(Xem: 1828)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2283)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

10-Mettā (Tâm Từ)

19 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 16295)

 

10-Mettā (Tâm Từ)

Thương yêu được kẻ thù, sẽ không có kẻ thù.


Bạn sẽ mang nhiều hạnh phúc đến cho người

bằng cách yêu thương họ.

MUNINDRA

 

 Bản chất thân thiện và nhân hậu của ngài Munindra đã có gốc rễ rất lâu từ mái gia dình cũng như từ ngôi làng nhỏ ở miền Đông Bengal, nơi Ngài lớn lên, trước cả khi Ngài biết hành thiền.

 Không chút ngần ngại, Ngài trìu mến mô tả cha mẹ mình là “dịu hiền và tràn đầy yêu thuơng”. Ngài mang ơn sâu sắc và thương kính cha mẹ vì biết ông bà đã chăm sóc mình với tất cả tấm lòng dịu dàng âu yếm. Vì vậy cũng không ngạc nhiên khi Ngài khó lòng hiểu được không khí lạnh nhạt, xa cách trong gia đình một số học trò Tây phương mà hậu quả là thái độ tiêu cực của họ đối với thân quyến. Ngài yêu thương mọi người và được mọi người khắp nơi thương mến là kết quả của sự dạy dỗ và chăm sóc từ thời thơ ấu, cùng với việc rèn luyện Giáo pháp về sau này.

 Ngài nói, “Tôi gặp gỡ mọi người với tinh thần cởi mở vì trong Phật giáo không có phân chia giai cấp. Trong thời thơ ấu, tôi không thấy khác biệt gì giữa tín đồ Ấn giáo, Phật giáo hay Hồi giáo. Các tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo cũng thương mến tôi, thường mời tôi đến nhà họ chơi, và cho tôi sách.”

 Ngài chỉ thấy sự kỳ thị của họ từ khi rời khỏi vùng làng quê an bình của mình. Năm 1938, khi vừa ra khỏi ga xe lửa Varanasi để làm việc cho Hội Mahabodhi ở Sarnath, Ngài thấy bóng dáng của tinh thần phân biệt tôn giáo lần đầu tiên. Ngài đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe các người bán hàng rao to, “Nước đây! Nước cho người Ấn giáo đây! Nước cho người Hồi giáo đây!” Ngài chợt hiểu là họ bán nước uống cho người đạo Hồi riêng và người theo đạo Ấn riêng. Suốt cuộc đời, Ngài không bao giờ chấp nhận tinh thần chia rẽ tôn giáo này. 

Tình thương không phân biệt. 

 Những ai kề cận Ngài Munindra trong một thời gian đều thấy Ngài là một người hiền từ và nhân đức, không hề phân biệt người nào đáng hay không đáng được thọ hưởng tình thương của mình. Em trai của Ngài, Govinda Barua, nhận xét: “Một điều nổi bật là anh tôi có thể hòa đồng với bất cứ ai, bất kể tuổi tác, giới tính, giai cấp, văn hóa, hay khác biệt nào. Anh thân thiện với mọi người, ai cũng như ai.”

 Dhriti Barua, cháu dâu Ngài, cũng xác nhận rằng Ngài không phân biệt trong cách đối xử dù đó là ai: “Nếu bác tôi cho con gái tôi một trái táo, thì bác cũng cho con trai người giúp việc một trái táo. Bác đối tốt với người này thì cũng đối tốt với người khác như vậy.”

 Uffe Damborg kể lại, lần nọ, Ngài Munindra đang bận rộn với các trẻ em trong một ngôi làng Hồi giáo ở bên ngoài Bồ đề Đạo tràng, có một nhà tâm lý học nổi tiếng người Đan mạch đến viếng. Tuy thế, Ngài chỉ sẵn sàng tiếp đón vị này sau khi đã làm việc xong với các em, vì Ngài luôn đối xử bình đẳng với mọi người.

 Trong một chuyến viếng thăm Kalimpong cũng vậy, nhiều người – giàu có, nghèo có – đến gặp Ngài. Họ đều được Ngài tiếp xử như nhau. Gita Kedia nhận xét, “Ở Dhamma Giri, ai ai cũng kính trọng Thầy, từ người phu quét đường đến vị giám đốc hay thiền sư, vì tình thương bình đẳng mà Thầy dành cho mọi người, dù đó là một người nghèo. Họ là ai, Thầy đều nhớ tên và biết họ từ đâu đến. Giáo huấn quan trọng nhất của Thầy là tâm từ mà Thầy luôn luôn ban trải tới mọi người.” Ngay cả sau khi Ngài qua đời, cô vẫn cảm nhận được tâm từ đó. Đối với cô, Ngài là biểu tượng của “tình thương, tình thương và tình thương.”

 Oren Sofer nói, “Tôi luôn ngạc nhiên, khâm phục và cảm thấy nhỏ bé trước cách Thầy đối xử như nhau với tất cả mọi người. Tôi nói mình nhỏ bé vì tưởng được Thầy đối xử đặc biệt bởi tôi đã dành nhiều thời gian ở cạnh bên Thầy. Nhưng thật ra, Thầy chăm sóc và quan tâm đến tất cả những người Thầy gặp gỡ như nhau.

 Rajia Devi, người đầu bếp của Đại học Antioch ở Bodh Gaya, kể rằng Thầy thường xuyên ghé qua khu bếp để hỏi thăm ban nấu ăn, như “Bạn khoẻ không? Gia đình bạn như thế nào?”

 Subhra Barua nói, “Chú Munindra có một tâm hồn cao thượng. Chú thương yêu tất cả mọi người, không hề phân biệt thân quen hay xa lạ. Luôn luôn mong tất cả được thoát khổ nên Chú hướng dẫn, khuyến khích mọi người tham dự các khóa tu học và hành thiền.” Ngài biết rằng biểu hiện cao cả nhất của tình thương là chỉ dẫn cho chúng sanh con đường giác ngộ.

 Tridib, anh của Subhra, thêm vào, “Mặc dầu Ngài là chú của tôi, nhưng tôi luôn có cảm nghĩ rằng Chú còn có một mái nhà, một gia đình ở bất cứ nơi nào trên thế gian này. Ngay cả khi trò chuyện với ông bán trái cây dạo hay anh kéo xe, Chú cũng có cung cách gần gũi và thân thiết như thể đã quen biết họ tự bao giờ. Với Chú, cả thế giới này đều là gia đình. Bản chất của Chú là vậy.”

Tất cả mọi người đều trong một gia đình. 

 Robert “Buzz” Bussewitz rất xúc động khi nghe Ngài Munindra trả lời điện thoại cho mẹ anh khi bà gọi vào Trung tâm IMS. Robert kể: “Dù chưa hề gặp một ai trong gia đình tôi, Thầy gọi bà là “Mẹ” và nói lời thương mến với bà. Thầy tỏ lòng như vậy vì biết bà là một bà mẹ, mẹ của tôi, và đó là cách Thầy nhìn các bà mẹ, những người Thầy tự nhiên cảm thấy thương mến, quan tâm và quý trọng. Thầy cũng biết là gia đình tôi đang có chuyện khó khăn. Chưa ai nói với mẹ tôi là họ yêu mến bà nếu chưa gặp bà, nhưng Thầy đã làm như vậy. Tôi thật cảm động.”

