(Xem: 1828)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2283)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

01-Sati (Chánh Niệm)

15 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 32669)

Sống viên mãn kiếp này.

 

01-Sati (Chánh Niệm)

Hãy giản dị và thư thái, An trú trong tâm hay biết.

Chánh niệm ở đâu

thì mọi phẩm tính cao đẹp đều ở gần đó.

= MUNINDRA =


 Thực tập chánh nhưng niệm, rèn luyện tâm hay biết không phê phán, chính là tâm điểm của con đường tu tập Phật pháp. Đối với Ngài Munindra, chánh niệm không phải là một trạng thái thần bí nào, nhưng là một hoạt động tâm thật bình thường mà mọi người đều có thể và nên thực hành bất cứ giây phútnào. Ngài nhấn mạnh điều này cho các môn sinh:

 Tất cả đều là thiền trong cách thực tập này, ngay cả khi ăn, uống, mặc quần áo, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ. Bất kỳ làmviệc gì, nên làm một cách chánh niệm, năng nỗ, trọn vẹn, đầy đủ và kỹ lưỡng. Như thế là thiền, có ý nghĩa, có mục đích. Thiền không phải là suy nghĩ mà là kinh nghiệm trong từng khoảnh khắc, đang sống thật trong từng khoảnh khắc, không bám níu, không kết án, không phê phán, không đánh giá, không so sánh, không kén chọn, không chỉ trích – chỉ đơn thuần một tâm hay biết.

Thiền không chỉ là ngồi thiền; thiền là một cách sống. Thiền phải hòa nhập với toàn thể cuộc sống của ta. Thiền thực sự rèn luyện ta biết nhìn, biết nghe, biết ngửi, biết ăn, biết uống, biết đi với tâm hoàn toàn tỉnh giác. Phát triển chánh niệm là yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình đi đến giác ngộ. 

 Đối với nhiều môn sinh, những giảng dạy xuất sắc nhất của Thầy thường diễn ra bên ngoài thiền đường. Daniel Goleman nói: “Một trong những ưu điểm của Thầy là lối giảng dạy rất bình thường, tự nhiên. Bạn có thể đang đi chợ hay đến bưu điện bên cạnh Thầy… bất cứ lúc nào tự thân Thầy cũng sẽ là một bài toát yếu về chánh niệm cho bạn.”

 Qua điều này, Akasa Levin nhận ra được điển hình của một bậc trưởng thượng trong đạo pháp, của một con người toàn vẹn. “Thầy luôn luôn chỉ ra từng chi tiết. Ở tiệm tạp hóa, Thầy nhắc, ‘Để ý xem chanh được chất lên như thế nào, xem người bán hàng giữ những trái chín và cất những trái hư ở đâu.’ Cùng Thầy đi bộ, tâm tôi thì phóng lung tung, trong khi Thầy nói: ‘Ô, nhìn đóa hoa nhỏ bé kia!’ Thầy cúi xuống nhìn nó và nói, ‘Thấy chưa, nó mọc lên như thế đấy.’ Thầy chạm nhẹ vào cánh hoa, đem tôi ra khỏi suy nghĩ vẩn vơ để trở về thực tại, trở về với những gì đang hiện hữu ngay đây. Cũng có thể nói là Thầy kéo tôi về với giây phút hiện tại. Thầy rất khéo léo và nhẹ nhàng ở điểm này. Thầy hay nói, ‘Hãy chú tâm. Hãy chánh niệm trên mọi chi tiết.’ Hầu hết mỗi câu Thầy thốt ra luôn được kèm theo chữ chánh niệm.”

 Khi Ginny Morgan muốn mang đến cho mình một kiểu mẫu hành xử trong thế gian này, cô cũng nhớ lại những lúc ở cạnh Thầy: “Đi quanh quẩn trong chợ trời, quan sát người mua bán, và Thầy biến đó thành một bài pháp; trở lại đời thường, sang qua pháp thoại, lui rồi tới. Thật là một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.”

Michael Liebenson Grady, từng là thị giả cho Ngài Munindra ở Insight Meditation Center (IMS), nói thêm: “Ngài có khả năng thấy được Giáo pháp ở khắp mọi nơi, trong mọi thứ, kể cả những kinh nghiệm bình thường trong đời sống hằng ngày. Thái độ này rất có ích lợi cho các hành giả tại gia. Một trong những ký ức sống động nhất là các bữa ăn chung với Ngài. Tôi thường nhìn Ngài dùng bữa. Ngài ăn uống ngon lành nhưng rất chánh niệm và chú tâm trong khi ăn.”

Tâm và Chánh Niệm

 Ngài Munindra thường giải thích rằng “tâm và chánh niệm là hai pháp khác nhau”:

Theo bản chất tự nhiên, tâm không có màu sắc. Khi tâm được nhuộm bằng tham, ta gọi đó là “tâm tham”. Khi sân sanh khởi, lúc đó được gọi là “tâm sân”. Nếu không có chánh niệm, tâm sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn sân này. Sân có bản chất làm ô nhiễm tâm; sân tạo độc tố. Nhưng tâm không phải là sân; sân không phải là tâm. Tâm không phải là tham; tham cũng không phải là tâm. Hãy nhớ điều đó. Tâm cũng không có bản chất thích hay không thích. “Tâm” có nghĩa là “khả năng hay biết”, “khả năng nhận thức.”

 Rồi Ngài mô tả chánh niệm (sati):

 Chánh niệm là một điều khác: sự cảnh giác, nhận thức, trí nhớ, chú tâm. Chánh niệm có nghĩa là không quên, chỉ hay biết và ghi nhận những gì đang xảy ra. Khi ta cần băng qua sông trên một chiếc cầu tre nhỏ hẹp lắt lẻo, ta phải rất thận trọng trong từng bước một. Nếu quên chú ý, tất nhiên sẽ ngã xuống nước thôi. Nếu thất niệm, ta có thể tự gây đau đớn hoặc

Tự hủy hoại. Do đó, trong thực tế, chánh niệmcó nghĩa là không quên những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại – trong ý nghĩ, lời nói, việc làm.

  Ngài dạy rằng: “ Tuy tâm luôn có mặt, luôn làm việc, nhưng ta lại không luôn luôn có chánh niệm. Nhiều khi ta thấy tâm không đang ở với ta, ta không đang ở với tâm. Chẳng hạn như lúc dùng cơm, tâm ở chỗ khác, suy nghĩ chuyện gì khác, trong khi tiến trình ăn đang diễn ra một cách máy móc, trong thất niệm.” Theo Ngài Munindra, chỉ có một cách để điều khiển được mọi hoạt động: sự tỉnh giác trong từng giây phút.

Pháp hành đơn giản.

 Ngài Munindra luôn đề cao tính giản dị và thư thái. Joseph Goldstein nghĩ có lẽ Thầy đã lập lại hàng nghìn lần câu “Hãy giản dị và thư thái. Hãy chấp nhận mọi thứ y như chúng đang hiển bày”. Tuy nhiên đó là cả một thử thách, nhất là cho ai mới tập hành thiền. Như có lần Ngài đã nhẹ nhàng quở trách Michael Stein: “Việc hành thiền thì đơn giản thôi, nhưng bạn lại làm nó thành phức tạp, rắc rối.”

 Thỉnh thoảng, môn sinh hiểu lầm chữ “đơn giản” mà Thầy hay dùng. Khi họ thấy Thầy nằng nặc mặc cả, dù là chỉ để mua một gói đậu phộng, họ thắc mắc và nhắc thầy: ”Thầy nói là phải đơn giản và dễ dãi, tại sao Thầy làm vậy?” Thầy im lặng giây lâu rồi trả lời: “Tôi nói hãy giản dị, nhưng không nói hãy làm kẻ ngô nghê.” Qua việc này, Roy Bonney hiểu rằng, “Điều thật quan trọng là phải có pháp hành để nhận ra được sự thật của thế gian, nhưng đừng là kẻ khờ dại trong cuộc sống.”

Ngài dạy rằng sự thiền tập đúng cách sẽ đem ta đến một trạng thái tươi mát hay thư giãn:

 Khi tâm ở trong trạng thái thinh lặng, thì chúng ta phục hồi được năng lượng. Hành thiền không phải là tự áp chế hay cố gắng quá sức. Nó là một công việc hài hòa với cả con người mình. Hành thiền rất là giản dị nếu ta hiểu được tiến trình của nó. Chừng nào mà ta chưa hiểu được, thì nó là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi vì tâm ta không được rèn luyện để không dính mắc, không kết tội, không phê phán, chỉ sống với những gì đang hiện hữu trong giây phút ấy.

 Khi ta đã hiểu được quy luật nhân duyên thì thiền trở thành cái giản dị nhất - thiền là một cách sống. Khi chánh niệm được phát triển, sau một thời gian, nó sẽ tự vun bồi và đến tự nhiên, không cần cố gắng.

 Những lời dạy của Thầy là một liều thuốc hiệu nghiệm cho Larry Rosenberg: “Cách hướng dẫn của Thầy thật đơn giản, tự nhiên và bình thường: Hãy chỉ hay biết những gì đang xảy ra. Nhưng tôi xúc động muốn khóc. Sự nhấn mạnh về tâm tỉnh giác đó đối với tôi là tất cả. Thầy đã biết cuối cùng thì điểm cốt yếu là, ‘Bạn tỉnh thức hay chưa?’”

 Ông nhận xét: “Tôi đã từng theo học các thiền sư Zen và Tây tạng và thấy có một khối ảnh hưởng khổng lồ về văn hóa. Còn Thầy thì chẳng mang nặng chút hành trang văn hóa nào. Tâm hay biết là tâm hay biết, và bất cứ ai cũng rèn luyện được.”

 “Tâm hay biết kỳ diệu” này là cái mà Matthias Barth thấy thật đặc biệt nơi Ngài Munindra vì nó thể hiện rõ ràng trong những tình huống thông thường nhất.

 Matthias nói: “Khi Thầy có mặt thì ngay cả cảnh một chiếc xe lửa vừa dừng ở trạm ga Luân Đôn cũng trở thành ấn tượng. Tiếng động cơ của đoàn tầu, lúc đầu khó nhận ra, càng lúc càng rõ khi xe tiến gần, đẩy luồng gió tới phía trước, chuyển động của đám đông đang đứng chờ – tất cả những thứ đó trở nên sống động trong vùng chánh niệm lây lan của Thầy. Sống bên Thầy là một công cuộc thực hành chánh niệm trong từng giây phút, tỉnh giác và ý thức ngay ở đây và bây giờ.

Không chỉ có một cách Hành chánh niệm duy nhất.

 Jack Engler ghi nhận rằng, trong các phương pháp vipassanā (thiền minh sát), Ngài Munindra không bao giờ xác quyết một phương pháp nào là “duy nhất đúng.” Miễn là có chánh niệm, thì dù là quán về cảm thọ hay về các đề mục ở bất cứ cửa giác quan nào, đối với Thầy cũng không mấy khác biệt.

 Eric Kupers phát biểu, “Tôi không hề thấy Thầy có óc bộ phái hoặc ‘bạn phải hành theo cách này’, hoặc ‘bạn không nên hành theo cách đó’, mà chỉ thấy rất nhiều sự thật sống động trong cách giảng dạy hết sức bình thường, tự nhiên của Thầy.”

 Ngài Munindra chấp nhận được nhiều pháp môn khác nhau là do bản tánh dễ tiếp thu và kinh nghiệm thực hành ở Miến điện. Sau khi hoàn tất cuộc hành thiền tích cực với Hòa thượng Mahāsi và được Hòa thượng chấp thuận, Ngài đi học nhiều phương pháp thiền quán khác nhau với các thiền sư địa phương. Ngài nói:

Tôi thấy tất cả phương pháp luyện tâm này đều bổ túc cho nhau, không hề chống trái nhau. Mọi kỹ thuật này đều có mục đích phát triển Giáo pháp và đều là phương tiện, không phải là cứu cánh. Nếu một người rèn luyện tâm theo một phương pháp mà hiểu biết rõ Ràng thấu đáo, thì các phương pháp khác không khó. Bất cứ một môn phái hay trường thiền nào mà ta theo, nếu ta luôn biết để tâm mình rộng mở, thì thật lợi lạc cho ta, bởi vì thật ra chẳng có gì để ta dính mắc vào cả.

 Ngay cả với những hành động mà Ngài không chấp nhận, Ngài vẫn để tâm rộng mở và sách tấn chánh niệm. Mirko Frýba (bây giờ là Đại đức Āyukusala Thera) học được điều này khi ông đến Bồ đề Đạo tràng lần đầu năm 1967. Sau khi viếng Đại Tháp Mahabodhi, ông ngồi trong một quán trà bên các bậc thang dẫn lên cổng vào Đại Tháp và bắt gặp một vị sư đầu cạo nhẵn, quấn y vàng tươi và đang phì phào hút thuốc. Mirko gợi chuyện, “Thế giáo trưởng của sư nói gì về việc sư hút thuốc?” Vị sư đáp, “Giáo trưởng tôi dạy: ‘Đưa điếu thuốc lên môi với chánh niệm, ghi nhận cảm giác xúc chạm ấy, xong chú ý theo dõi khi hít hơi thuốc vào, rồi ghi nhận cảm thọ…’” Mirko yêu cầu nhà sư giới thiệu đến vị giáo trưởng đó, và nhà sư đem ông đến gặp Ngài Munindra.

Một tầm nhìn bao quát hơn.

 Ngài Munindra chẳng bao giờ khuyến khích việc hành thiền hời hợt, tuy nhiên tinh thần phóng khoáng của Ngài luôn gây ấn tượng và khích lệ sâu sắc cho Các môn sinh. Rất trân quý cách tiếp cận không nặng hình thức đó, Sharon Salzberg phát biểu, “Tầm nhìn của Thầy về thiền thật bao la – sống trong chánh niệm – ngay cả khi bạn ra ngoài cửa hàng tạp hóa mua một ly trà, cũng có thể là thiền, là chánh niệm. Thầy tiếp tục giúp tôi mở mang nhận thức về Phật pháp và đường đạo. Thầy để lại trong tôi một cảm nhận thật sâu rộng về cách sống không nặng nề quy ước, không quá hình thức hoặc cố định theo một kiểu mẫu tu học nào, mà phải hiểu được thật cặn kẽ gốc rễ nào đã chuyển hóa tâm mình.”

 Lạt ma Surya Das cũng đồng ý, “Tôi luôn luôn kinh nghiệm được rằng ngồi thiền không phải là pháp hành tối hậu và duy nhất. Đi thiền hành, giữ chánh niệm trong mọi sinh hoạt hằng ngày, và rất nhiều pháp hành khác, cũng đều vô cùng quan trọng. Thầy thực sự hành trì tiêu biểu cho nguyên tắc đó và không đặt trọn trọng tâm tu tập trong việc chỉ ngồi im lặng, nhắm mắt thiền. Thầy giúp tôi hiểu thêm như thế nào là lối sống theo Giáo pháp, thực tập chánh niệm và tâm tỉnh giác chân chánh. Thầy quả là một bậc đạo sư ưu tú đã dạy ta cách hòa nhập Đạo pháp vào đời thường, và làm sao để giữ chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày.” Hoặc như Saibal Talukbar diễn tả, “Đạo và đời phải luôn nối kết với nhau.”

 Tác động lớn lao trên đã giúp Grahame White nhận thức được việc thực hành Giáo pháp chính là nguồn cội của một nếp sống thánh thiện: “Thầy có khả năng chỉ cho tôi thấy rằng, những nối kết vi diệu của sinh hoạt thân tâm trong một khóa thiền mười ngày không thể chỉ diễn ra nơi thiền đường, mà phải là một sinh hoạt liên tục tiếp diễn suốt cả đời mình.” Ngài Munindra vẫn hay lập đi lập lại, “Bạn có thể hành thiền bất cứ lúc nào.”

 Grahame nói thêm, “Lời nhắc nhở này giúp tôi dịu đi mọi căng thẳng và thư thái nhiều hơn với sự hiểu biết của mình.” Phải mất một thời gian tôi mới thấu rõ được điều này, nhưng một khi đã thấm nhuần và tự tại tâm ý, thì đó quả là một hiểu biết quý báu nhất trong pháp hành – không nên nghĩ là việc hành thiền phải được thực hiện dưới một hình thức đặc biệt nào đó, hay chỉ có thể thực tập trong các khóa thiền. Nếu bạn thực hành chánh niệm trong bất cứ hoàn cảnh nào, chính là bạn đang thực hành Giáo pháp.”

 Jack Kornfield rút gọn lại, “Thầy không tách riêng đời sống và việc hành thiền.” Và vì thế Thầy là một gương sáng trong pháp hành cho mọi người, Á lẫn Âu.”

Chánh niệm cho ngưới tại gia.

 Qua sự hướng dẫn của Ngài Munindra, Kamala Masters hưởng được nhiều lợi lạc với công năng thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày. Là một người mẹ trẻ phải cật lực nuôi dạy ba đứa con nhỏ, Kamala không có điều kiện thời gian để dự những khóa thiền chính thức. Ngài Munindra không để hoàn cảnh gia đình biến thành trở ngại cho việc tu tập của cô.

 Khi biết Kamala mỗi ngày phải bỏ ra nhiều thì giờ vào việc rửa chén bát, Ngài lập tức dạy cô thực tập chánh niệm ngay tại bồn rửa chén. Ngài chỉ cô đặt tâm hay biết bao quát vào việc rửa chén: động tác của hai tay, độ ấm hoặc mát của nước, cầm cái đĩa lên, chà xà bông, tráng nước, đặt nó xuống. “Chẳng có gì khác xảy ra, chỉ có rửa chén đĩa.” Rồi Ngài dạy cô quan sát về tư thế. Ngài không bắt cô cử động chậm chạp hay quan sát kỹ lưỡng từng chi tiết của mọi động tác. Thay vì vậy, cô phải thực tập chánh niệm tổng quát về tất cả những gì diễn ra trong khi cô rửa chén.

 Đứng gần đó, thỉnh thoảng Ngài hỏi, “Đang có gì xảy ra?” “Con đang lo nghĩ về việc phải trả tiền nhà.” Ngài nói, “Hãy ghi nhận ‘lo nghĩ’ rồi đem chú ý trở lại việc rửa chén.” Khi cô nói, “Con đang dự tính sẽ nấu món gì chiều nay” Thầy lại nhắc, “Hãy ghi nhận ‘dự tính’, bởi đó là việc đang xảy ra trong giây phút hiện tại, rồi quay lại chú ý việc rửa chén.” Ngài Munindra hướng dẫn Kamala thật nghiêm túc kỹ càng y như trong một lớp thiền chính thức. Nhờ tinh cần thực tập, cô sớm nhận ra các lợi lạc.

 Kamala nói, “Làm những công việc bình thường với chánh niệm giúp tôi ghi nhận và kinh nghiệm nhiều điều một cách rõ ràng hơn. Những thay đổi về cảm giác, những dòng tư tưởng và xúc cảm, và môi trường chung quanh, tất cả trở nên sống động hơn. Sự thực hành này giúp tôi an trụ được tâm vốn hay tản mác. Nó cũng đòi hỏi tôi phải cố gắng phát triển thêm hạnh kiên trì, kham nhẫn, khiêm cung, có mục đích rõ ràng, và thành thật với chính mình. Chỉ từ việc rửa chén tôi thấy được rằng: không có việc gì là nhỏ nhặt. Kết quả sẽ là niềm vui với sự có mặt tròn đầy của mình trong cuộc sống; đó quả là một kho tàng hiếm quý trên thế gian này!”

 Ngoài việc dạy cho Kamala cách rửa chén bát trong chánh niệm, Ngài Munindra còn để ý là cô qua lại một hành lang từ phòng ngủ đến phòng khách nhiều lần mỗi ngày, vì vậy Ngài đề nghị cô lấy đó là nơi lý tưởng để đi thiền hành. Ngài chỉ dẫn, “Từ ngưỡng cửa phòng ngủ, mỗi lần bước ra hành lang này, nếu có thể, hãy lấy thời gian đó làm lúc có mặt với các động tác đơn giản của từng bước đi. Chỉ bước, không nghĩ gì đến mẹ cô, đến con cô. Chỉ ghi nhận cảm giác của thân đang đi. Tốt hơn nữa nếu cô có thể yên lặng ghi nhận trong tâm. Mỗi bước chân, hãy thầm niệm: ‘bước, bước.’ Cách niệm thầm này giúp liên kết sự chú tâm của cô với tác ý ‘muốn bước’. Nếu tâm phóng lan man nơi khác, có thể niệm thầm ‘tâm phóng’. Cứ niệm như thế mà không đánh giá, phê phán, hay chỉ trích, rồi nhẹ nhàng đưa tâm trở lại bước chân. Tập được như vậy trong hành lang này chính là một công trình rèn luyện quý báu cho cô. Và rồi những người chung quanh cô cũng hưởng chung được sự tươi mát, thư thái của cô.”

 Kamala nhớ lại lúc đó, việc làm này chẳng có vẻ gì là một pháp hành trì tâm linh, nhưng mỗi ngày đi tới đi lui nơi hành lang ấy để làm việc gì, cô đã có được vài giây phút tỉnh giác – không vội vàng, không lo lắng, thư thái với cuộc sống qua mỗi bước đi quý giá này. Và rồi cô nới rộng thực hành chánh niệm ra đến các công việc khác như: giặt ủi quần áo, lau chùi bàn ghế. Đó đã là những pháp hành chính yếu của cô trong mấy năm trời.

Chậm và nhanh.

 Ngài Munindra chủ trương việc thực tập chánh niệm không đòi hỏi một nơi chốn nào đặc biệt, và cũng không cần làm theo một nhịp độ thật chậm rãi. Nhìn Thầy nhanh nhẹn di chuyển nhưng luôn giữ chánh niệm, các môn sinh mở mang được sự hiểu biết về pháp hành.

 Erik Knud-Hansen nhận định: “Thầy có vẻ là một nhà thám hiểm về sự chuyển động hơn là sự đứng yên. Thầy ngồi thiền riêng một mình vào buổi sáng sớm – thực hành về tĩnh lặng trong thời gian này. Rồi trong ngày Thầy ra ngoài làm việc đó đây. Nhìn Thầy, tôi học được là vận tốc của thân không làm giảm đi năng lực của tâm quán chiếu thực tướng các pháp. Trong hai mươi năm dạy Giáo pháp vừa qua, tôi rất trân trọng sự cần thiết của nhận thức rằng chân lý không liên quan gì đến một trạng thái đặc biệt nào đó của thân, hoặc cả của tâm – sự thật vẫn là sự thật trong từng giây phút. Chắc Thầy đã hiểu rằng có nhiều hành giả quá dính mắc vào động tác chậm.”

 Erik tiếp, “Thầy muốn nói đến một lãnh vực thực hành mà một số người sẽ phản ứng như sau: ‘Đây không phải là pháp hành, mà chỉ là đang sống thôi.’ Người sống với Đạo không phân biệt như vậy, cho dù là mình đang ngồi, đang đứng, đang nói, đang đi trong Disney World hay đang đi trong thiền đường. Gương mẫu và cách dạy của Thầy là làm sao thấy được sự thật, thấy được thực tướng của tâm, mà không quá dựa trên một phương pháp đặc biệt nào. Thầy dạy về sự tự do được sống và được thấy sự vật ở ngay trước mặt bạn.” 

Phước báu thấy được sự thật từng giây phút.

 Robert Sharf nói thông điệp của Thầy là: “Vấn đề căn bản không phải là bạn đang hành trì phương pháp nào mà là bạn có chánh niệm hay không khi thực hành phương pháp ấy. Nếu hành trì có chánh niệm, bạn sẽ được lợi lạc. Nếu hành trì không chánh niệm, sẽ không có lợi lạc.” Ngài Munindra nói:

Ta làm việc tốt hơn khi có chánh niệm. Ta sẽ được lợi lạc không những chỉ về phương diện tinh thần mà còn về thể chất nữa. Đó cũng là một tiến trình thanh lọc tâm Khi tâm được trong sạch, nhiều chứng bệnh về tâm vật lý sẽ được tự chữa lành. Ta hiểu được những sân giận, oán thù, ganh tỵ của chính mình – những yếu tố bất thiện ấy sanh khởi trong tâm mà thường thì ta không hiểu rõ được. Thật nhiều chứng bệnh tâm vật lý, mà ta tích tụ lâu ngày trong vô thức hay bởi những phản ứng của xúc cảm, có thể kiềm chế được, nhưng không bằng cách đè nén chúng.

Nhờ đến gần và quán sát được các tâm bất thiện, con người tránh được nhiều chứng bệnh về thân cũng như tâm, sẽ trở nên dịu dàng và biết thương yêu hơn.

 Đối với Maggie Ward McGervey, những ích lợi của chánh niệm thật rõ ràng. Giảng dạy của Thầy cùng với kinh nghiệm thiền quán của chính mình khiến cho cô thấy trân trọng thân và tâm hơn.

 “Thầy dạy nhiều về sự tập trung tâm ý trên các giác quan, chẳng hạn như cảm giác nhột ở bàn tay hay trong cuống họng. Sự tập trung này đặt tâm trong thân, một cách thật quan yếu… Tôi cũng còn nhớ Thầy huấn luyện chúng tôi chỉ để ý và ghi nhận các ý nghĩ và cảm giác khởi lên trong khi hành thiền, Thầy thường lập lại mỗi câu niệm hai lần: ‘suy nghĩ, suy nghĩ’ hoặc ‘ngứa, ngứa’, và nhắc: ‘Chỉ quan sát cảm giác.’ Câu nhắc này bây giờ đã hòa nhập trong tâm tôi.”

 Maggie nói tiếp: “Nếu tôi cảm thấy hốt hoảng vì đi đâu trễ hay thấy bực bội, thì tôi chỉ cần nhìn lại, và nhận ra đó chỉ là những ý nghĩ. Thế là chúng sẽ bớt làm giao động đời sống của tôi. Nếu tôi bị vấp ngón chân và thấy đau điếng thì lập tức tôi nhận ra đó chỉ là thần kinh và cảm giác. Tôi có thể cắt bớt đi ảnh hưởng lan rộng của tâm tức giận và bất mãn để thấy được sự trống rỗng của nó.”

Ngài Munindra giải thích:

Các khổ thọ thường nổi bật và rõ ràng hơn lạc thọ, vì khi những cảm thọ dễ chịu đến với ta, ta không quan tâm. Ngược lại, khi gặp những cảm thọ khó chịu, ta không thích, ta phê phán. Ta cần phải quan sát, đi sâu vào và xuyên thấu nó để hiểu biết nó.

Khi ta để tâm quán sát cảm thọ, ta sẽ thấy rằng chúng không đứng yên mà là một tiến trình, và sau cùng sẽ biến mất. Nhưng đừng mong cầu chúng đến hay đi. Nếu có mong cầu, ta phải hay biết đang có tâm mong cầu. Chỉ vậy thôi, không bám níu, không phê phán, không hy vọng. Cái gì đến, hãy thấy biết nó là như vậy trong giây phút ấy, không thích cũng không ghét. Nếu thích là cung cấp tham cho tâm, nếu không thích là bồi dưỡng tâm với sân hn. Cả hai cách đều làm cho tâm mất thăng bằng, không lành mạnh, không trong sạch.

Đối tượng tự nó không tốt không xấu mà chính tâm ta thêm màu sắc tốt hay xấu vào. Ta bị chúng tác động và rồi có phản ứng. Hãy nhẹ nhàng thư thái với tất cả những gì đang đến. Giữ tâm quân bình. Giữ tỉnh giác tròn đầy. Ta đang đi theo con đường trung đạo.

 Heather Stoddard cho rằng tu tập để vun bồi tỉnh giác “thật là đơn giản và trực tiếp” – không có nghi thức hay kiểu cách gì cả. Chỉ cần chú tâm vào đối tượng, hay biết và ghi nhận hai mươi bốn giờ mỗi ngày.

 Cô nói: “Cũng giống như tập lái xe đạp hay tập bơi, nếu không chính mình kinh nghiệm thì ta sẽ không biết gì về nó cả. Nhưng một khi đã có kinh nghiệm với sự nhận thức các chức năng của tâm rồi, ta không thể nào quên nó được; nó cũng không thể nào không ảnh hưởng đến đời sống của ta trong từng giây phút. Thực hành thiền minh sát bằng sự quan sát chặt chẽ và liên tục thân, tâm và hơi thở, tôi cảm thấy rằng những gì đã học hỏi suốt mười tám năm qua, từ gia đình hay học đường, thật không nhiều bằng những gì học hỏi được sau ba tuần lễ tại Bồ đề Đạo tràng với Thầy Munindra.”

 Ngài Munindra luôn nhắc nhở rằng chánh niệm là để thấy được sự thật trong từng giây phút. Thầy bảo Oren Sofer, “Cái gì đang xảy ra, đó là sự thật. Trong giây phút này, nếu tâm bạn bị xao lãng, đó cũng là sự thật. Hãy chấp nhận nó.”

 Lời khuyên này đã giúp Giselle Wiederhielm đối phó với cơn đau lưng dữ dội của cô trong một khóa thiền. Trong một bài pháp thoại, Thầy nêu rằng ngay cả một cơn đau cũng là đề mục tốt để ta sống với nó.

 Giselle nói: “Tôi học được nhiều khi nhìn thẳng vào cơn đau. Đôi khi ta không đương đầu với những gì đang thực sự xảy ra, nhưng bằng cách đối mặt với nó – với cơn đau – thì sẽ nhận thức được rằng không chỉ có cơn đau đang xảy ra mà thôi, và đó là một cách để hóa giải nó. Cũng phải chịu đựng ba ngày tôi mới hết đau. Và thật kỳ diệu vì tuần sau đó tôi không còn đau nữa.”

 Một lợi ích khác nữa của chánh niệm là nội lực tăng trưởng vì sức chú tâm không bị phân tán. Theo Gregg Galbraith thì khi làm việc gì, Ngài Munindra chú tâm trọn vẹn vào việc đó: “Khi ăn, Thầy hoàn toàn chú tâm vào việc ăn. Khi nói, Thầy đặt để trọn tâm ý vào việc nói. Nhưng bạn sẽ không thấy Thầy trải sự chú ý trên nhiều việc khác nhau trong cùng một lúc. Thầy có đức tính biết sống trong hiện tại. Nếu bạn định mua vé máy bay cho Thầy sang Âu châu, Thầy sẽ chú tâm vào việc này: ‘Giá vé bao nhiêu? Sẽ ngừng ở đâu? Thời gian bao lâu?’ Thầy muốn biết từng chi tiết, nhưng khi việc xong rồi, nó không còn ở trong tâm Thầy nữa.”

 Gregg có lần hỏi Thầy, “Sao Thầy có thể giữ chánh niệm trong từng giây phút khi phải lo nhiều việc khác ở ngoài đời? Thầy phải suy tính chuyện tương lai. Nếu phải đến trường, Thầy phải lo ghi danh và thu xếp việc này việc nọ?” Thầy nói rằng hãy cứ làm bất cứ việc gì phải làm – như sắp đặt một chuyến đi, dùng cơm chiều – nhưng khi đã xong rồi, đừng mất thì giờ nghĩ ngợi về nó. Bạn hãy sang việc kế tiếp.

Từng phút giây mới mẻ.

 Chánh niệm là cơ hội để trải nghiệm lại mọi thứ một lần nữa. Michael Liebenson Grady nhớ đến một giai đoạn đặc biệt trong một khóa thiền ba tháng lúc “mọi thứ trở nên phẳng lặng và buồn tẻ. Động cơ hành thiền của tôi bắt đầu tuột dốc và tâm tôi cứ phóng lang bạt khắp nơi. Thầy gợi ý cho tôi nên chú tâm vào hơi thở và coi như đó là hơi thở đầu và hơi thở cuối của mình. Với vài người khác thì lời khuyên ấy chắc không hiệu nghiệm lắm, nhưng đối với tôi quả thật là tuyệt diệu. Từ lời đề nghị ấy, tôi mới thấy rằng đem sự mới mẻ đến cho từng giây phút hiện tại thật là quan trọng, một ưu điểm tôi luôn luôn thấy ở Thầy.”

 Sharon Salzberg cũng thấy lời hướng dẫn đó thật hữu hiệu, nhất là khi mới học thiền ở Ấn độ, và không phải chỉ với từng hơi thở. “Tôi sống với từng bước chân, từng âm thanh, từng mùi vị cũng như thế,” cô viết trong cuốn Trái Tim Rộng Lớn Bằng Thế Giới.

 “Thực hành theo tinh thần ấy cho phép tôi chú tâm trọn vẹn và tức thì vào từng giây phút thiền tập. Từng mảnh vụn của con người tôi nối lại với nhau. Tôi không còn muốn so sánh hiện tại với những gì đã xảy ra trong quá khứ bởi vì quá khứ ở đâu nếu đây là hơi thở đầu tiên của tôi? Và nếu đây là hơi thở cuối cùng, chắc chắn tôi không thể hoãn lại việc cho nó sự chú tâm trọn vẹn đã bị đánh mất trong hy vọng sẽ có gì tốt hơn xảy ra.”

 “Tôi bớt có khuynh hướng sống thời khắc hiện tại với tâm phê phán, bởi vì làm sao tôi có thể phê phán những gì tôi đang trải qua mà không tưởng đến quá khứ hay tương lai? Thật là một phương cách đẹp đẽ và hữu hiệu để thực hành, cùng là một phương cách thật đẹp để sống và để chết.”

Ý nghĩ về mẹ của bạn là một ý nghĩ, không phải là mẹ của bạn.

 Ngài Munindra thường nhắc học trò mình rằng suy nghĩ và thiền không giống nhau. Thầy hay hỏi: “Bạn muốn suy nghĩ hay bạn muốn thiền?”

 Ngài phân biệt bằng cách nói về hai thế giới: một của ý niệm (tục đế) và một của thực tại (chân đế). “Đa phần con người sống trong thế giới của suy nghĩ. Thực hành Giáo pháp và hành thiền mới là sống trong thế giới của kinh nghiệm.”

Đối với Oren Sofer, lời khuyên răn trên có ý nghĩa: “Đời sống quá ngắn ngủi – những gì ta thực sự kinh nghiệm trong từng giây phút quả là phù du và chỉ thoáng qua – nên thật là si mê điên đảo nếu để mất thì giờ đắm chìm trong suy nghĩ và ý tưởng về những gì xảy ra, nó chỉ dẫn dắt ta rời xa sự thật.”

 Ngài Munindra hỏi các học trò mình:

 Quan sát tâm mình, bạn thấy được gì? Bạn sẽ thấy tâm mình thường xuyên nghĩ đến những điều ở quá khứ hoặc ở tương lai. Quá khứ không thật; nó đã qua rồi. Tương lai cũng không thật; nó còn chưa đến. Thực tại có thật; nó ở ngay trong hiện thời. Ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại. Cho nên ta phải biết sống viên mãn với đời sống thật có, thấy mọi sự vật như chúng đang là trong giây phút này.

Khi tâm chưa dứt suy nghĩ, ta không thể thiền. Thiền không là suy nghĩ, không là tưởng tượng. Thiền là tiến trình để thinh lặng tâm. Trừ phi tâm lặng thinh, sẽ không có kinh nghiệm, sẽ không phải là thiền.

 Ngài cho thêm thí dụ để làm rõ nghĩa hơn:

Một ý nghĩ về mẹ của bạn hiện ra trong tâm. Bạn không hề mời suy nghĩ ấy đến. Nó tự sinh khởi, và bạn hay biết đến nó. Tuy nhiên ý nghĩ ấy không phải là mẹ của bạn mà chỉ là một ý nghĩ, một hình ảnh. Nó tựa như một giấc mơ. Trong cơn mơ, bạn thấy đói, có thức ăn đưa đến, và bạn nhận lấy. Bạn ăn và nếm hương vị thức ăn trong mơ mà tưởng là thật. Khi thức dậy bạn biết đó chỉ là một giấc mơ, không có thật.

Chánh niệm từ cốt lõi.

 Ngài Munindra luôn xác quyết rằng chánh niệm là yếu tố then chốt và tuyệt đối thiết yếu cho việc thực hành Chánh pháp. “Trong bốn mươi lăm năm truyền bá Giáo pháp trên nhiều phần đất Ấn độ, dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau, cho nhiều người dân khác nhau, ở nhiều trình độ khác nhau, Đức Phật đã thuyết giảng khoảng tám mươi bốn ngàn bài pháp. Tất cả lời dạy ấy có thể tóm tắt lại trong một tiếng – appamāda, có nghĩa là chánh niệm, chú tâm, ghi nhớ. Appamāda đồng nghĩa với sati (chánh niệm).

 Danny Taylor nói, “Lời dặn dò này được Thầy nhắc một cách đều đặn và đúng thời điểm, như sinh hoạt của một chiếc đồng hồ.” Anh thỉnh thoảng tự hỏi tại sao khi Ngài Munindra giảng pháp, “lúc nào cũng chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi một điều. Vào đúng lúc gần hết giờ giảng, Thầy sẽ nói: ‘Nếu có gì không ổn về vấn đề này thì cũng không sao cả. Bạn chỉ cần nhớ một điều thôi, chỉ cần làm một bổn phận thôi, đó là phải có chánh niệm.’ Thầy luôn luôn chấm dứt bài giảng như thế.”

 Danny nói thêm, “Điều học được từ Thầy là đừng phân tích nhiều quá, sẽ bị mắc kẹt trong các nút thắt ấy. Vào cuối ngày, điều sẽ hóa giải được tất cả là sự tiếp tục giữ chánh niệm. Đừng để tâm lo nghĩ đến những hiểu biết của tri thức. Chỉ cần giữ chánh niệm.”

Chánh niệm luôn luôn có ích lợi.

  Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chánh niệm, Ngài Munindra trích dẫn lời dạy của Đức Phật: “Sati Sabbathikā Chánh niệm có ích lợi trong mọi trường hợp.” (Kinh Tương Ưng 46.53). Ngài giảng:

Chẳng hạn ta luôn cần có sự quân bình giữa trái tim và khối óc, giữa tình cảm và lý trí, giữa đức tin và trí tuệ. Hai bên đều cần thiết. Chánh niệm sẽ mang lại được sự quân bình này cho cả hai. Cũng vậy, quá nhiều tinh tấn khiến ta bất an, quá nhiều định dễ gây buồn ngủ. Làm sao biết được bao nhiêu tinh tấn là đủ, bao nhiêu định là đủ? Đó chính là công năng của chánh niệm. Khi có chánh niệm thì tự nhiên có quân bình giữa tinh tấn và định.

  Ngài thường nói, “Chánh niệm không những giữ vai trò chủ yếu trong việc làm hài hòa hai điều đối ngược nhau mà còn giúp đem ánh sáng của một ngọn đèn đến những nơi tăm tối. Chỗ nào có ánh sáng, chỗ ấy sẽ không có bóng tối. Chánh niệm luôn luôn là một tâm thiện, luôn luôn là một yếu tố tỏa sáng.” Ngài mô tả tại sao:

 Vì bụi đất bám đầy vô thức và tiềm thức, chúng ta cứ mãi trôi lăn hết kiếp này sang kiếp khác. Khi tâm được tĩnh lặng, mọi thứ suy nghĩ sẽ nổi lên trên bề mặt của ý thức, không phải do ai gửi chúng đến cho ta, mà đó chính là một phần của cuộc sống ta. Ta bị vướng chặt trong sự suy nghĩ. Thí dụ như trước đây có người nào đó đã la mắng ta nhưng ta cố đè nén nó. Rồi khi tâm ta vắng lặng, không nói, không bận rộn, mọi thứ đều có thể trồi lên. Lúc đó, ta thấy được nó vì ta đang có chánh niệm.

 Ta được khuyên nhắc phải cố gắng phát triển chánh niệm vì chánh niệm có khả năng chiếu sáng trên toàn vùng tâm thức. Khi các pháp đến, nhờ chánh niệm ta thấy được chúng đúng như chúng là vậy. Khi chúng đi vào bóng tối, chúng được nuôi dưỡng. Khi có ánh sáng, chúng không được nuôi dưỡng, không được bồi bổ và sẽ tan hoại.

Phận sự của ta là chỉ quan sát, một người quan sát thụ động: không làm gì cả. Khi ta chạy theo sắc này, thanh này, ý nghĩ này, ta hao phí năng lượng và tâm sẽ trở nên mệt mỏi, bấn loạn. Nhưng nếu là một người quan sát thụ động, khi có gì đến ta sẽ thấy rõ được nó trong ánh sáng của chánh niệm, và nó sẽ tan biến đi.

 Như vậy chánh niệm có công năng che chở, “bảo vệ tâm khỏi những ô nhiễm, phiền não, các trạng thái tiêu cực.” Ngài Munindra giảng thêm:

Bng chánh niệm, nhìn vào sáu cửa giác quan, ta sẽ không dính mắc. Nhưng nếu chấp thủ hay phê phán, đó là gieo điều kiện tạo nghiệp. Khi ta kinh nghiệm cái gì mà không tự đồng hóa với nó – cho nó là tôi là ta, không bám víu nó, không phán xét nó, đó là thanh lọc, là phá vỡ điều kiện tạo nghiệp. Một tiến trình thanh lọc và hóa giải đang diễn ra. Chánh niệm là yếu tố chính để diệt trừ ba gốc rễ bất thiện – tham, sân và si.

 Một lần Kamala Masters hỏi có khi nào Thầy nóng giận không. Thầy bảo:

 Có, nóng giận có đến, nhưng với một dấu hiệu, một tín hiệu. Đó là một cảm giác khó chịu. Mỗi khi có dấu báo đó, đừng để cơn giận tuôn thành lời nói, đừng để nó biến thành hành động. Hãy để nó đi qua. Hãy chánh niệm – quan sát nó và niệm thầm “giận, giận, giận.”

  Ngài cũng nói rõ thêm rằng cơn giận không phải là một khối cảm xúc bất biến, không thay đổi. Caitriona Reed thuật lại lời khuyên của Thầy cho một người cứ nóng giận liên tiếp: “Hãy để ý từng cơn giận, bạn sẽ thấy rằng chúng không cùng là một cơn giận. Bạn nói bạn nóng giận hoài, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy mỗi lần là một cơn giận khác nhau.”

 Chánh niệm có đặc tính xuyên thấu qua các tầng lớp của ý thức đến tận chiều sâu của tâm, nên chánh niệm cung cấp cơ hội cho ta giải quyết được việc hiện tại, quá khứ hay tương lai bằng một đường hướng mới. Thầy nói:

Bng sự thực tập kiên trì, toàn thể tâm thức bên trong sẽ nổi lên bề mặt của ý thức, không có gì bị che dấu. Đó là tiến trình tự khám phá. Khi ta càng đi sâu hơn nữa, bấy giờ mọi dấu ấn tích lũy trong đời sống hằng ngày bởi hành động và phản ứng sẽ trồi lên bề mặt và sẽ được tẩy sạch. Trong mỗi khoảnh khắc – có khi vui, có khi khổ, có khi tốt, có khi xấu, có khi tán loạn, có khi định tĩnh – bổn phận của hành giả là chỉ giữ chánh niệm, đừng vướng mắc vào các hiện tượng, và đừng phản ứng. Đức Phật luôn dạy ta phải có chánh niệm và tâm xả. Tỉnh giác và tâm xả, hai yếu tố này đi đôi với nhau.

Chỉ cần nhớ rõ một điều này.

 Những lời chỉ dẫn đơn giản của Ngài Munindra vẫn còn sức mạnh hỗ trợ cho các môn sinh của Ngài. Erica Falkenstein ghi nhận: “Những lúc bị căng thẳng, bực tức, tôi luôn nghe được tiếng Thầy nhắc: "Từng giây, từng giây một,’ và nó giúp tôi tập trung được tâm ý.”

Max Schorr cũng có kinh nghiệm tương tự: “Thầy là một vị Thầy tuyệt vời đến nỗi mỗi khi được tiếp xúc, Thầy giúp ta được thêm chánh niệm. Chỉ cần nhìn Thầy bước đi, phong cách khoan thai, cẩn trọng, từ mẫn và chánh niệm của Thầy tạo nơi tôi một tác động vô cùng mạnh mẽ. Mỗi lần nhớ đến Thầy là tôi được tiếp nhận thêm một ít chánh niệm.”

Oren Sofer nhớ mãi lời sách tấn của Thầy trước khi rời thiền đường, sau mỗi buổi pháp thoại: “Chỉ cần nhớ rõ một điều này – phải làm mọi việc trong chánh niệm.”

Với Ngài Munindra, chánh niệm soi tỏ con đường hướng về Niết bàn:

Nếu ta biết sống với chánh niệm và giới hạnhtrong sạch ngay trong giây phút hiện tại thì giây phút kế tiếp cũng sẽ tốt đẹp, viên mãn như vậy, và cứ thế ta tiếp tục xây dựng tương lai của ta. Sống như vậy là ta đang bước trên đường trung đạo, con đường dẫn ta đến tự do, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Này chư tỳ kheo, đây là con đường độc nhất

đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh,

vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu,

thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.

Đó là Bốn Niệm Xứ.

-Phật Ngôn-

Kinh Đại Niệm Xứ

Trung Bộ Kinh 10.2


sati: từ sṃr hay sar (nhớ, có trong tâm). Thông thường nhất, sati được dịch là “chánh niệm”, nhưng cũng là “ghi nhớ”, “tỉnh thức”, “chú tâm”, “trạng thái không quên, không mê mờ lẫn lộn”. Khi được xem là đồng nghĩa với appamāda, sati có nghĩa là cảnh giác, ý tứ, thận trọng, là sự có mặt của tâm ý để bảo vệ tâm khỏi bị ô nhiễm, bất thiện. Phối hợp với sampajañña, nó có nghĩa là tỉnh giác,sự sáng suốt, linh hoạt của tâm.

 Vì đặc tính chính là “không trôi nổi bềnh bồng” (apilāpanatā) nên sati trụ trên một đối tượng. Đó là tâm hay biết trực tiếp và chủ động về tất cả các hoạt động tâm vật lý, không bị pha lẫn với suy diễn hay phê phán sai lầm. Vì đặc tính ấy mà satipaṭṭhāna (tứ niệm xứ hay bốn lãnh vực quán niệm: thân, thọ, tâm, pháp) là cách thực tập chính để phát triển thiền định, thiền quán cũng như chánh niệm trong sinh hoạt hằng ngày mà không hàm ý làm tăng trưởng trí nhớ về quá khứ theo cảm quan của người Tây phương. Đúng hơn, chúng thúc đẩy sự ghi nhớ đúng cách, nghĩa là sự ghi nhận với trí tuệ (paññā), để thấy được sự vật đúng với thực tướng của chúng: vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Những tuệ giác này sẽ lần lượt bứng nhổ tận gốc các ô nhiễm trong tâm, dần dần đưa dẫn đến giác ngộ, giải thoát.

 Sati có mặt nhiều lần trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo: là chi thứ bảy (sammā-sati) trong Bát Chánh Đạo, chi thứba của ngũ căn (indriya) và ngũ lực (bala), và giác chi thứ nhất của thất giác chi (bojjihaṅga). Sati giữ vai trò trọng tâm của việc cân bằng các yếu tố khác.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn