(Xem: 1828)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2283)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

02-Samādhi (Định)

15 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 15374)

 

02-Samādhi (Định)

Nếu không thấy hạnh phúc trong thân,

sẽ không thấy hạnh phúc ngoài thân.


Năng lực thần thông không quan trọng, giải thoát mới quan trọng.

= MUNINDRA =


Hãy là một người bình thường.

 Vào cuối thập niên 1970, khi Ngài Munindra bắt đầu đi du giảng khắp các nước phương Tây, Gregg Galbraith có mời Ngài đến Columbia, Missouri – nơi đây Ngài lưu ngụ tại nhà Ginny Morgan. Lúc nào cũng thiết tha muốn chia sẻ Giáo pháp, Ngài đề nghị Ginny tụ tập vài Phật tử đến vấn đạo.

 Vào thời đó không có các nhóm tu học hay tăng đoàn trong vùng này. Tuy vậy, thể theo lời yêu cầu của Ginny, đài truyền thanh cộng đồng loan tin có một “vị thầy tâm linh” đang ngụ tại nhà Ginny và mọi người có thể đến đàm đạo với Thầy trong một tiếng đồng hồ.

 Ginny hồi tưởng: “Như dự đoán, một số người đến tham dự. Trong đó có một cậu thanh niên mười sáu tuổi cầm trên tay cuốn sách của Carlos Castaneda. Cậu dễ thương và cởi mở vô cùng. Những người khác tỏ vẻ e ngại với Ngài Munindra, nhưng cậu thì muốn được ngồi càng gần Ngài càng tốt. Khi Ngài hỏi có ai có câu hỏi gì không thì cậu nói ngay, “Có, con muốn biết bằng cách nào có thể rời bỏ được thân thể này?”

 Ngài Munindra nhìn cậu, “Con muốn rời khỏi thân con à?” Cậu trả lời: “Vâng, ông thấy đó, con không có hạnh phúc. Cả cuộc đời con đầy khốn khổ, con không thể chịu được giây phút nào nữa. Con muốn rời bỏ tất cả.” (Ginny đã ngạc nhiên với câu hỏi này vì thái độ bên ngoài của cậu chẳng có vẻ gì là bất hạnh cả; cậu có vẻ hứng khởi, vui tươi và năng động.) Ngài Munindra vỗ vào đầu gối cậu và nói, “Nếu con không thấy hạnh phúc trong thân thì con cũng chẳng bao giờ thấy hạnh phúc ở ngoài thân này đâu!” Cậu kinh ngạc há hốc, “Ồ, nhưng Carlos Castaneda có nói...”

 Ngài lại vỗ vào đầu gối cậu và nói, “Ta biết ông đó rồi. Ông ta cũng không có hạnh phúc. Này con, hãy nghe ta, ta sẽ giúp con tránh được nhiều bước đi hoang phí trong đời. Phải, những chuyện thần bí như thế ấy cũng có thể làm được, nhưng con sẽ mắc kẹt trong cái thần lực đó, và rồi con sẽ phải đi loanh quanh mãi trong nhiều kiếp sống. Này con, hãy nghe ta, ta sẽ giúp con tránh nhiều bước đi hoang phí trong đời. Hãy là một người bình thường: lập gia đình, có con cái, nấu những bữa ăn sáng… Hãy có mặt trong cuộc đời mình.”

Học bay.

 Lòng mê say những cái gọi là năng lực thần thông – có thể huân tập được từ công phu thiền định tích cực – thường thúc giục người ta tìm hiểu về nó.

 Vào đầu thập niên 1980, khi Maharishi Mahesh Yogi (vị sáng lập môn Thiền Siêu Việt – Transcendental Meditation) đang dạy học viên tập bay, Marvel Logan (nay là Đại Đức Vimalaraṃsi) hỏi Ngài Munindra nghĩ gì về việc ấy. Ngài hỏi lệ phí của khóa học ấy là bao nhiêu. Khi Marvel nói khoảng hai ngàn đô la, Ngài hóm hỉnh nói, “Như vậy tôi có thể bay quanh cả thế giới với giá hai ngàn đô la.” Marvel nói, “Vâng thưa Thầy, và tôi nghĩ tôi đã hiểu được ý Thầy.”

 Ngài Munindra không chỉ thực tế về vấn đề tiền bạc mà còn muốn nói rằng những khả năng như vậy rốt ráo lại cũng chẳng quan trọng gì. Và khi ai hỏi Ngài có thể dạy môn sinh mình bay được không, Ngài nói, “Ồ, tôi có thể dạy được chứ. Nhưng đi mua một cái vé máy bay sẽ dễ dàng hơn nhiều.” Không phải Ngài Munindra cho rằng định (samādhi), nền tảng của các năng lực thần thông, là Vô ích hay không cần thiết. Nhung Ngài dạy rằng định là một phương tiện chứ không phải là cứu cánh.

 Denise Till nhận định, “Thầy không bao giờ muốn nói về các kiếp quá khứ hay vị lai. Thầy cũng không đi vào những vấn đề thần bí hay tiên tri. Thầy nói đó là một phần trên con đường đạo mà ta chỉ cần lướt ngang. Hãy buông bỏ những năng lực thiền định mà ta đã đi sâu vào và gặt hái được. Tinh hoa thật sự của đường đạo là sự giải thoát.”

Hiểu biết về định (Samādhi)

 Khi nghiên cứu kinh điển Pāli, Munindra biết được rằng Đức Phật đã giảng và dạy hai loại thiền: một để phát triển định tâm và một để phát triển tuệ giác. Ngài giải thích:

Cần phải bắt đầu bằng định. Chúng ta là chúng sanh ở cõi dục giới nên tâm thường bị phân tán, loạn động vì luôn tiếp xúc với sáu loại đối tượng – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm ta cứ đi lang thang từ đối tượng này sang đối tượng khác từng khoảnh khắc một. Phát triển định tâm (samātha bhāvanā) là một phương cách để an trụ tâm. Đức Phật có chỉ ra rất nhiều phương pháp phát triển sự định tâm như pháp quán tưởng và tụng niệm. chú tâm trên một đối tượng nhất định, bỏ qua các đối tượng khác. Chú tâm có nghĩa là cùng ở với đối tượng. Trạng thái tâm này cùng đi với nhất điểm tâm, nhưng chúng khác nhau. Nếu ta hướng tâm vào việc đánh đập, giết hại, trộm cắp, đó là chú tâm bất thiện, là tà định. Khi chánh niệm vừa có mặt thì tất cả các yếu tố khác đều được thanh lọc – bởi vì chánh niệm luôn luôn là trạng thái tâm thiện lành và là một yếu tố tỏa sáng. 

Là con người, ta có tiềm năng đạt được tất cả các loại hạnh phúc, tất cả các kinh nghiệm cao đẹp. Nhưng khi nào ta còn trong cảnh giới của giác quan và ý niệm, các năng lực tiêu cực có thể kéo ta đi xuống. Những năng lực này gọi là triền cái hay chướng ngại của tâm – tham ái, sân hận, bất an giao động, dã dượi buồn ngủ, và hoài nghi. Khi ta cố gắng hành thiền để an trụ tâm thì những chướng ngại này hay ngăn chận các nỗ lực đó. Khi tâm định được vun bồi mạnh mẽ, hành giả đạt đến các tầng thiền (jhāna), nhập định và kinh nghiệm được trạng thái tịnh tĩnh, an lạc. Lúc đó là lúc cả năm chướng ngại tâm yếu đi, bị đè nén xuống tận đáy sâu.

 Ngài Munindra mô tả năm thiền chi có khả năng chận đứng được năm triền cái trong tầng thiền thứ nhất: định tâm hay nhất tâm diệt trừ tham ái, hỷ diệt trừ sân hận, lạc diệt trừ bất an giao động, tầm (hướng tâm chính xác và trực tiếp vào đối tượng) diệt trừ dã dượi buồn ngủ, tứ (áp đặt tâm trên đối tượng) diệt trừ hoài nghi.

 Các tầng thiền là gì? Tầng thiền có thể đi lên cao và cao hơn nữa, nhưng tất cả đều còn là phàm tâm và còn chịu điều kiện, không phải là tâm siêu thế. Nhưng các tầng thiền này có ích lợi vì gom tụ và an định tâm, chế ngự được năng lực tiêu cực của các chướng ngại thường khởi lên khi ta hành thiền.