 Khi Max Schorr hỏi Ngài Munindra rằng Ngài có bạn gái bao giờ chưa, câu trả lời hóm hỉnh của Ngài làm mọi người ngạc nhiên, “Tôi có hàng ngàn bạn gái mà vô số nói với tôi là ‘Chúng ta được định mệnh sắp đặt để ở bên nhau.’ Tôi đã nhận hàng trăm lá thơ, ngỏ ý: ‘Chúng ta nên ổn định cuộc sống gia đình với nhau.’ Nhưng tôi đem lòng thương yêu tất cả.” Ngài không có “bạn gái” theo nghĩa thông thường bởi vì Ngài không bao giờ cảm thấy cần có một mối quan hệ riêng biệt dành cho bất cứ ai, nam hay nữ.

 Ngài giảng giải rằng có hai loại tình thương, trong đó có một loại tình thương cao thượng, trong sáng và không bị giới hạn: “Khi ta thưởng thức vẻ đẹp của một đóa hoa hay của bầu trời rộng lớn mênh mông, chúng ta có thể yêu thích nhưng không cần phải sở hữu chúng. Tình thương vô biên thì thanh khiết và không ngăn ngại. Khi tất cả bụi trần ô nhiễm đã được thanh lọc, sẽ không có bóng dáng sân hận, chỉ còn lại tình thương, chỉ còn lại một tâm thuần khiết, thanh tịnh.”  

Một phần tử của vũ trụ. 

Ngài Munindra có bẩm tính nhân ái với mọi loài chúng sanh. Khi Vivian Darst và Bob Ray dẫn Ngài đi xem sở thú ở nhiều thành phố khác nhau, cả hai đều nhận xét rằng Ngài rất yêu thích thú vật và muốn dừng lại ngắm từng loài một.

Khi phải ở đâu một mình trong một lúc, Ngài nói cho mọi người yên tâm, “Đừng lo cho Thầy. Ở đây Thầy có nhiều bạn lắm: nào là kiến, muỗi, chim chóc, và chư thiên nữa. Thầy không bao giờ đơn độc cả.” Ngài ý thức rõ mối tương quan và lòng yêu mến cho cả đến loài côn trùng nhỏ bé nhất. Ngài thường nói, “Chúng ta là một phần tử của vũ trụ này. Tôi luôn cảm nhận mối đồng cảm thân thiết không những với con người mà với cả muông thú và cây cỏ.” 

Như một người mẹ. 

 Có lẽ vì Ngài Munindra chú ý đến hạnh phúc của mọi người như của chính mình, nên có cách cư xử như một người mẹ.

 Shyam Sunder Khaddaria nhớ lại mỗi lần có người nào sắp sửa rời Trung Tâm Dhamma Giri để đi đâu, Ngài bảo, “Chờ một chút! Cần đem thức ăn.” Rồi Ngài vào nhà bếp, lấy một ít thức ăn và giục người ấy, “Hãy mang theo trái cây này.” Jack Kornfield ghi nhận, “ Tôi yêu thích cách Thầy chăm sóc chu đáo cho những ai ở cạnh bên Thầy.”

 Hòa thượng Kim Triệu Khippapañño cũng đồng ý, “Mặc dầu Ngài Munindra là một cư sĩ, Sư xem Ngài như mẹ của Sư. Ảnh hưởng tinh thần của Ngài đã làm thay đổi cuộc đời Sư. Năng lực từ tâm của Ngài là nguồn cảm hứng giúp Sư nỗ lực liên tục trên đường đạo.”

 Barry Lapping cũng xem Ngài như hình tượng một bà mẹ, “Thầy tràn đầy lòng từ ái với học trò như họ là con của Thầy. Thầy lúc nào cũng vui vẻ khi gặp chúng tôi, sẵn sàng ngồi xuống và dành thời gian cho chúng tôi. Tôi luôn cảm kích Thầy về chuyện này.” 

Hấp lực của Từ tâm. 

 Trong Từ Bi Kinh (Mettānisaṃsa Sutta), Đức Phật thuyết giảng mười một lợi ích của tâm từ (mettā), trong đó có ngủ và thức dậy trong yên vui, gương mặt an tịnh, định tâm nhanh, và được mọi chúng sanh – nhân và phi nhân – yêu mến (Tăng Chi Bộ Kinh 11.16).

 Ngài Munindra chắc chắn hưởng được những phúc lạc này và còn nhiều hơn nữa, đặc biệt là bản chất nhân ái của Ngài có hấp lực như nam châm. Sự thu hút mạnh mẽ này dễ dàng đi vào lòng những học trò cũ, thân quyến, bạn bè của Ngài. Với James Baraz, “nó đến từ trái tim nồng hậu và ân cần đón nhận của Thầy.”

 Shuma Talukbar nói, “Tôi chưa bao giờ gặp được một ai như Thầy, một người có thể tức khắc nhắc nhở tôi đến lòng thương yêu tự nhiên, vô điều kiện.”

 David Wong ghi nhận, “Phẩm hạnh cao cả của Thầy sống động mãi trong tâm tôi như lần đầu tiên gặp gỡ Thầy. Mỗi khi hình dung lại Thầy, tôi cảm nhận được một luồng tâm từ bi ấm áp, và nụ cười nở trên môi tôi.”

Tâm từ của Ngài mạnh mẽ đến nỗi vẫn còn gợi lại trong lòng Cha James “Jim” Willems niềm cảm xúc khi hai người ôm chào nhau sau một buổi trình pháp dài, “Trái tim của Ngài nồng hậu và rực rỡ tình thương.”

 Jeffrey Tipp, lần đầu tiên được gặp Ngài Munindra, đã khởi lên lòng tin tưởng bởi tâm từ vô lượng của Thầy: “Nơi Thầy toát lên một từ trường nhân hậu lạ thường khiến tôi phải nghĩ rằng, ‘Ồ, đây chính là kết quả của một đời thực hành Giáo pháp’. Điều ấy khiến tôi thật cảm kích và lập tức sẵn sàng đặt trọn tin tưởng vào những lời Thầy dạy. Thầy luôn trả lời những câu hỏi một cách từ ái, đôn hậu như của một người ông đối với con cháu. Ngài không đòi hỏi, chỉ vui vẻ và nhẹ nhàng khuyến khích.”

 Gita Kedia nghĩ rằng từ tâm của Ngài Munindra đã cuốn hút học trò đến với Ngài. “Từ ngày đầu tiên tôi gặp Thầy cho đến hôm nay, tôi không ngần ngại mà nói rằng hạnh từ bi của Thầy là một hấp lực. Tôi cảm kích ‘tình mẹ’ Thầy dành cho tôi. Từ trường đó đã dẫn dắt tôi đến với Thầy, với Đạo. Không có nó, bạn khó lòng đi xa đến như vậy để gặp Thầy. Bạn tất phải cảm nhận được sự thu hút này, và đó là một năng lực của Thầy.”

 Manisha Talukbar nói, “Thầy thân thiết với từng người và với mọi người. Bất cứ ai đến với Thầy, Thầy đều dịu dàng, ân cần tiếp đón khiến họ lập tức cảm thấy thật gần gũi với Thầy. Khi Thầy viết thư, tôi có cảm tưởng như thư ấy chỉ dành cho riêng tôi. Nhưng đó là cách viết thư mật thiết của Thầy cho mọi người, khiến ai cũng cảm thấy ‘mình là người duy nhất, là người thân mến nhất của Thầy.’”

 Manisha thêm, “Đối diện với bất cứ ai, Thầy đều nói năng với một giọng từ ái như nhau. Tôi đã gặp nhiều vị thầy, cả những vị từ nhiều truyền thống khác – có vị nói lớn tiếng, có vị hơi quá khích, có vị áp đặt người khác theo quan điểm của họ. Còn Thầy nói năng thật nhẹ nhàng, nhu thuận. Tôi nhớ về Thầy như vậy đó, là hiện thân của đức tính hiền hòa – qua cách nói năng, đi đứng, tâm tánh của Thầy. Thầy là tấm gương cho mọi người noi theo để sống và để biết rằng mối liên hệ quan trọng nhất giữa người và người là tình thương yêu và lòng bi mẫn.” 

Tạo bầu không khí thương yêu. 

 Khi được hỏi đặc tính nào quan trọng nhất ở một người thầy, Ngài Munindra trả lời, “Một vị thầy cần thương yêu học trò của mình, vì ai ai cũng mong muốn được hạnh phúc.” Tình thương của Ngài tạo một bầu không khí đầy khích lệ. Ricardo Sasaki nhận xét, “Thầy luôn mở rộng vòng tay đón nhận bạn, dù bạn là ai, già hay trẻ, bậc học giả hay người tầm đạo sơ cơ, và lắng nghe bạn với tất cả tấm lòng. Tôi thấy không có một phẩm hạnh nào tốt đẹp hơn như vậy nơi một vị thầy.”

 Với những ai cảm thấy truyền thống Theravāda của Miến điện quá khô khan, lạnh nhạt, nhất là nghiêm khắc, thì sự tử tế, nhu thuận của Ngài giúp họ quân bình tâm và đến gần Giáo pháp hơn. Ram Dass nói, “Tâm từ dịu mát của Thầy làm cho tim tôi hướng về đạo Phật. Chính Thầy là người đã kéo tôi đến với Đạo. Thầy hết lòng giảng dạy, niềm nỡ và thân thiết, khiến tôi không cảm thấy đang chạm trán với một xã hội huyền bí hay xa lạ nào đó, mà như trong không khí gia đình. Thầy yêu thương mọi người và là một vị thầy từ ái làm tôi thấy thoải mái an nhiên trong cách suy nghĩ Đông phương.”

 Ruth Denison mô tả sự hòa nhã của Ngài “như là một bầu không khí êm dịu – chỉ qua hình ảnh, nụ cười, nét thân thiện và vẻ nhẹ nhàng. Thầy không tỏ ra là một vị phụ tá thiền sư (cho Ngài Mahāsi) mà như chỉ ở đó để biểu hiện lòng từ bi và sự dịu dàng, nhu nhuyễn.”

 Jeffrey Tipp, dạy thiền tông Nhật, nói ông học được rất nhiều từ cung cách cư xử của Ngài Munindra: “Zen có một khía cạnh vô cùng cứng nhắc – do kỷ luật cùng lối dạy theo khuôn khổ – làm người ta cảm thấy khô khan, trong khi một vị thầy tài giỏi cần phải thư thái, nhu nhuyễn. Từ ái, nồng hậu mới thực sự là cách dạy Giáo pháp để mời đón và tiếp nhận hành giả. Zen có thể làm nản lòng người vì tính chất khắc khổ, dù vẻ đẹp huyền bí của zen dễ làm người ta thích thú và say mê. Tôi thấy mình không đi theo con đường đó. Tôi nhẹ nhàng, thân thiện hơn, và quan tâm đến việc gặp gỡ, tiếp cận mọi người. Tôi đã học được điều đó từ thân giáo của Ngài Munindra.”

 Với Philip Novak, gặp gỡ Ngài Munindra ở Bodh Gaya, vào cuối năm 1976, là được học bài học vỡ lòng về một cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho Đạo pháp. “Khi tôi bước vào, Thầy mỉm cười và sẵn sàng đàm luận với tôi. Thầy thật thân thiện, hòa nhã và rạng ngời từ tâm.” Sau đó, Philip lại gặp Ngài đang ngồi dưới ánh nắng ở cổng chùa Trung hoa, “đầu bóng nhẵn trên chiếc y trắng, các trẻ em vây quanh”. Hình ảnh đó khiến ông phải dừng bước “để ngắm nhìn và cảm nhận hảo tướng của Thầy.”

 Philip nói, “ngay cả nếu Ngài Munindra là một thiền sư vĩ đại nhưng lạnh lùng, tôi vẫn có thể học được một cái gì đó. Nhưng Ngài thật ấm áp và ân cần tử tế, cho tôi cảm nhận được lòng từ bi chân thật. Tôi nghĩ phẩm hạnh này tăng trưởng thêm sự hiểu biết của ta về việc gì ta đang làm ngay khi ta đang làm việc ấy.”

 Jack Kornfield cũng đồng ý, “Ngài Munindra nuôi dưỡng hạnh từ bi, tâm buông xả và lòng độ lượng mà, giờ đây, tôi nhận ra là rất cần thiết để tăng trưởng định tâm và tuệ giác.” Từ tâm và những suy nghĩ thiện lành là yếu tố đối trị nỗi bồn chồn, bất an và bất thiện ý, cũng như giúp cho thân tâm được mát mẻ, nhẹ nhàng, thanh thoát. Thiền niệm tâm từ giúp quân bình thiền quán (vipassanā), cho trí tuệ soi sáng tâm linh. 

Tất cả đều là anh em. 

 Để tạo bầu không khí thương yêu, Ngài Munindra kết hợp cảm nhận nhu thuận và gắn bó lẫn nhau. Trong khóa thiền đầu tiên ở Học viện Stillpoint năm 1977, tại thành phố San Jose, California, Ngài đã nói lời mở đầu trong bài pháp thoại thứ nhất như sau:

Tôi rất vui mừng được gặp các anh chị em trong pháp quyến. Tôi còn mới mẻ đối với anh chị em, nhưng trong tâm linh, tôi đã luôn luôn hằng ở bên cạnh tất cả. Tâm linh ở đây có nghĩa là chúng ta đang cùng đi trên con đường Đạo, con đường của sự chứng ngộ và giải thoát. Vì vậy tất cả chúng ta đều là anh em. Được thực hành Giáo pháp bên nhau, được gặp các bậc hiền trí và được kề cận họ là một phước lành cao thượng.

  Ann Shawhan nhớ rõ ràng một thông điệp Ngài đã gửi gấm trong ngày đầu khóa thiền: “Chúng ta, những người đang ngồi đây, đều là thành viên trong một gia đình. Những lời Thầy nói không là sáo rỗng vì tôi thật sự cảm nhận một mối liên hệ thân quyến, như chúng tôi đã từng ở bên nhau từ thuở nào, và giờ đây lại được ngồi bên nhau như anh em.”

 Nhiều năm sau đó, trong lúc tham dự chương trình Giáo dục Hải ngoại của trường đại học Antioch, Rebecca Kushins cũng có những trải nghiệm tương tự qua cách dạy niệm rải tâm từ của Ngài Munindra.

 Cô kể, “Tôi đã học địa hình của Bồ đề Đạo tràng khi nghe Thầy rải tâm từ bắt đầu từ chùa Miến điện. Vì mới đến Bồ đề Đạo tràng nên chúng tôi chưa quen thuộc nơi này gì mấy. Ban đêm chúng tôi thực hành thiền niệm tâm từ. Thầy biết rành Bồ đề Đạo tràng như trong lòng bàn tay. Thầy rải tâm từ đến từng ngõ ngách, từng quán xá, như thể Ngài muốn tâm từ lan tỏa đến khắp mọi nơi, không ngăn ngại. Ngài gửi lòng từ ái đến ‘tất cả chúng sanh ở chùa Miến điện, rồi tất cả chúng sanh trong vùng sông này, từ chùa này đến chùa nọ bên kia sông, qua ngôi làng của nàng Sujata, và đến khắp tiểu bang Bihar.’”

 Rebecca nói tiếp: “Chúng tôi là một phần của khu vực mới này, khung trời mới này, nên cách học biết nó tốt nhất là thương mến nó. Khi tôi ra phố, tâm tôi tự nhiên khởi niệm, ‘Nguyện cho mọi chúng sanh trong vùng sông này được an lành hạnh phúc’ hay ‘Nguyện cho tất cả chúng sanh vùng Bồ đề Đạo tràng đuợc an lành hạnh phúc.’ Đó là cách ta đi khắp mọi nơi, với tình thương.” 

Thu phục tam người bằng tâm mình. 

 Môn sinh của Ngài Munindra học được nhiều bài học dài lâu khi quan sát cách tiếp xử của Ngài, như việc Ngài có thể trò chuyện vui vẻ thân thiết với bất cứ ai.

 Một đêm nọ, Ngài đến dùng cơm tối ở nhà cha mẹ của Vivian Darst ở Seattle, sau khi cô từ Á châu trở về. Cô thật cảm kích khi Ngài thu phục được mẹ cô, “Thầy đã thuyết phục được mẹ tôi ngồi thiền, thật là một kỳ công ngoài sức tưởng tượng. Mẹ tôi là người nói thẳng, ruột để ngoài da. Bà rất to tiếng về chuyện thiền. Nhưng Thầy đối xử với mẹ rất tuyệt vời, bỏ ra hằng giờ nói chuyện với mẹ thật dịu dàng, ân cần, thân thiết và lắng nghe. Rõ ràng Ngài thông cảm với mẹ và hiểu nỗi khó khăn của bà khi ngồi thiền.”

 Qua cuộc viếng thăm đó và nhiều lần sau nữa, Giselle Wiederhielm, mẹ của Vivian, cũng nhận xét: “Bạn không thể không thương mến Thầy, và sẽ hoan hỷ khi được ở bên một người dịu dàng, nhân hậu như thế đó. Tôi chưa bao giờ thấy Thầy nóng giận. Thầy có khả năng giúp bạn thấy được điểm thiện lành, tốt đẹp trong vạn pháp. Ở cạnh Thầy, lòng bạn trở nên rộng mở, an nhiên tự tại và tròn đầy một niềm tin là Thầy lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ với bạn.”

 Ngài Munindra dạy tâm từ trong mọi tình huống của đời sống thường ngày. Robert Beatty thuật lại một bài học khi Ngài viếng thăm California lần đầu tiên vào cuối thập niên bảy mươi: “Từ Học viện Stillpoint ở San Jose, chúng tôi thường đến một công viên xinh xắn nơi góc đường để đi bộ tập thể dục vào buổi sáng. Lúc ấy có một người lang thang vất vưởng đang ngồi ở đó. Phản ứng tức thì của tôi lúc bấy giờ là ‘chớ lại gần gã này.’ Còn Thầy thì đi tới cạnh người ấy, ngồi xuống và nói chuyện đạo. Ngài thật tử tế với người ấy. Tôi vô cùng cảm động trước cảnh tượng đó. Bài học từ câu chuyện này là Thầy đã đối xử với người cùng khổ kia như một con người. Người ấy đã được hưởng một khoảnh khắc tình thương trong cuộc đời của ông ta. Thế rồi chúng tôi lại tiếp tục đi.”

 Zara Novikoff cũng tri ân Ngài đã dạy cho cô từ tâm này. Đối với cô, “Thật khó cho chúng ta hiểu được tình thương không bị dính mắc xúc cảm là gì, vì chúng ta hay bị lệ thuộc vào xúc cảm và làm theo xúc cảm. Tâm từ không như vậy. Tâm từ có nghĩa là nguyện cho bất cứ ai – cho dù họ không có dáng vẻ khả ái, tốt lành đối với ta – được hưởng phước lành trong Đạo pháp và trong cuộc đời thế tục.”

 Sư Vimalaraṃsi, trước là Marvel Logan – một thành viên nhóm thiền sinh ở Stillpoint, cũng chia sẻ về từ tâm của Ngài Munindra, rằng trái tim rộng mở, không ngăn ngại của Ngài có khả năng công hiệu chuyển hóa được tâm tánh người khác.

 Sư thuật lại, “Chúng tôi ra ngoài đi bộ vào mỗi buổi sáng. Ngài Munindra như có máy ra-đa, luôn biết được có ai đó đang cần một người tử tế, nhân từ để nói chuyện – dù người ấy là ai. Lúc ấy, Ngài mặc một bộ y trắng với chiếc mũ Ấn độ hình mũi nhọn, vì vậy rất nhiều người chăm chăm nhìn Ngài. Nhưng chẳng hề gì, Ngài bước ngay tới và hỏi thăm về những khó khăn họ đang gặp phải, và vì lòng nhân hậu ấy, ai ai cũng quý mến Ngài.”

 Sư Vimalaraṃsi nhấn mạnh rằng, trong những buổi đi dạo như vậy, Ngài đàm đạo với mọi người bằng ngôn ngữ đời thường. Đối với Sư, “Ở bên cạnh một người có tâm khoáng đạt rộng mở thật là một điều khích lệ. Ngài luôn để lại trong lòng người một niềm hoan hỷ sau cuộc nói chuyện với Ngài.”

 Sư kể, gần đó có một người hàng xóm lúc nào trông cũng có vẻ quạu quọ, giận dữ. Ngài thường dừng lại nói chuyện với ông và rải tâm từ đến ông mỗi ngày. Người đàn ông bẳn gắt này không bao giờ nói lời tốt lành với ai, mở miệng ra là nguyền rủa một chuyện gì đó. Vậy mà không đầy một tuần sau, mỗi khi ông thấy Ngài đi ngang qua, ông ta bước ra đón chào, mỉm cười vui vẻ và trò chuyện với Ngài.

 Sư Vimalaraṃsi ghi nhận là người đàn ông này chỉ thay đổi thái độ với Ngài Munindra mà thôi. Sư kể tiếp, “Vì vậy tôi cũng tập rải tâm từ đến ông. Ông hòa dịu được đôi chút nhưng vẫn có những lúc bất thường. Thật ra, năng lực quan yếu nhất của từ tâm không là ảnh hưởng đến người chung quanh, mà là ảnh hưởng đến chính ta và cách ta ứng xử với những gì đang khởi sinh trong tâm. Khi tâm không còn phản ứng với những tình huống không hài lòng đẹp ý, khi sự đáp ứng lại là cởi mở, độ lượng và từ ái, ta sẽ thay đổi cách nhìn, không đồng hóa mình với những ý nghĩ hay cảm giác bất thiện lành nữa, và bắt đầu thành tâm cầu mong cho người khác được an lành hạnh phúc. Từ ái giữ cho tâm được quân bình, dịu mát và mang lại an lạc. Ngài Munindra thật là một tấm gương sống động cho hạnh từ ái.”

 Oren Sofer cũng được mục kích lòng từ ái của Ngài qua một hành động thật đơn giản. Một ngày nọ, Ngài và Oren đang đi bộ lên chánh điện chùa Miến điện để hành thiền. Thình lình, Ngài hất một viên đá văng ra khỏi lối đi, rồi quay lại bảo, “Đó là mettā. Viên đá này có thể làm ai đó vấp té.” Oren nói, “Từ đó, thỉnh thoảng khi đi bộ loanh quanh, thấy cái gì nhỏ rớt xuống đất, tôi cúi xuống nhặt lên để người khác được an toàn.”

Cái Nhìn Không Phê Phán 

 Dù có một số người phê phán Ngài Munindra, nhưng Ngài không bao giờ phê phán lại họ. Ngài nói với Ajit Roy, “Không ai hoàn toàn. Tôi cũng không hoàn toàn.” Mặc cho ai nghĩ gì, Ngài vẫn rải tâm từ đến họ, chân thành chấp nhận họ là như vậy.

 Vào thời hàng đoàn người phương Tây tầm đạo kéo sang Ấn độ, Ngài Munindra không đánh giá bề ngoài hay thói quen của họ, Khanti Moraitis nhớ lại, “Họ ăn mặc lố lăng, sử dụng ma túy, và làm biết bao chuyện trái khuấy khác nữa. Thế nhưng không bao giờ tôi nghe Thầy bảo, ‘Đừng làm như thế nữa!’ mà chỉ nói, ‘Bất cứ chất liệu nào làm tâm trí mê mờ sẽ không giúp ích cho việc hành thiền.’ Vậy thôi. Thầy không xét đoán, chỉ trích ai bao giờ. Thầy có cách đến với bạn mà không áp đặt bạn phải theo Thầy. Sự dịu dàng, nhu nhuyễn của Thầy đã chuyển hóa cuộc đời nhiều người, trong đó có tôi.”

 Stephen Strange cũng thật cảm kích khi nhìn thấy Ngài Munindra dễ dàng chấp nhận mọi người. “Thầy gây niềm cảm hứng và khích lệ người khác thay đổi tốt đẹp hơn. Nhìn cách Thầy liên hệ với mọi người, tôi cũng muốn được như vậy – không xét đoán, chỉ mở rộng lòng và chân thành quan tâm đến người khác, giống như cha mẹ thương yêu trìu mến con của mình. Tôi thật sự xem Thầy như người cha đỡ đầu của tôi.”

 Với John Travis, Ngài Munindra là tấm gương sáng của ông, và nhận ra ảnh hưởng của Ngài vẫn còn tiếp tục, “Tôi không cố tâm cầu viện đến Thầy, nhưng dường như một năng lực của từ tâm – mà Thầy nhắn gởi – đã giúp tôi ứng xử đúng cách khi giảng dạy Giáo pháp. Chẳng hạn như trong buổi trình pháp, một thiền sinh nhiều lần kể về nỗi khó khăn của mình. Trong tâm tôi, một bên thì nói: ‘Ồ! Chuyện này mình đã nghe ba lần nghe rồi!’ (Cười) Còn một bên như lại thấy khuôn mặt trong sáng, cởi mở, không phán đoán của Thầy. Nhớ đến phẩm hạnh đó, tôi cố gắng noi theo, và nhờ vậy bỏ qua được tâm phê phán, nghiêm khắc hay thiếu cảm thông của mình để trở lại với tâm rộng mở, độ lượng và chân thành hơn.”

 Thái độ không phê phán này của Ngài đôi khi khó cho học trò hiểu được trọn vẹn. Peter Meehan nói, “Tôi rất tri ân Thầy đã bỏ thì giờ chăm sóc chúng tôi. Nhưng Thầy cũng hành xử như vậy với mọi người, ngay cả với những ai mà nếu hỏi ý kiến tôi và tôi trả lời rằng: ‘Đó là một kẻ vô dụng,’ Thầy cũng chẳng màng. Thầy còn nâng đỡ tinh thần cho những người mà tôi nghĩ tâm thần không mấy bình thường. Tôi tự hỏi, đối với người Tây phương, không biết thái độ không phán đoán của Thầy có quá mức chăng.” Joe DiNardo cũng đồng ý, “Hạnh không phê phán của Thầy đôi khi thái quá,” nhất là với những người lợi dụng lòng nhân hậu của Ngài.

Thấy cái tốt nơi người khác. 

 Ngài Munindra có khả năng kỳ diệu chỉ nhìn thấy cái tốt của người hơn là chú ý vào nhược điểm của họ. Trong một cảnh ngộ mà người khác có thể giận dữ và nung nấu oán hờn, Ngài thì lại tha thứ và không chút phiền hận. Tâm từ có tác động làm êm dịu những chao động, bực dọc.

 Ngài nói, “Mọi người đều có những tâm tánh căn bản, tốt có, xấu có, nhưng tôi tin vào thiện căn của con người.” Ngài hiểu rõ nguyên nhân gần làm tâm từ sinh khởi là biết nhìn vào khía cạnh thiện lành của con người.

 Cháu Ngài, Tapas Kumar Barua, có lần hỏi Ngài là có kẻ xấu trên cõi đời này không? Ngài trả lời, “Có chứ. Không phải thế giới này không có kẻ xấu, nhưng chú chưa bao giờ gặp họ vì năng lực của từ tâm trong chú không cho phép họ đến gần được.”

 Ngài Munindra giải thích rằng nếu một người có ác ý nào tiếp xúc với Ngài thì họ sẽ thay đổi do Ngài biết cách chuyển hóa tâm của họ. Maria Monroe cũng xác nhận bản tính của Ngài là tin vào thiện căn của con người. Bà nhớ lại, lúc ở chùa Miến điện tại Bồ đề Đạo tràng, bà muốn tham khảo các sách Phật học cất trong tủ kiếng nơi thư viện nhỏ của Ngài. Bực mình vì tủ sách bị khóa kín, bà cộc cằn than phiền với Ngài.

 Một thiền sinh không hài lòng bởi cách phát biểu tiêu cực này đối với thầy của họ nên nói, “Maria, cô tệ quá.” Nhưng Ngài, thật tử tế và lạc quan như thường lệ, bảo rằng: “Không, không, cô ấy là người tốt, nhưng chúng ta cần giúp cho cái tốt của cô được thể hiện.”

Tình thương không điều kiện. 

 Tình thương vô bờ bến của Ngài Munindra đã để lại dấu ấn lâu dài cho nhiều người. Một số người đã nâng niu ấp ủ kinh nghiệm đó vì nó chữa lành được vết thương trong tâm hồn họ.

 Nhớ lại những năm tháng sống bên Ngài ở Ấn độ và những lần Ngài viếng thăm Hoa kỳ, Jack Engler tâm sự: “Khi hồi tưởng về Thầy, điều đầu tiên tôi nhớ đến không là giáo huấn bao la Thầy từng chính thức giảng dạy, cũng không là bao nhiêu thời gian đã dành ra đàm luận bên nhau, hay những lúc sống cạnh Thầy, hoặc tình đồng đạo với Thầy, dù thật gần gũi, thân thiết và lâu dài. Không, những gì tôi mang theo trong lòng, sâu xa nhất và quan trọng nhất – mà tôi hằng tri ân từ lúc kề cận Thầy đến tận ngày hôm nay – là niềm tin vững chắc rằng Thầy yêu thương tôi và tin tưởng nơi tôi. Điều này lưu giữ trong tâm tôi sâu đậm hơn bất cứ chuyện gì khác. Thầy có nhìn thấy những nhược điểm và hạn chế của tôi, nhưng Thầy vẫn yêu thương tôi. Điều ấy, tin hay không, đã khai mở tâm tôi.”

 Trong Từ Bi Kinh (Karaṇīya Mettā Sutta), tâm từ được diễn tả như tình thương và sự che chở của một người mẹ dành cho đứa con duy nhất. Riêng Rebecca Kushins lại thấy tâm từ ái của Ngài Munindra làm gợi nhớ đến tình thương của người ông mình.

 Cô tả lại ngày đầu tiên cô và nhóm học viên Antioch gặp Ngài, “Chúng tôi đang viếng thăm chánh điện chùa Miến điện. Thầy bước vào, mình choàng tấm y trắng, trìu mến nhìn hết thảy chúng tôi với nụ cười đẹp, sáng ngời và thật an tĩnh. Ngay lập tức, Thầy làm tôi nhớ đến ông tôi, một người tôi rất gần gũi từ thời bé. Ông qua đời vài năm trước, và tôi nhớ ông vô cùng. Nếu tôi phải suy nghĩ ai đã là người dạy tôi Giáo pháp đầu đời, đó là ông tôi, vì ông bị điếc và rất trầm tĩnh nên ông cháu tôi giao tiếp trong yên lặng. Với Thầy, tôi có cảm giác như đang học hỏi với ông tôi và đang được thọ hưởng tình thương của Thầy như tình thương của một người ông dành cho đứa cháu bé bỏng.”

 Rebecca nói thêm, “Tôi nhận được nhiều nhất là tình thương không điều kiện toả sáng lên từ Thầy. Với tôi, đây là điều quan yếu nhất trong Pháp bảo. Ngay cả khi Thầy đang giảng dạy về tuệ giác hay những pháp trí siêu việt, nơi Thầy vẫn luôn toát lên một từ tâm thanh thản, nhẹ nhàng, không quá cao siêu – một tình thương thật gần gũi thân quen mà tôi có thể hiểu và cảm nhận được.”

 Khi chương trình tu học chấm dứt, Rebecca trở về Mỹ, cô tự hỏi làm sao để tiếp tục pháp hành mà không có sự hướng dẫn của một vị thầy như Ngài Munindra. Cô nói, “Trong ít nhất một năm đầu, việc thực hành của tôi chỉ bao gồm ngồi yên lặng, nhớ đến giọng nói của Thầy và, đặc biệt nhất, là cách Thầy niệm rải tâm từ với giọng Ấn độ nhẹ nhàng: ‘Mong cho bạn được an vui và hạnh phúc. Mong cho bạn tràn đầy tình thương và khoan dung tha thứ. Mong cho bạn được nhu thuận và thanh tịnh tĩnh lặng.’”

Rebecca nói tiếp: “Nhớ đến Thầy như vậy, tôi có thể tọa thiền với bất cứ điều gì sinh khởi trong tâm. Bạn có biết khi những con ngỗng trời bay thành đàn hình chữ V, chúng dùng luồng khí chuyển động từ cánh đập của nhau để nâng đỡ nhau bay không? Cũng vậy, Thầy như con ngỗng trời đầu đàn bay phía trước, vỗ đôi cánh của mình, và tôi cứ bay theo, bằng cách nhớ lại lời Thầy dạy, như ‘Không phê phán, không lên án,’ hay cách Thầy niệm rải tâm từ. Chỉ cần nhớ đến năng lượng từ bi Thầy đã chuyển giao qua cách giảng dạy, là tôi được tình thương ấy nâng đỡ. Thầy đã ban tặng cho tôi một cảm giác nương tựa chân thực.”

 Với Karen Sirker, tâm từ của Ngài Munindra cũng có ý nghĩa và khả năng chuyển hóa như vậy. Cô kể, “Tôi đến từ một gia đình rất xấu xa, hung hãn, ngược đãi và không hòa thuận. Chung quanh tôi toàn cứu vớt cuộc đời tôi vì dạy cho tôi biết huân tập tình thương vô điều kiện. Tôi cảm thấy thật may mắn được ở bên cạnh những vị thầy chan hòa tình thương đó, như Thầy và bà Krishna Barua phụ giảng với Thầy.”

 Cô nói tiếp, “Thầy vẫn mãi còn ảnh hưởng đến cách tôi đối xử với người khác – cố gắng mở rộng tâm mình, độ lượng, và không xét đoán người. Thầy luôn đối xử với mọi người như vậy, tôn trọng và yêu thương vô điều kiện. Thật kỳ diệu khi được mục kích và thọ hưởng tình thương ấy.”

Thuong mình sẽ không hại người.

Tâm từ của Ngài Munindra như là viên đá lót đường đi cho học trò mình. Dẫn chứng bằng những lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, Ngài giảng giải rõ ràng rằng chỉ chấp nhận và thương yêu người khác cũng chưa đủ mà còn phải chấp nhận và thương yêu chính mình:

Nếu không thương yêu chính mình thì ta cũng không thể thương yêu người khác. Nếu ta thực sự thương mình, ta không thể suy nghĩ sai lầm, nói năng sai lầm, hành động sai lầm. Nếu biết cách tự thương mình, ta sẽ không mang oán hận đến bất cứ nơi nào. “Tâm dẫn đầu tất cả các thiện pháp và ác pháp.” Khi tâm được thanh lọc, tâm sẽ tạo thiện nghiệp. Khi tâm không bị ô nhiễm, hành động của ta sẽ trong sch, thế giới sẽ trong sạch. Khi ta nói, lời nói sẽ sáng suốt, hòa nhã, thân thiện. Nếu ta không hiểu sự sân hận của mình và để nó chi phối, tâm sẽ bị đầu độc, thân sẽ bị tổn hại, hành động sẽ gây xung đột, oan trái. Mọi người ai cũng đều như thế.

Tâm từ mang lại tình thương, cho thân an tâm lạc. Nếu ta làm điều tốt cho người, điều ấy cũng tốt cho ta. “Hận thù không bao giờ diệt được hận thù trong cuộc đời, chỉ có từ bi mới diệt được hận thù. Đó là định luật thiên thu.” Không có sự khác biệt giữa tình thương của người Mỹ hay của người Ấn độ. Tâm có sức mạnh kỳ diệu nên hãy để tình thương từ tâm thanh khiết lan tỏa khắp con người mình. Nếu ta thương yêu được kẻ thù, ta sẽ không có kẻ thù. Đây là con đường duy nhất ta có thể mang phúc lạc lại cho thế gian này.

 Ngài Munindra cũng khuyên nên tha thứ cho chính mình và người khác, vì “tha thứ làm tâm mềm mại, nhu thuận.” Theo truyền thống, trước khi hành thiền niệm tâm từ, Ngài nguyện: 

Nếu tôi có ý nghĩ, lời nói, hành động sai lầm gây thương tổn cho cha mẹ, thầy tổ, các bậc trưởng thượng hay với bất cứ ai, do vô tình hay cố ý, xin mọi người tha thứ cho tôi.

Tôi xin hoàn toàn tha thứ cho tất cả những ai đã có ý nghĩ, lời nói, hành động gây thương tổn cho tôi, buộc tội hoặc hiềm hận tôi.

Tôi xin tha thứ cho chính tôi, và nguyện từ đây làm lành, lánh dữ, giữ gìn tâm ý trong sạch.

 Hơn bất cứ một pháp thoại nào, chính sự hiện diện tràn đầy từ ái của Ngài đã khích lệ người khác chấp nhận và thương yêu chính họ.

 John Burgess nắm bắt được điều này khi chở Ngài đi quanh Hawaii. Từ cái nhìn ban đầu, ông nghĩ, “Chao ơi, Thầy giống thánh Gandhi quá, y như một bậc thánh. Ta phải cư xử như thế nào đây? Ta phải làm gì khi ở bên một vị Phật? Thầy thấy hết mọi chuyện và biết rõ bản chất của con người!” Đến khi tiếp cận với Ngài nhiều hơn, ông nhận ra, “Tôi chỉ việc nguôi dịu căng thẳng, trở về con người thực của mình, thân thiện và tử tế, và chăm sóc Thầy hết sức mình.”

Rải tâm từ ngay cả khi ta không muốn.

 Danny Taylor nhớ lại câu chuyện Ngài Munindra kiên nhẫn dạy tâm từ cho một thiền sinh bất mãn về các tiện nghi trong khóa thiền: “Những thiền sinh Đức không chịu được muỗi. Với giọng điềm tĩnh và khuyến khích, Thầy bảo với một người than phiền:

 ‘Con phải thương chúng, rải tâm từ cho chúng thôi.’ Người thanh niên trở lại và nói anh không làm được. Thầy hiền từ khích lệ, ‘Con phải thương chúng nhiều hơn nữa.’”

 “Tới giờ tôi vẫn còn hình dung được người thanh niên Đức đẹp trai này bực mình nói, ‘Con không chịu đựng nổi nữa. Chúng ta phải làm một cái gì đó.’ Thầy trả lời thật chân thành, ‘Ồ! Con cần thương mấy con muỗi thêm.’ ‘Con không nghĩ chỉ làm như vậy là được.’ ‘Ồ! Được chứ. Thầy nghĩ là được. Con chỉ cần kiên cố chánh niệm và thật tâm thương chúng là được.’ ‘Được rồi, con sẽ cố gắng thêm.’”

 “Ngày hôm sau, người thanh niên trở lại nói rằng: ‘Không được, Thầy ơi. Thật khó quá.’ ‘Ồ! Không, không. Rồi sẽ được. Thầy lúc nào cũng thương chúng. Chúng không làm phiền thầy cho lắm vì thầy thật tâm thương chúng.’”

 Danny nói những người nghe được những mẩu đối thoại này đều hưởng lợi lạc từ lời dạy của Ngài và có thể áp dụng vào việc thực hành cho chính họ. Danny giải thích thêm: “Không phải Thầy không lắng nghe về những nhu cầu thực tế mà ta gặp phải, nhưng Ngài bỏ qua khía cạnh ấy, và tôi hiểu ý của Ngài muốn nói từ việc này là, ‘Thật ra chúng ta cần thực tế về chuyện này, nhưng đồng thời cũng phải tu sửa tâm mình.’”

 Khi Gregory Pai chia sẻ với Ngài Munindra là cuộc sống anh chưa được ổn định vì gặp khó khăn với người sếp ở sở làm. Thoạt tiên anh cũng ngần ngại trước lời khuyên của Ngài, “Thầy dạy, ‘Con nên làm như thế này, sáng mai việc đầu tiên là đi ngay vào văn phòng của sếp con, xin lỗi ông, và nói rằng: Tôi thành thực xin lỗi về những hiểu lầm, những căng thẳng, hay những vấn đề đã xảy ra giữa chúng ta, hay có thể do tôi gây ra. Tôi mong ông tha lỗi, và muốn ông biết rằng tôi sẵn lòng và hết sức cố gắng cải thiện cách làm việc để ông vừa ý và vui lòng.’”

 “Khi nghe Thầy bảo như vậy, phản ứng đầu tiên của tôi là, ‘Không bao giờ, không bao giờ con làm như vậy.’ Thầy nhìn thẳng vào mặt tôi và nói, ‘Không, không. Con cần làm như vậy.’ Tôi đành nói, ‘Thôi được, để con suy nghĩ lại xem.’”

 Gregory kể rằng anh về nhà, suy nghĩ đến lời Thầy, và nhận ra rằng Thầy đúng. Vài ngày sau, anh đi vào gặp người sếp và nói như lời Thầy đã khuyên. Anh nhớ lại, “Không biết những lời xin lỗi ảnh hưởng đến ông sếp tôi được bao nhiêu, nhưng tôi thấy ông dịu bớt đôi chút. Đây là một cách ứng xử không mấy theo trực giác tự nhiên; thông thường ta không làm như vậy. Nhưng đó là cách ứng dụng giáo lý để xử trí với những người gây khó cho ta, hầu loại trừ hết thảy các nhân sân giận hay ác ý, bằng tất cả cố gắng của ta.”

 Những lúc gặp khó khăn, Gregory lại tiếp tục hồi tưởng đến đức tính từ ái của Thầy, “Mỗi khi phải cố gắng vượt qua các thử thách hay phải đương đầu với những biến động tình cảm trong cuộc đời, thì Thầy lại đến trong tâm tôi. Thầy như là một nguồn hạnh phúc di động, mang phước lành đến bất cứ nơi nào Thầy đi qua, chỉ bằng nhân cách, năng lực và sự hiện diện cởi mở, thân thiện tuyệt vời của Ngài. Tôi thường tự hỏi, ‘Không biết Thầy sẽ nghĩ gì hay làm gì trong trường hợp này?’ Với tôi, Ngài là hiện thân của Đạo, là một ẩn dụ, một tiêu chuẩn sinh động cho Giáo pháp.”

Cứ làm, nhưng với từ ái trong tâm. 

 Với Ngài Munindra, sống với hạnh từ bi không có nghĩa là cho phép người khác lợi dụng hay đối xử tàn tệ với mình. Chẳng hạn, Ngài không chấp nhận bị lừa đảo mặc dù không bao giờ tỏ ra khó chịu về chuyện này.

 Christina Feldman nói, “Thầy luôn hòa nhã, tử tế ngay cả trong lúc trả giá từng món hàng Ngài mua.” Ngài khuyên học trò cũng làm như vậy, vì Ngài rất trung thành với lời dạy của Đức Phật trong Kinh Kakacūpama (Trung Bộ Kinh 21), ‘Dù người ta đối xử với con như thế nào đi nữa, con cũng phải huân tập và giữ bền tâm xả, không thốt lời hung ác, sống với lòng lân mẫn, với tâm thiện lành, với nội tâm không sân hận.’”

 Sharon Salzberg nhớ lại một câu chuyện xảy ra chứng minh cho lời dạy này. Lúc ấy cô và một người bạn đồng hành đang đi xe kéo trong một con đường hẹp ở Calcutta. Thình lình, từ trong bóng tối, một người đàn ông to lớn bước ra chận đường và cố lôi cô ra khỏi chiếc xe kéo. Hình ảnh bị hãm hiếp và sát hại loé lên trong tâm làm cô kinh hoàng, không biết phải làm gì. Người bạn đồng hành của cô đẩy được gã say rượu ra, và thúc người kéo xe tiếp tục chạy tới ga xe lửa.

 Khi về tới Bồ đề Đạo tràng, Sharon kể lại cho Ngài Munindra nghe và hỏi Ngài cô phải phản ứng như thế nào trong tình huống đó. Ngài hỏi cô, “Con có mang cây dù theo không?” Cô trả lời, “Dạ có.” Ngài ôn tồn bảo, “Vậy thì, với tất cả từ ái trong tâm, con nên lấy cây dù đập vào đầu người đàn ông đó cho đến khi ông ta buông ra và bỏ đi.” 

Nơi nào có tình thương, nơi đó không có sự chia ly. 

 Nói lời giã biệt thường gây sầu khổ, nhưng với Ngài Munindra, tâm từ trôi chảy vượt qua khỏi bất cứ chướng ngại nào.

 Jack Engler hồi tưởng lại lần chia tay cuối cùng với Ngài sau một thời gian dài học với Ngài ở Ấn độ, “Tôi nhớ mình đang đứng trước hành lang dẫn vào phòng Thầy ở chùa Trung hoa, tại Bồ đề Đạo tràng. Không biết đến bao giờ được gặp lại Thầy lần nữa, tôi nghẹn lời. Thầy tiến về phía tôi, mở rộng vòng tay, ôm tôi ấm áp. Lời cuối cùng của Thầy là, “Nơi nào có tình thương, nơi đó không có sự chia ly.”

 Thông điệp này được lập lại trong những lá thư Ngài gởi, nâng đỡ tinh thần người nhận rất nhiều. Robert Pryor nói những lá thư của Ngài Munindra là nguồn khích lệ tràn đầy tin cậy cho ông, “Tôi đang bận sắp xếp cho chương trình Antioch, chợt thấy trong hộp thư ở văn phòng một lá thư mỏng gởi từ Ấn độ, tôi biết ngay là lá thư gì. Chỉ mới cầm lấy và mở lá thư ra, tôi đã cảm nhận được sự ấm áp và nâng đỡ như là lần đầu tiên tôi mời Thầy dạy cho chương trình này.”

 Ông kể tiếp: “Các bức thư luôn mở đầu với, ‘Thầy hy vọng con được khoẻ mạnh và hành thiền tốt đẹp.’ Và lời kết thư luôn là, ‘Thầy hứa hỗ trợ con, và Thầy luôn trân trọng những gì con đang làm.’ Thật là những lá thư mang lời chúc phúc đầy ấm áp, ân cần và trìu mến đi vào lòng người.”

 Ginny Morgan nói Thầy lúc nào cũng kết thúc thư bằng những lời chúc phúc dài, thật dài, dài đến vô tận, rồi ký tên với “Bạn Đạo của con” hay là “Bạn của con trên đường phụng sự Giáo pháp.” Ngài giải thích:

Tôi luôn rải tâm từ cho học trò của mình. Nếu họ chân thành và ngay thật, dù không ở gần nhau, cách xa ngàn trùng, họ vẫn ở trong tim tôi. Bất cứ ai đang phụng sự Giáo pháp ở bất cứ nơi nào trên thế giới, tôi cũng trân quý họ. Tôi rải tâm từ đến họ, mong họ được tăng tiến, được thành tựu.

Với cách này, tuy thân tôi xa họ nên không trực tiếp giúp được, nhưng tâm tôi lúc nào cũng gần bên họ. Vì vậy, tôi luôn chia sẻ bất cứ công đức nào gặt hái được với những ai phụng sự Giáo pháp, tận tụy với thế gian. Với phước lành cao thượng này, cầu mong cho các bạn được sống lâu, khoẻ mạnh, hạnh phúc, an vui, thạnh lợi, vì sự lợi ích của chúng sanh, vì sự an lạc của nhiều người.

 Ngài Munindra cũng làm tương tự như vậy khi Ngài đích thân từ giả người nào, khi mở đầu một khóa thiền, kết thúc một bài pháp, hay lúc bày tỏ lòng biết ơn. Theo Lynne Bousfield, đôi khi tâm từ được Ngài chú nguyện với giọng trang nghiêm lan tỏa mạnh mẽ đến nỗi, “bạn như bị tâm từ đánh động.”

 David Hopkins nhớ lại một kinh nghiệm ở Dhamma Giri khi anh và một người bạn chuẩn bị rời trung tâm sau khóa thiền, “Thầy đứng đó và chúc phúc, ‘Mong các con được hạnh phúc, an lành và giải thoát.’ Hai bàn tay Thầy chấp lại, tôi thấy Thầy như đang chuyển tải năng lực của tình yêu thương từ lòng bàn tay Thầy để gởi tặng chúng tôi một luồng khí từ bi mạnh mẽ, kéo dài trong suốt chuyến xe lửa đến Bombay.”

 Lời tiễn biệt Bryan Tucker nhận được ở Dhamma Giri cũng làm anh xúc động tột cùng. Ngài Munindra đặt bàn tay lên đầu anh, chú nguyện, “Mong con được hạnh phúc; mong con được an lành.”  Nếu một người nào khác làm như vậy, Bryan có thể sẽ gạt đi, xem như là một câu nói đùa hay một trò vui tinh nghịch. Nhưng với Ngài thì “lời chúc phúc đó thật thành khẩn và chân thật. Quả là một trải nghiệm vô cùng sâu sắc, mãnh liệt.”

 Rồi đến lúc Ngài Munindra nói lời vĩnh biệt cuối cùng với thế gian này, dù hấp hối trên giường bệnh, tâm từ của Ngài vẫn tỏa sáng, và Ngài vẫn chúc phúc cho tất cả những ai đến viếng thăm mình lần cuối.


Do công năng thanh lọc tâm khỏi sân hận, ác ý, Này thiện hữu,

Tâm từ dẫn đến giải thoát

Phật Ngôn

Trường Bộ Kinh 3.234

 



 

mettā: từ gốc mid (làm mềm dịu, thương yêu) và mitta (bạn lành) như trong kalyāṇamitta (thiện tri thức). Mettā được dịch là “tâm từ”, “từ ái”, “thiện chí”, “lòng nhân từ”, hay “tình thân thiện”. Mettā làm dịu mát tâm trí và trái tim, đem đến một tính khí ân cần, hiền hòa, thân thiện, không vị kỷ hay vụ lợi. Như thế mettā là ước nguyện mạnh mẽ cho mọi chúng sinh, kể cả mình, được phúc lợi và an vui, và từ đó dẫn đến lòng bi mẫn (karunā). 

Gốc của chữ mettā bao gồm ý nghĩa “êm dịu”, như một cơn mưa nhẹ nhàng thấm nhuần và làm dịu mát mọi nơi đều như nhau, và ý nghĩa “hơi ẩm mát” để khắc phục những trạng thái tâm khô cằn, dễ vỡ, cứng ngắc.

 Đứng đầu trong tứ vô lượng tâm (brahma-vihāra), mettā bao hàm tính chất bao la, vô bờ bến (appamaññā). Là một tình thương ban trải chung và không thiên vị, tâm từ ôm ấp tất cả chúng sinh, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sắc tộc, tín ngưỡng, chính trị hay loài giống. Không như tình yêu lãng mạn hoặc lòng tham dục, tâm từ không muốn sở hữu và không mong cầu đền đáp bởi vì tâm từ được trao truyền từ trí tuệ hơn là từ si mê. Đó là tình thương dẫn đến giải thoát chứ không đến ràng buộc, dính mắc.

 Mettā là phẩm hạnh thứ chín trong mười ba la mật (pāramī) và một công thức bảo hộ hữu hiệu (paritta). Do công năng thanh lọc tâm khỏi sân hận và ác ý, mettā bảo vệ cho người được an lành. Đức Phật dạy rằng phát triển thiện tâm, cho dù chỉ trong một giây thôi, cũng cao thượng hơn là cung ứng hàng trăm phần vật thực bố thí. Ngài khuyên bảo hàng đệ tử phải luôn an trú trong tâm từ, ở mọi oai nghi – đi, đứng, ngồi, nằm.

 Mettā biểu hiện qua thái độ của tâm ý cũng như qua hành động của thân và khẩu đối với chính mình và với mọi chúng sanh khác. Mettā nuôi dưỡng một nguồn năng lực tự nhiên và còn là một phương pháp hành thiền dẫn đến các tầng thiền định.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn