- -Mục Lục-Lời nói đầu
- * 1.1-Vi-Diệu-Pháp là danh-từ gọi pháp nào?
- * 1.2-Tâm (Citta)
- * 1.3-Bất-Thiện-Tâm (Akusalacitta
- * 1.4-Dục-Giới Tịnh-Hảo-Tâm (Kāmāvacarasobhaṇacitta)
- * 2.1-Vô-Nhân-Tâm (Ahetukacitta)
- * 2.2-Tâm Với Tâm-Sở
- * 2.3-Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
- * 3.1-Dục-Giới Đại-Thiện-Tâm(Kāmāvacarakusalacitta)
- * 3.2-Quả Của 8 Dục-Giới Đại-Thiện-Tâm
- * 3.3-Nhận Xét Về 3 Hạng Người Trong Đời
- * 3.4-Tái-Sinh Kiếp Sau ( Paṭisandhi)
- * 4- Đoạn Kết
Vi Diệu Pháp - Hiện thực trong cuộc sống
Phần 1.2
Tâm (Citta)
Citta nghĩa là gì ?
Định nghĩa Citta: Tâm
“Ārammaṇaṃ cintetīti cittaṃ.”
Trạng-thái biết đối-tượng gọi là tâm.
Ārammaṇa: Đối-tượng có 6 loại:
1- Rūpārammaṇa: đó là đối-tượng sắc, các hình dáng,
2- Saddārammaṇa: đó là đối-tượng thanh, các loại âm thanh,
3- Gandhārammaṇa: đó là đối-tượng hương, các thứ mùi hương,
4-Rasārammaṇa:đó là đối-tượng vị, các thứ vị
5- Phoṭṭhabbārammaṇa: đó là đối-tượng xúc (đất, lửa, gió), cứng mềm, nóng lạnh, phồng xẹp,
6- Dhammārammaṇa: đó là đối-tượng pháp (tâm, tâm-sở, 5 tịnh-sắc, 16 sắc vi-tế, Niết-bàn, và chế-định-pháp).
Trong Chú-giải có những danh từ Pāḷi đồng nghĩa với citta như sau:
- Citta là trạng-thái biết đối-tượng,
- Mano là hướng đến đối-tượng,
- Hadaya là tích luỹ bên trong tâm,
- Mānasa là trạng-thái hài lòng trong tâm,
- Manāyatana là āyatana liên kết.
- Manindriya là indriya chủ,
- Viññāṇa là trạng-thái biết đối-tượng,
- Viññāṇakkhandha là thức-uẩn,
- Manoviññāṇadhātu là tự-tánh biết đối-tượng.
Citta thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) có trạng-thái riêng biệt (visesa-lakkhaṇa) có 4 pháp lakkhaṇādicatuka:lakkhaṇa:
trạng-thái, rasa: phận sự, paccupaṭṭhāna: quả hiện hữu, padaṭṭhāna: nguyên-nhân gần phát sinh tâm:
1- Vijānanalakkhaṇaṃ có trạng-thái biết các đối-tượng,
2- Pubbaṅgamasasaṃ có phận sự dẫn đầu trong tất cả các pháp,
3- Sandhānapaccupaṭṭhānaṃ có sự sinh, sự diệt liên tục không ngừng là quả hiện hữu,
4- Nāmarūpapadaṭṭhānaṃ có danh-pháp, sắc-pháp là nhân-duyên gần phát sinh citta.
Tính Chất Của Citta
Tất cả các pháp đều do tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, thành-tựu tất cả các pháp đều do tâm.
* Người nào có bất-thiện-tâm (akusalacitta) nếu khi thân hành điều ác, khẩu nói điều ác, ý nghĩ điều ác thì ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả khổ đối với người ấy trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.
* Người nào có thiện-tâm (kusalacitta) nếu khi thân hành điều thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện thì dục-giới đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả an lạc đối với người ấy trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.
Tính chất của tâm (citta) là rất huyền diệu như sau:
* Tâm huyền diệu bằng việc làm:
Tất cả mọi công trình đồ sộ, mọi thứ máy móc hiện đại hiện hữu trong đời này được thành-tựu đều do tâm tạo nên,
* Tâm huyền diệu tự tâm:
Thật-tánh của tâm phân chia nhiều loại tâm như là bất-thiện-tâm, vô-nhân-tâm, dục-giới đại-thiện-tâm, dục-giới đại-quả-tâm, dục-giới đại-duy-tác-tâm, sắc-giới-tâm, vô-sắc-giới-tâm, thần-thông-tâm, siêu-tam-giới-tâm,…
* Tâm huyền diệu do tích-luỹ tất cả các-nghiệp và mọi phiền-não:
Mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài, trải qua vô-số kiếp, mỗi kiếp chỉ có phần thân thay đổi tuỳ theo quả của nghiệp, còn phần tâm vẫn tiếp diễn sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này chuyển sang kiếp khác; tất cả mọi bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), mọi thiện-nghiệp dù nhẹ dù nặng trong mỗi kiếp đều được tích luỹ ở trong tâm cả thảy.
Nếu nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả trong kiếp hiện tại, cho quả tái sinh kiếp sau, và cho quả sau khi tái sinh, và cứ tiếp tục như vậy, đối với các chúng-sinh chưa phải là bậc Thánh-A-ra-hán.
* Tâm huyền diệu do giữ gìn quả của nghiệp và phiền não:
Mỗi chúng-sinh đã tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), thiện-nghiệp nào dù nhẹ dù nặng rồi, chắc chắn quả của nghiệp ấy không bao giờ mất, dù nghiệp nhẹ, dù nghiệp nặng đã trải qua thời gian lâu bao nhiêu kiếp đi nữa, mọi nghiệp ấy vẫn có cơ-hội theo cho quả của chúng.
* Tâm huyền diệu do tích luỹ các thói quen tự nhiên của mỗi chúng-sinh:
Tâm khiến tạo công việc chuyên môn, nghề nghiệp, môn học, tài nghệ nào, v.v… đã trở thành thói quen được tích luỹ trong mỗi tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng, tâm trước diệt chuyển sang tâm sau sinh, do năng lực của các pháp-duyên anantarapaccaya: liên-tục-duyên, samanantarapaccaya: liên-tục-năng-duyên, … cứ tiếp diễn như vậy, từ kiếp này sang kiếp khác, từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại.
* Tâm huyền diệu do biết các đối-tượng khác nhau:
Mỗi tâm phát sinh chỉ biết một đối-tượng duy nhất mà thôi. Theo Chú-giải, tâm sinh rồi diệt vô cùng mau lẹ. Ví dụ chỉ một lần búng đầu móng tay, tâm sinh rồi diệt 1.000 tỷ lần.
Cho nên, tâm khi biết đối-tượng sắc, khi biết đối-tượng thanh, v.v… thay đổi nhau trong 6 đối-tượng sắc, đối-tượng thanh, đối-tượng hương, đối-tượng vị, đối-tượng xúc, đối-tượng pháp tuỳ theo nhân-duyên của 6 lộ-trình-tâm.
Số Lượng Citta
Citta chỉ có một trạng-thái là biết đối-tượng mà thôi, nên kể citta: tâm có một mà thôi, bởi vì khi nào tâm phát sinh, khi ấy tâm chỉ biết một đối-tượng ấy mà thôi.
Citta: Tâm có khả năng biết đối-tượng khác nhau, do năng lực của các cetasika: tâm-sở đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối-tượng với tâm, đồng nơi sinh với tâm, làm cho citta có khả năng biết đối-tượng khác nhau. Cho nên, phân tích citta ra gồm có 89 tâm hoặc 121 tâm.
Bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Vi-diệu-pháp-yếu-nghĩa) của Ngài trưởng-lão Anuruddha có 9 chương. Chương thứ nhất Cittasaṅgha-vibhāga: Phần tâm-yếu-nghĩa gồm có 89 hoặc 121 tâm phân chia theo 4 cõi giới như sau:
Phân Chia Tâm Theo 4 Cõi Giới
1- Dục-giới-tâm (kāmāvacaracitta) có 54 tâm:
- Bất-thiện-tâm (Akusalacitta) có 12 tâm,
- Vô-nhân-tâm (Ahetukacitta) có 18 tâm,
- Đại-thiện-tâm (Mahākusalacitta) có 8 tâm,
- Đại-quả-tâm (Mahāvipākacitta) có 8 tâm,
- Đại-duy-tác-tâm (Mahākiriyacitta) có 8 tâm.
2- Sắc-giới-tâm (Rūpāvacaracitta) có 15 tâm:
- Sắc-giới thiền thiện-tâm có 5 tâm,
- Sắc-giới thiền quả-tâm có 5 tâm,
- Sắc-giới thiền duy-tác-tâm có 5 tâm.
3-Vô-sắc-giới-tâm (Arūpāvacaracitta) có 12 tâm
- Vô-sắc-giới thiền thiện-tâm có 4 tâm,
- Vô-sắc-giới thiền quả-tâm có 4 tâm,
- Vô-sắc-giới thiền duy-tác-tâm có 4 tâm.
4- Siêu-tam-giới-tâm (Lokuttaracitta) có 8 tâm hoặc 40 tâm, chia ra 2 loại tâm:
- Siêu-tam-giới-thiện-tâm có 4 tâm hoặc 20 tâm gọi là 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm (Maggacitta).
- Siêu-tam-giới-quả-tâm có 4 tâm hoặc 20 tâm gọi là 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm (Phalacitta).
Quyển sách nhỏ “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” này chỉ giảng giải về 12 bất-thiện-tâm (akusalacitta) và 8 dục-giới đại-thiện-tâm (kāmāvacaramahākusalacitta), bởi vì 20 tâm này thường phát sinh trong cuộc sống hằng ngày đối với các hàng phàm nhân, bắt đầu từ khi thức giấc, suốt ngày, cho đến khi nằm ngủ một giấc say, không có mộng mị.
Trong 20 tâm này, tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm gọi là 12 bất-thiện-nghiệp, và tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) đồng sinh với 8 dục-giới đại-thiện-tâm gọi là 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp.
12 bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm cho quả là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm (akusala-vipākacitta) trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi- sandhikāla) và trong thời-kỳ sau khi tái-sinh.8 dục-giới đại-thiện-nghiệp trong 8 dục-giới đại-thiện-tâm cho quả là 8 dục-giới đại-quả-tâm và 8 thiện-quả-vô-nhân-tâm (kusalavipākāhetu- citta) trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) và trong thời-kỳ sau khi tái-sinh (pavattikāla).
Quyển sách nhỏ “Vi-Diệu-Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống” này chỉ giảng giải về 12 bất-thiện-tâm và 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm, 8 dục-giới đại-thiện-tâm, 8 dục-giới đại-quả-tâm, 8 thiện-quả-vô-nhân-tâm và các dục-giới-tâm còn lại.
Như vậy, quyển sách nhỏ này chỉ giảng giải 12 bất-thiện-tâm, 18 vô-nhân-tâm, 8 dục-giới đại-thiện-tâm, 8 dục-giới đại-quả-tâm, 8 dục-giới đại-duy-tác-tâm gồm có 54 dục-giới-tâm mà thôi, không đề cập đến 15 sắc-giới-tâm và 12 vô-sắc-giới-tâm, 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.