  Ngài đưa ra một thí dụ so sánh để giúp các môn sinh hiểu rõ hơn:

 Khi chúng ta ném một vật gì lên trên cao, nó sẽ rơi xuống do sức hút của trái đất. Nhưng sức mạnh vượt bực của một hỏa tiễn có thể vượt qua hấp lực ấy và trở thành vô trọng lượng, như vậy trọng lực không thể kéo nó xuống được. Rồi nếu ta có thể đi cao hơn nữa thì sức hút của các hành tinh xa hơn sẽ kéo ta về hướng đó. Tương tự như thế, khi sinh hoạt bình thường, ta không cảm nhận được sức hút của các triền cái. Nhưng khi ta vừa tập trung tâm ý thì những năng lực tiêu cực ấy nổi lên.

 Nỗ lực giữ chánh niệm liên tục đều đặn, đưa tâm về một đề mục, sẽ làm tâm mạnh mẽ và bén nhạy. Dần dần, các triền cái bị đè nén xuống. Những yếu tố thiền chi của các tầng định giúp tâm vượt qua trạng thái mê mờ. Càng tiến lên các tầng bậc cao hơn, chúng càng mạnh mẽ vững chãi hơn, khiến tâm thêm tĩnh tịnh, trong sáng và nhẹ nhàng.

  Tuy nhiên, Ngài Munindra cũng cảnh giác các môn sinh về các trạng thái thay đổi của tâm thức này:

 Các tầng thiền này tự chúng không phải là giác ngộ. Trạng thái tự tại an nhiên đạt được ở đây là do hành giả đã vượt qua những năng lực tiêu cực – các triền cái. Hành giả giờ đang thọ hưởng sự an lạc tột bực của hạnh phúc tâm linh, không phải của lạc thú giác quan. Ngay cả các tầng thiền cao nhất, nơi hành giả kinh nghiệm được tâm thức vô biên, cũng không phải là giác ngộ.

  Trong các pháp thoại, Ngài thường phân biệt chánh niệm (sati) và định (samādhi). Chúng khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau để đạt được các tuệ giác minh sát (vipassanā) và trí tuệ trực giác (paññā) trên đường tu tập giải thoát. Định (samādhi) hay thiền chỉ (samatha) trợ lực cho đường tu được dễ dàng hơn.

 Ngài Munindra chỉ dạy ba cách để đạt giác ngộ: thứ nhất là hành thiền chỉ (samatha) rồi lấy tâm an trụ làm đề mục cho thiền quán vipassanā, thứ hai là hành thiền chỉ và thiền quán xen kẽ, và thứ ba là hành thiền quán đơn thuần. Ngài cho thí dụ:

 Giả sử bạn muốn vượt qua một con sông lớn. Bạn có thể bơi qua nhưng cũng có thể dùng thuyền. Đi thuyền dễ hơn mà cũng thú vị hơn. Nếu biết cả hai thứ thiền chỉ và quán thì cũng như qua sông bằng thuyền, rất nhanh chóng. Nhưng nếu không biết thiền chỉ thì bạn phải dùng tay và chân để bơi qua. Thiền quán đơn thuần, không có kèm theo thiền chỉ, gọi là vipassanā khô (sukkha-vipassanā). Việc tu tập sẽ dễ thông đạt hơn nếu thực hành cả hai.

Thâm định và các trạng thái thần thông.

 Cũng như Đức Thế Tôn, trong suốt quá trình giảng dạy, Ngài Munindra không khuyến khích việc rèn luyện các năng lực thần thông có thể đạt được từ các tầng định thâm sâu.

 Đức Phật ngăn cấm không cho các đệ tử Ngài thi triển thần thông trước người thường, từ thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tàng hình, tha tâm thông cho đến nhớ lại các tiền kiếp... Người cũng không cho phép họ sử dụng các khả năng này trừ khi nào người đó đã chứng ngộ hoàn toàn. Đức Phật sở hữu được tất cả năng lực thần thông này, nhưng Người chỉ dùng chúng như một trợ lực để gieo duyên với chúng sanh và đem Chánh pháp đến với họ, chứ không để phô trương.

 Chỉ những ai đã đạt đến một trình độ giác ngộ nào đó mới đáng tin cậy khi thi triển thần thông, vì như Ngài Munindra nêu rõ: “Thiền định có thể bị lạm dụng. Bằng sức mạnh của tâm, người ta có thể giết hại, trộm cắp, làm nhiều điều bất thiện. Thiền định chỉ thanh lọc tâm tạm thời. Tuy nhiên nó rất hữu ích để phát triển thiền quán và vun bồi các tâm thiện lành.”

 Khi Ngài đang tu tập tại Miến điện, Hòa thượng Mahāsi thấy được mức chứng đạt cũng như đức hạnh trong sạch của Ngài nên có đề nghị Ngài học thêm về thần thông trước khi trở qua Ấn độ – “xứ sở của thần thông”. Tuy nhiên, vì Hòa thượng đã chỉ định Ngài dạy thiền cho các thiền sinh Bengali, Nepali và các người Á châu đang sống ở Rangoon đến học tại trung tâm Mahāsi, nên Ngài không có đủ thời gian và sự cách ly cần thiết cho việc luyện thần thông. Thế nhưng, Ngài cũng quyết định trao việc thực nghiệm này cho các môn sinh ưu tú nhất của Ngài.

 Ngài Munindra muốn thử thách với quan niệm thông thường thời ấy cho rằng, “Chúng ta không thể học các pháp môn ấy được vì chúng đã bị thất truyền cả rồi, chúng ta phải đợi đến thời Đức Phật kế tiếp ra đời.” Hoài nghi đó khiến Ngài hiếu kỳ muốn tìm hiểu xem sự thật ra sao, cũng giống như hồi còn bé, khi Ngài nghe mọi người nói là không ai chứng ngộ hoặc có thể chứng ngộ được sau thời kỳ Đức Phật còn tại tiền.

 Khi tôi nghiên cứu thấu đáo Phật pháp và tự thân kinh nghiệm Pháp bảo, tôi thấy suy diễn đó không đúng. Đức Thế Tôn nói bất cứ ai thực hành đúng theo lời dạy của Người đều có thể chứng đắc đạo quả bất cứ lúc nào. Vì pháp học chưa thông suốt và pháp hành thiếu chu toàn nên người đời bàn khác lời Người dạy. Họ thường luận giải về bố thí và trì giới mà ít chú trọng về hành thiền.

  Vào thời đó cho đến gần nửa sau thế kỷ hai mươi, quan niệm như thế về các chướng ngại của sự giác ngộ rất thông thường. Ngài Munindra đã dự phần vào công cuộc đổi mới tư tưởng, bắt đầu bằng một cuộc thực nghiệm...

 Ngài chọn vài môn sinh có đức hạnh trong sạch. Ngài nói điều kiện trước tiên là phải thông suốt Giáo pháp, bởi vì nếu không có gốc rễ vững sâu trong đó, họ có thể lầm lạc và trở nên cuồng nhiệt với năng lực của thần thông. Với những môn sinh đã được đặc biệt tuyển lựa, Ngài không lo sợ họ sẽ bị mê hoặc vào thổi phồng lên.

Ngài giải thích thêm:

 Hiểu biết về thiền chỉ – là gì, ra sao – không phải là điều xấu. Đức Phật cũng có tất cả những khả năng này. Từ sơ thiền ta có thể đi đến nhị thiền, đến bát thiền, rồi từ tầng thứ tám trở lại sơ thiền. Ta có thể xoay chuyển, vui chơi với tâm như vậy. Đó là một phước báu.

 Nhưng chỉ nên sử dụng thiền chỉ để trợ duyên cho việc hành trì thiền quán được dễ dàng thông suốt. Các tầng thiền định không tận diệt được ô nhiễm và những trạng thái tâm tiêu cực như tham, sân, si. Nghiệp tạo tác từ quá khứ vẫn tồn tại. Chúng không thể bị tẩy sạch bằng thiền chỉ hoặc trì giới mà phải bằng thiền quán vipassanā.

 Khi tâm tĩnh lặng và an trụ, ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm nổi lên trên bề mặt. Lúc chúng vừa trồi lên, ta thấy chúng là vậy – những yếu tố của vô minh đen tối. Nhưng nếu tâm ta trong sạch sáng ngời, chúng không được nuôi dưỡng khi vừa xuất hiện, và sẽ bị hủy diệt. Cứ như vậy, bằng cách này, tất cả nghiệp và ô nhiễm Các trạng thái thần diệu đó hoặc bản ngã họ được sạch gốc rễ.

  Ngài Munindra miêu tả thành quả của vài môn sinh đã được rèn luyện pháp hành thiền chỉ. Ngài chủ yếu dùng phương pháp đề ra trong phần hai của cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), bộ chú giải kinh điển Nguyên thủy do Ngài Phật Minh Buddhaghosa soạn vào thế kỷ thứ năm.

 Tùy thuộc vào tầng thiền mình nhập vào, hành giả có thể thăm viếng những cõi giới khác hoặc những mốc thời gian khác, bởi vì “tâm có thể du hành bất cứ nơi đâu, thấy được bất cứ cảnh vật nào, hay thi triển nhiều thần thông kỳ diệu. Khi tâm nhập vào một trạng thái định thâm sâu, hành giả sẽ vượt khỏi được tầm ý thức về vật chất. Chẳng hạn như nếu có ai đâm xuyên thân bạn, bạn sẽ không thấy đau, hoặc nếu có tiếng động, bạn cũng chẳng nghe âm thanh nào.”

 Dipa Ma là một trong các môn sinh mà Ngài Munindra hướng dẫn để nhập vào tám tầng thiền căn bản và đắc thần thông. Jack Engler có thực hiện một cuộc phỏng vấn Bà Dipa Ma. Có lần Bà đã nhập vào và ở trong tầng bát thiền được ba ngày, tám giờ, ba phút và hai mươi giây rồi Bà xuất thiền chính xác đúng vào thời gian đã định trước. Bà có thể thi triển năm loại thần thông thuộc tục thế. Chẳng hạn từ phòng Ngài Munindra ở trung tâm Mahāsi tại Rangoon, Ngài thấy Bà đứng giữa không trung trên Các ngọn cây, đang chơi đùa trong một can phòng do Bà xây bằng cách biến đổi yếu tố gió thành yếu tố đất.

 Những lần khác Bà cùng người em gái Hema Prabha Barua hiện ra trong phòng Ngài để trình pháp. Dipa Ma cũng có thể rời phòng Ngài xuyên qua cánh cửa đang đóng hay xuyên qua bức tường gần nhất. Bà học cách nấu ăn bằng yếu tố lửa nổi lên từ bàn tay mình, và phân thân thành hai người để có bạn đồng hành khi phải đi đâu một mình trong đêm tối. Để chứng minh các khả năng trên và cũng để xóa tan những nghi ngờ của một vị giáo sư đang dạy môn cổ sử Ấn độ tại Đại học Magadh ở Bồ đề Đạo tràng, Ngài Munindra cho sắp xếp một cuộc thử nghiệm đơn giản. Vị giáo sư cắt đặt một sinh viên cao học ở lại trong phòng của Ngài Munindra, tại Gandhi Ashram, để canh chừng Bà Dipa Ma đang ngồi thiền. Mặc dù Bà không hề đứng lên và rời phòng thiền, nhưng Bà đã xuất hiện tại phòng của vị giáo sư cách đó nhiều dặm và chuyện trò với ông.

 Ngài Munindra cũng thử khả năng trở ngược về quá khứ và đi tới tương lai trên dòng thời gian của Bà. Khi Ngài biết rằng ông U Thant, một nhà ngoại giao Miến Điện, đã được lên thời biểu để đọc một bài diễn văn nhậm chức Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ngài phái Bà Dipa Ma đi đến thời tương lai để nghe và nhớ những lời trong bài diễn văn ấy. Munindra viết xuống những lời Bà nói. Sau đó, khi U Thant đọc diễn văn, Ngài so sánh. Quả nhiên cả hai bài giống nhau.

 Dipa Ma có khả năng làm tất cả các việc đó và còn nhiều hơn nữa. Nhưng Bà nói với Jack Engler rằng chúng chẳng có gì quan trọng vì không thanh lọc được tâm hay đưa đến giải thoát, không tăng trưởng trí tuệ, cũng không chấm dứt được khổ đau. Đó là những gì Ngài Munindra nhấn mạnh cho Sharda Rogell hằng mấy mươi năm sau khi cô muốn biết nhiều hơn về tu tập thiền chỉ và hiểu được cách nào Bà Dipa Ma đã đạt được thần thông.

Ngài dạy cô:

Thần thông không quan trọng lắm đâu. Chúng chẳng phải là cứu cánh cao quý nhất để ta bỏ thì giờ vào. Khi tôi trở về Ấn Độ, nhiều thiền sinh trước đó đã rèn luyện và đắc vài thần thông đến nói với tôi là họ đã mất hết thần thông rồi, không còn vận dụng chúng được nữa. Cũng vậy, Dipa Ma chỉ giữ được các năng lực đó khi Bà còn ở trong khóa thiền tích cực, nhập thâm sâu vào các tầng định, nhưng không thể duy trì được chúng khi trở lại đời thường. Thần thông có thể đạt được, và người ta có thể rèn luyện để chứng đắc được thắng trí – abhiññā (thường được gọi là lục thông), nhưng đừng để những thứ ấy trở thành chướng ngại trên con đường giác ngộ, giải thoát.

 Ngài Munindra vạch rõ những giới hạn của kinh nghiệm các tầng thiền chỉ:

Các chướng ngại tâm bị đè nén, nhưng chúng không thể bị tận diệt ở đáy sâu của vô thức. Chừng nào ta còn nhập định trong các tầng thiền thì lúc đó tâm không bị các triền cái này khống chế, nhưng ta vẫn chưa được tự do hoàn toàn. Là người thường, ta không thể ở lâu trong các tầng thiền vì thân thể ta thuộc về cõi vật chất, cho nên ta phải trở lại cảnh dục giới.

Khi trở lại, tiếp xúc với các đối tượng giác quan, ta sẽ bị dính mắc với dục lạc ngũ trần rồi ta lại nắm giữ, quy tội... Bất an đến, sân hận đến hay tham lam đến. Nếu không có hiểu biết, không có trí tuệ thì việc rơi ra khỏi các tầng thiền khó có thể tránh được. Lúc đó, ta sẽ cảm thấy buồn tiếc.

 Ngài Munindra nêu rõ rằng không như thiền định, thiền quán thật có khả năng tẩy trừ, từng bước một, tất cả những sức mạnh tiêu cực luôn tiềm ẩn, ngủ ngầm trong tâm như các lậu hoặc, ô nhiễm, triền cái và sẽ hoàn toàn nhổ bứng chúng tận gốc khỏi đáy sâu vô thức.

Giúp người khác định tâm.

 Ngài Munindra chưa khi nào dự qua một khóa tích cực về thiền chỉ. Hầu như suốt đời Ngài chỉ tập trung học và hành thiền quán. Tuy vậy, Ngài cũng kinh nghiệm được nhiều tâm định thâm sâu, có thể ngồi lâu trong nhiều giờ và áp dụng nó trong cuộc sống hàng ngày.

 Uffe Damborg nói, “Nhờ sống với Thầy, ta có thể thực sự học để biết quý trọng năng lực và phước báu của thiền, dù chỉ là tâm định đơn thuần.” Ngài Munindra giải thích, “Ta có thể phát triển định tâm bằng cách vun bồi chánh niệm trong sinh hoạt hàng ngày.”

 Tapas Kumar Barua ghi nhận rằng, là một sinh viên đang đi học, anh cảm thấy luôn bị chìm ngập trong các mối lo âu cứ xen lấn vào các sinh hoạt đời thường của mình. Chú của Tapas, Ngài Munindra, giúp anh một giải pháp đơn giản: “Có thể là cháu đã cố gắng thực hiện nhiều điều trong chỉ một khuôn tâm duy nhất, cho nên nửa tâm ở kia, nửa tâm ở đây. Hãy tập gom tâm về chỉ cho một việc, cháu sẽ thấy lợi lạc ngay tức khắc. Bắt đầu ngay đi!”

 Hồi tưởng lại những lời hướng dẫn của Thầy cũng giúp thiền sinh trau giồi định tâm. Trong khóa thiền năm 1980 tại Trung Tâm Mahāsi, Rangoon, Đại đức Kim Triệu Khippapañño nhận thấy rằng khi chánh niệm không khăng khít, tròn đầy để hay biết rõ ràng các chuyển động phồng xẹp của bụng, Đại đức không đạt được định tâm toàn hảo.

 Nhớ lại chỉ dẫn của Thầy mình, Ngài Munindra, về tiến trình của các chuyển động này đã giúp Đại Đức hoàn chỉnh cách hành thiền. “Thế là tôi đi sâu vào định và hết còn phóng tâm, suy nghĩ. Do đó, mỗi khi hành thiền không tốt, tôi lại nhớ đến lời Thầy dạy khi gặp lần đầu tiên ở Bodh Gaya năm 1967. Rồi thì sự tập trung đến nhanh chóng, tự động, giống như động cơ của chiếc xe hơi: khi tôi vặn chiếc chìa khóa, tức thì tâm định đến.”

Như là thần thông.

 Mặc dù không thi triển thần thông như bà Dipa Ma, nhưng mức thâm định của Ngài Munindra đôi khi được thể hiện bằng việc có thể cảm nhận sâu sắc được những gì đang xảy ra cho các môn đệ mình.

 Ginny Morgan kể lại một kinh nghiệm kỳ lạ khi cô đi chung xe với Thầy. “Khi anh tài xế trên băng ghế trước nói vài câu thiếu tế nhị, tôi đang ngồi đàng sau và nghĩ rằng, ‘Ồ, cái anh chàng này thật khiếm nhã.’ Thầy quay lại nhìn tôi, lên tiếng, ‘Ginny, cô đang nghĩ gì thế?’ Tôi nhìn Thầy, mỉm cười. Thầy đưa tay lên và nói, ‘Thôi, đừng trả lời. Chỉ cần biết là tâm cô đang có sự phiền não. Điều đó không xảy ra trong tâm ai khác, chỉ trong tâm cô mà thôi!’ Tôi nghĩ, ‘Chà, bị bắt quả tang rồi!’ Rồi tôi cười, và Thầy cũng cười.”

 Tuy Ngài Munindra không bao giờ nhận mình có thần giao cách cảm, nhưng nhiều người đã ngạc nhiên khi thể nghiệm được khả năng này của Ngài.

 Daw Than Myint cùng mẹ là Hema Prabha Barua thường đến viếng Thầy vào mỗi buổi chiều ở trường thiền Mahāsi, không xa nhà họ bao nhiêu. Cô hồi tưởng, “Vào những ngày tôi cảm thấy mệt mỏi hoặc không có gì mới để trình pháp, tôi nói với mẹ tôi, ‘Hôm nay mình đừng đi. Sáng mai con sẽ đi sớm.’ Nhưng đôi khi mẹ tôi và tôi không thể ở nhà được. Mẹ tôi không nói gì, nhưng khi tôi hỏi mẹ có đi không là mẹ sẵn sàng đi ngay. Rồi chúng tôi rời nhà và thấy Thầy đang đi bộ, chờ chúng tôi trên đỉnh đồi. Có lẽ Thầy đang gọi chúng tôi trong tâm. Sau vài lần, mẹ tôi và tôi đều nghi như thế, bèn hỏi Thầy, ‘Bạch Thầy, Thầy có gọi chúng con không? Chúng con định không đi, nhưng đột nhiên có gì thôi thúc phải đi.’ Thầy không phủ nhận mà cũng không công nhận, chỉ nói, ‘Ồ, đó chỉ là do đức tin, do saddhā của hai vị thôi!”

 Daw nói điều tương tự này cũng thường xảy ra cho nhiều người khác. Một dịp nọ, Ngài Munindra đang gặp khó khăn trong việc thông dịch và thiết tha muốn tìm hỏi một người Ấn có thể dịch từ tiếng Bengali sang tiếng Miến. Song người này ở cách trường thiền đến chín dặm. Lúc ấy, Ngài đang trong khóa nên không thể rời trường và cũng không có điện thoại để liên lạc. Nhưng sáng sớm hôm sau, người ấy đến gõ cửa phòng Thầy và nói, “Tự nhiên tôi chỉ muốn đến gặp Thầy.”

Bình thường và phi thường.

 Một vài học trò người Á châu của Ngài Munindra có thể thấy được tiền kiếp, quả quyết đã từng được sống với Ngài trong kiếp trước, nhưng Ngài tránh bàn đến chuyện các kiếp quá khứ hay vị lai – có lẽ vì đó là một đề tài nóng bỏng, dễ gây bàn tán sôi nổi một cách thiếu cẩn trọng. Tuy nhiên, Ngài vẫn tiếp nhận các thế giới khác và những chiều không gian hay thời gian khác nhau của thực tại.

 John Travis kể về những năm đầu tiên học ở Bodh Gaya, “Tôi lắng nghe Thầy đi vào những chi tiết kỳ thú, đôi khi hằng hai giờ đồng hồ, về vũ trụ học của Phật giáo. Quả thật kỳ diệu! Qua Thầy, bạn có thể cảm thấy mình đang được vây quanh bởi bao nhiêu là vị chư thiên và vạn dạng các pháp vô hình. Lúc ấy, mắt Thầy lấp lánh như được sáng soi từ những chúng sinh và pháp ấy. Với Thầy, chúng là một thực thể chứ không là một hệ thống vũ trụ chỉ có trong sự tin tưởng.”

 Mặc dù có khuynh hướng và thường xuyên khuyên nhủ môn sinh thực chứng bình thường trong tiến trình tu tập – mục tiêu của Ngài là tuệ giác chứ không là thần thông – với khả năng thiền định thâm sâu, Ngài vẫn là phi thường. Như Roy Bonney đã khẳng định, “Phước báu của Thầy là có được sự bình thường để diễn tả bao nhiêu là kinh nghiệm phi thường đã chứng đạt.”

 Một số môn sinh của Ngài nhận xét rằng có vài thiền sư tỏa ra một làn sóng năng lực rung động mạnh mẽ khi bước vào phòng. Song khi Ngài Munindra đi ngang qua, họ không thấy gì đặc biệt cả. Thế nhưng, bên trong lại tiềm ẩn lời kêu gọi.

 Grahame White nói, “Đó là điều tôi yêu thích ở Ngài Munindra: Thầy rất bình thường. Nhân cách vô cùng bình dị đó cũng là một trong những lý do Thầy không thu hút được nhiều người. Như Đức Đạt Lai Lama nói, ‘Tôi chỉ là một nhà sư bình thường.’ Ngài Munindra cũng là như vậy."



Mục đích của đời sống phạm hạnh này không phải là lợi dưỡng,

không phải là tôn kính hay danh vọng...

cũng không phải là chứng đạt thiền định…

Tâm giải thoát bất thối chuyển mới chính là mục đích, là cốt lõi, và là cứu cánh tối hậu

của đời sống phạm hạnh này.

Phật Ngôn,

Trung Bộ Kinh 30.23

 


 

samādhi: từ sam (với nhau) + ā (hướng về) + dhā (giữ, nắm) có nghĩa là gom tụ lại, trái với rời rạc, tản mác; hay có thể từ gốc samā (đều đặn) + dhi (tinh thần) để chỉ trạng thái thăng bằng của một tâm không bị dính mắc. Thông thường, samādhi được hiểu là hướng tâm chặt chẽ trên một đối tượng duy nhất hay sự an trụ của tâm nhất điểm (ekaggatā). Tâm vững vàng, không lay động, phóng dật, quấy nhiễu bởi các đối tượng giác quan.

 Samādhi được tăng trưởng tích cực từ “định dự bị” lúc bắt đầu hành thiền, đến “cận định” gần kề với “sơ thiền” (jhāna), với “nhập định”. Khi samādhi mặt ở bốn thánh đạo và quả (magga phala), bắt lấy niết bàn (nibbāna) làm đối tượng, thì samādhi cũng câu hợp với các tâm siêu thế. Tất cả các loại định khác đều thuộc tâm hợp thế dù an lạc đến đâu. Vai trò quan trọng của vị thiền sư lúc này là chỉ rõ sự khác biệt của hai loại tâm đó.

Do công năng giúp tâm ổn định và ngăn chặn được năm triền cái (nīvarana) nên samādhi tạo được khoảng trống để có thể nhìn rõ và xuyên thấu, đưa đến tuệ giác. Samādhi cũng là nền tảng của lục thông (abhiññā), gồm các loại thần thông (iddhis hay siddhis). Vì một số thần thông có thể bị lạm dụng nên, theo truyền thống, chúng bị xem như các chướng ngại cho mục tiêu giải thoát rốt ráo.

 Samādhi thuộc nhóm thứ hai trong ba nhóm của Bát Chánh Đạo (giới sīla, định samādhi, huệ paññā), gồm chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh định (sammā- samādhi) là mấu chốt cuối cùng của nhóm định, được định nghĩa là bốn tầng thiền định (jhāna) và câu hợp với các tâm thiện. Samādhi là một trong bảy yếu tố giác ngộ (bojjhaṅga) và cũng là một trong ngũ căn (indriya) và ngũ lực (bala).


 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn