(Xem: 2054)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2443)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

--Ân đức Phật thứ Ba.

30 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 12002)


ÂN ĐỨC PHẬT THỨ BA.


III- Itipi so Bhagavā vijjācaranasampanno

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Vít-xà-chá-rá-ná-săm-băn-nô).

Đức Thế Tôn có ân đức Vijjācaranasampanno = Đức Minh Hạnh Túc.

Đức Minh Hạnh Túc là bậc có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Đức hạnh cao thượng.

Tam Minh

1- Túc mạng minh: Là trí tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ trở lại tiền kiếp từ một kiếp, hằng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp... Đối với Đức Phật Toàn Giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn. (Còn đối với Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác có giới hạn).

Túc mạng minh biết rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba la mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ... đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.

2- Thiên nhãn minh: Là trí tuệ thấy rõ biết rõ như mắt của chư thiên, phạm thiên, có khả năng thấy rõ biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh.

Thiên nhãn minh có hai loại:

a) Tử sanh minh: Là trí tuệ biết rõ sự tử, sự tái sanh của tất cả chúng sinh.

Đức Thế Tôn có Tử sanh minh này biết rõ chúng sinh sau khi chết rồi do nghiệp nào cho quả tái sanh ở cảnh giới nào.

b) Vị lai kiến minh: Là trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của chúng sinh.

Chư Phật dùng Vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm; còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất nữa sẽ trở thành bậc Chánh Đẳng Giác, bậc Độc Giác Phật, bậc Thánh Thanh Văn...

3- Lậu tận minh: Là trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới đó là 4 Thánh Đạo Tuệ diệt đoạn tuyệt được 4 pháp phiền não trầm luân không còn dư sót; đồng thời Đức Thế Tôn tận diệt được tất cả mọi tiền khiên tật (vāsanā) do tích luỹ từ vô lượng kiếp trong quá khứ.

Bát Minh

1- Túc mạng minh.

2- Thiên nhãn minh.

3- Lậu tận minh.

4- Thiền tuệ minh: Trí tuệ thiền tuệ tam giới thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp, và trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới chứng đắc Thánh Đạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ và Niết Bàn.

5- Hoá tâm minh: Trí tuệ có khả năng hoá thân khác theo mong muốn của mình, do năng lực của thiền định. Như trường hợp Đức Phật thuyết tạng Vi Diệu Pháp vào hạ thứ bảy tại cung Tam thập tam thiên suốt ba tháng. Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Đức Phật hoá thân khác như Đức Phật tiếp tục thuyết pháp, còn chính Đức Phật thật đi khất thực ở Bắc câu lưu châu. Khi độ ngọ xong trở lại cung trời thay thế Đức Phật hoá thân, chỉ có một số ít chư thiên, phạm thiên bậc cao có nhiều oai lực mới biết được.

6- Thần thông minh: Trí tuệ có khả năng biến hoá nhiều phép thần thông khác nhau do năng lực thiền định, như một người hoá thành nhiều người, tàng hình không ai thấy, hiện hình nơi khác, đi xuyên qua núi, đi trên hư không...

7- Thiên nhĩ minh: Là trí tuệ như tai của chư thiên có khả năng nghe được nhiều thứ tiếng người, tiếng súc sanh, tiếng chư thiên gần xa do năng lực thiền định.

8- Tha tâm minh: Là trí tuệ có khả năng biết đến tâm của người khác, chúng sinh khác đang nghĩ gì, thiện tâm hoặc bất thiện tâm.

Đó là Tam minh, Bát minh.

15 Đức Hạnh Cao Thượng

1- giới đức hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.

2- Thu thúc lục căn thanh tịnh: thu thúc khi thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, tiếp xúc bằng thân, suy nghĩ bằng ý hoàn toàn thanh tịnh.

3- Biết tri túc trong vật thực: nhận vật thực vừa đủ thọ thực, khi thọ thực đàng hoàng, còn 4-5 miếng cơm nữa đủ no, biết ngừng lại để dành uống nước, không dùng no quá.

4- Tinh tấn tính thức: ngày, đêm tinh tấn hành phận sự, nghĩa là suốt ngày không ngủ, ban đêm có 3 canh; canh đầu: ngồi hành đạo, đi kinh hành; canh giữa: (22 giờ khuya) nằm nghỉ ngủ trong tư thế nằm nghiêng bên phải, có trí nhớ trí tuệ trước khi ngủ, sẽ thức dậy lúc cuối canh giữa; canh chót: (2 giờ sáng) hành đạo, đi kinh hành... Gọi là tinh tấn luôn luôn tính thức.

5- Đức tin: có đức tin không lay chuyển.

6- Trí nhớ: thường có trí nhớ.

7- Hổ thẹn: biết tự mình hổ thẹn, không làm mọi tội ác.

8- Ghê sợ: biết ghê sợ, không làm mọi tội ác.

9- Đa văn túc trí: học nhiều hiểu rộng tất cả các pháp.

10- Tinh tấn: có tâm tinh tấn không ngừng nghỉ.

11- Trí tuệ: có trí tuệ hiểu biết rõ tất cả các pháp.

12- Đệ nhất thiền: có đệ nhất thiền hữu sắc và vô sắc.

13- Đệ nhị thiền: có đệ nhị thiền hữu sắc và vô sắc.

14- Đệ tam thiền: có đệ tam thiền hữu sắc và vô sắc.

15- Đệ tứ thiền: có đệ tứ thiền hữu sắc và vô sắc.

Đó là 15 đức hạnh cao thượng.

Đức Thế Tôn có trọn đủ Tam minh, Bát minh và 15 Đức hạnh cao thượng hợp với trí đại bi để tế độ chúng sinh, có hữu duyên nên tế độ, cứu vớt chúng sinh ấy giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân Đức Vijjācarana-sampanno = Đức Minh Hạnh Túc.

Niệm Ân Đức Vijjācaranasampanno

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân Đức Phật, "Ân Đức Vijjācaranasampanno" này, sẽ phát sanh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sanh hỉ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân Đức Phật, Ân Đức "Vijjācaranasampanno..., Vijjācaranasampanno..., Vijjācaranasampanno...", hoặc câu Ân Đức Vijjācaranasampanno: "Itipi so Bhagavā Vijjācaranasampanno..., Itipi so Bhagavà Vijjācaranasampanno..., Itipi so Bhagavā Vijjā-caranasampanno...", làm đối tượng thiền định...

(Phần còn lại giống như Ân Đức Araham).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn