cảm thọ trung hòa thì không có gì thích thú. Vì thế, tâm ta thường xao lãng.

Mỗi giây phút chánh niệm cũng là một cơ hội để ta tiếp xúc với chân lý.

Trong giờ kinh hành này, bạn hãy sử dụng cả bốn lãnh vực chánh niệm để quán chiếu kinh nghiệm của mình.

Trong những phút đầu, cho phép tâm ý ta an trú nơi những cảm giác trong thân. Cảm nhận toàn thân mình, cảm nhận bàn chân mình. Trong khi tiếp tục đi, bắt đầu ghi nhận những cảm thọ khởi lên: dễ chịu, khó chịu hay trung hòa. Rồi bắt đầu tự hỏi “Ta đang có một trạng thái tâm thức nào đây?” Thỉnh thoảng tự nhủ: “Cái gì là sự thật?”

Bạn có thể thay đổi bốn thấu kính ấy thường xuyên theo mỗi hơi thở, mỗi 5 phút, hay bất cứ lúc nào bạn muốn. Vì chỉ có một sự thật mà thôi.

Nhìn cùng lúc từ mọi phương diện sẽ cho ta một quang cảnh toàn diện nhất. Cũng giống như một bức tranh của Picasso, trong cùng một lúc bạn nhìn thấy mọi khía cạnh và cả từ trên đầu của một đối tượng.

Ngồi thiền buổi tối

Còn cách giác ngộ chỉ một dòng chữ

Sau đây là những hướng dẫn đặc biệt về cách ngồi thiền vào những khi bạn cảm thấy buồn ngủ.

Đức Phật dạy, ta cần có chánh niệm đủ để biết rằng mình thức dậy vào một hơi thở “vào” hay là hơi thở “ra.” Tôi không nghĩ rằng Phật chỉ nói về lúc ta thức dậy mỗi sáng. Thức dậy mỗi khi ta đang mơ mộng viển vông cũng đâu khác gì với khi ta thức dậy từ một giấc ngủ?

Trong một ngày ta có thể thức dậy hàng trăm lần. Ý thức rằng mình đang mơ mộng về một phương trời xa xôi nào đó - “Mình đang ở đâu đây!” - là một giây phút tỉnh thức. Trong giây phút ấy, ta hãy ghi nhận xem mình đang có hơi thở vào hay hơi thở ra, đó là một phương pháp rất hữu hiệu để thiết lập lại năng lượng chánh niệm. Hãy tránh hết những lời tự trách móc vô ích như là “Mình là một thiền sinh quá tệ!” “Tôi sẽ không thể quen được điều này!” “Dám cuộc là tôi sẽ ngủ gục suốt khóa tu này cho xem!” Những tư tưởng nghi ngờ sẽ làm tâm bạn mệt mỏi. Hãy dùng năng lượng chánh niệm của giây phút hiện tại để thật sự trân quý kinh nghiệm trong lúc này: “Tôi đang thở vào.” Hoặc “Tôi đang thở ra.” Hay là “Tôi tỉnh thức!”

Tôi học được cách sử dụng năng lượng chánh niệm từ U Sivali, một vị sư Tích Lan, ngài hướng dẫn một khóa tu thiền nhiều năm về trước. Tôi diễn tả với ngài một trở ngại trong sự thực tập của tôi vào khóa tu ấy. Đó là thói quen đi ngủ rất sớm, vào khoảng chín giờ mỗi tối. Đến nửa đêm thì tôi hoàn toàn tỉnh táo, thức dậy, thay đồ, rửa mặt, xuống thiền đường ngồi thiền và kinh hành. Tôi bước vào thiền đường với một tâm trạng tươi mới và phấn khởi. Vậy mà sau khi ngồi xuống chỉ chừng năm phút là tôi bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Cả đêm còn lại chỉ là ngồi thiền - ngủ gật - kinh hành - ngủ gật - ngồi thiền - ngủ gật... Tôi nói với ngài U Sivali: “Có lẽ những gì tôi làm chỉ phí thời giờ mà thôi, chẳng có kết quả gì cả. Có lẽ tốt hơn tôi nên nằm lại trên giường ngủ đến sáng!”

Ông đáp: “Không đâu, đừng có ở lại trên giường. Trước nhất, cái chủ ý của ta rất quan trọng. Hơn nữa, cô có ngủ gật bao nhiêu lần việc ấy cũng không ăn thua gì. Điều quan trọng là thỉnh thoảng cô có tỉnh thức dậy. Mỗi giây phút chánh niệm sẽ bôi xoá đi một giây phút bị điều kiện!”

Câu chót ấy, mỗi giây phút của chánh niệm sẽ giúp bôi xóa được hết, đã nâng cao tinh thần của tôi rất nhiều, giúp tôi kiên nhẫn hơn nhiều. Tôi tưởng tượng như tâm tôi là một tấm bảng đen nguệch ngoạc đầy những dòng chữ viết, và mỗi khi thiết lập lại chánh niệm là tôi bôi xoá bớt những dòng chữ ấy. Tôi tự nhủ: “Chúng ta đâu bao giờ biết được mình đã bôi xóa hết bao nhiêu rồi! Còn bao nhiêu dòng nữa là sạch hết? Mình có thể còn cách sự giác ngộ chỉ một dòng chữ nữa mà thôi!”

Hãy đặt quyển sách này xuống và thực tập ngồi thiền. Cố gắng trở lại với hơi thở mỗi khi bạn tỉnh thức dậy. Khi nào bạn có ý nghĩ: “Nãy giờ mình đã ở đâu?” hãy thay vào thế: “Bây giờ mình đang ở đâu?”

Dầu thực tập thế nào, bạn cũng rất khá

Tôi học được phương pháp này từ một người bạn giáo thọ của tôi, Jack Kornfield. Đó là cách đánh giá về sự tiến triển trong sự thực tập.

Anh ta đặt ra tiêu chuẩn này nhiều năm trước đây, khi vị điều hành khóa tu đến hỏi ý kiến anh về một thiền sinh mà anh là thầy hướng dẫn. Anh đáp: “Anh ta thực hành rất khá!” Vị điều hành lại hỏi anh về một thiền sinh khác, một người mà bà ta biết là có rất nhiều khó khăn trong sự thực tập. Jack suy nghĩ một hồi lâu rồi đáp: “Cô ta cũng thực hành rất khá!” Vị điều hành bắt đầu cảm nhận rằng câu trả lời của anh dường như có theo một khuôn mẫu nào đó, liền hỏi thêm về một thiền sinh khác. Jack đáp: “Ồ! Cũng vậy, anh ta thực hành cũng khá lắm!”

“Anh nói vậy thật sự là nghĩa gì, tất cả mọi người ai cũng thực hành giỏi hết sao?”

Jack nói: “Ý tôi là: họ vẫn còn ở đây!”

Và bạn cũng vậy, bạn cũng thực hành rất giỏi!

Chấm dứt ngày thứ hai

Nếu bạn đang tham dự một khóa tu dài hơn, bạn hãy lặp lại chương trình của ngày thứ hai. Chương trình của ngày thứ hai này có thể xem như khuôn mẫu cho một ngày thực tập trọn vẹn trong khóa tu, từ sáng đến tối. Nghĩa là bạn có thể áp dụng nó cho ngày thứ tám, thứ mười, thứ ba mươi, hoặc thứ một trăm...

Khi lặp lại ngày thứ hai này, nếu bạn đọc những hướng dẫn cũng như phần trả lời những câu hỏi thêm một lần nữa, điều đó sẽ rất có ích. Kinh nghiệm của tôi trong sự tu tập nhiều năm qua là thỉnh thoảng vị thầy có đưa ra một lời hướng dẫn và tôi nghĩ rằng “Lời hướng dẫn đó hay tuyệt! Đáng lẽ họ phải nói sớm cho mình nghe. Nếu mà mình biết trước như vậy thì sự thực tập của mình bây giờ được tiến triển xa lắm rồi!” Sự thật là những lời ấy đã được trình bày rồi! Khi sự hiểu biết của ta được mở rộng thì khả năng thâu nhận những lời hướng dẫn ấy cũng trở nên sâu sắc hơn. Và tôi nghĩ bạn cũng vậy.

Nếu khóa tu của bạn chấm dứt ngày mai, bạn hãy xem tiếp phần Ngày thứ ba. Phần này trình bày những hướng dẫn cần thiết cho ngày cuối cùng của khóa tu, dù đó là khóa tu 3 ngày, 10 ngày hay lâu hơn nữa.

 

Send comment
Your Name
Your email address